Đánh giá thực trạng tiếp cận chính sách hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp tại Việt Nam

29/10/2021
Sáng 29/10, Hội LHPN Việt Nam tổ chức hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu, rà soát các chính sách hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp tại Việt Nam với sự tham dự của các chuyên gia, đại biểu đến từ một số bộ ngành, cơ quan, đơn vị TW Hội.
Các cấp Hội LHPN Việt Nam đồng hành cùng phụ nữ khởi nghiệp (Ảnh: Trần Lê - Báo PNVN)

Phát biểu đề dẫn hội thảo, bà Phạm Thị Thanh, Phó ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, TW Hội LHPN Việt Nam thông tin, Hội LHPN Việt Nam tổ chức hoạt động nghiên cứu, rà soát nhằm đánh giá thực trạng, những rào cản trong tiếp cận chính sách hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của phụ nữ làm chủ doanh nghiệp và phụ nữ tham gia quản lý hợp tác xã; Phân tích khó khăn, thách thức khi thực thi cũng như những khoảng trống trong chính sách để từ đó đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện, tăng cường hiệu quả và đáp ứng giới trong tiếp cận, thực thi chính sách hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp.

Phó ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, TW Hội LHPN Việt Nam Phạm Thị Thanh phát biểu mở đầu hội thảo

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhóm nghiên cứu đã linh hoạt, chủ động tiến hành các hội thảo góp ý, tham vấn ý kiến chuyên gia theo hình thức cả trực tuyến cả trực tiếp; đồng thời phối hợp với Hội LHPN các tỉnh/thành khảo sát, phỏng vấn sâu đảm bảo tính kịp thời và chất lượng nghiên cứu.

Tại chương trình hội thảo, TS. GVC. Phùng Thị Quỳnh Trang, Trưởng nhóm dự án đã thông tin nhanh báo cáo nghiên cứu, rà soát về chính sách, thực trạng chính sách, khuyến nghị chính sách hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp tại Việt Nam. Báo cáo đã chỉ ra, hệ thống chính sách hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp hiện nay đã tương đối toàn diện, góp phần giảm bớt những trở ngại cho các DN/HTX do phụ nữ làm chủ. Tuy nhiên, mức độ tiếp cận tới các quy định hỗ trợ còn hạn hẹp do bị hạn chế về nguồn vốn; quy trình để nhận được các hỗ trợ còn phức tạp; nhiều quy định chưa bảo đảm tính nhạy cảm giới; việc thực thi văn bản pháp lý còn chưa có hiệu quả và hiệu lực rõ rệt...

TS. GVC. Phùng Thị Quỳnh Trang, Trưởng nhóm dự án trình bày tóm tắt báo cáo nghiên cứu, rà soát các chính sách hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp tại Việt Nam

Từ kết quả báo cáo nghiên cứu, TS. Phùng Thị Quỳnh Trang xin ý kiến các chuyên gia một số nội dung liên quan đến các khuyến nghị chính sách về thuế, bảo hiểm, tài chính, giáo dục - đào tạo, thị trường - hội nhập trong chính sách hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp.

Trên cơ sở đó, các đại biểu tham gia hội thảo đã tập trung thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực. Bên cạnh các khuyến nghị được đặt ra trong báo cáo nghiên cứu, các đại biểu đề xuất một số trọng tâm cần được quan tâm để hỗ trợ phụ nữ và các doanh nghiệp bắt đầu khởi nghiệp thành công như: yếu tố đầu tư, cơ sở hạ tầng, công nghệ, nâng cao nhận thức truyền thông, hỗ trợ vốn, kết nối ươm tạo các ý tưởng…

Bà Mai Thị Thùy, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân doanh nghiệp vừa và nhỏ thành phố Hà Nội cho rằng, đối tượng mong muốn khởi nghiệp và dễ thành công nhất phải kể đến 4 nhóm: phụ nữ làng nghề, hộ kinh tế gia đình, công nhân đang làm việc cho các doanh nghiệp lâu năm và các em sinh viên mới tốt nghiệp ra trường. Đây hầu hết là những đối tượng có kiến thức, có kinh nghiệm sản xuất cũng như xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế, do đó, cần sát sao, nắm bắt rõ nhu cầu, mong muốn của các nhóm đối tượng này, để có được những chính sách hỗ trợ họ phát triển, thực hiện ý tưởng kinh doanh một cách hiệu quả.

Bà Mai Thị Thùy, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân doanh nghiệp vừa và nhỏ thành phố Hà Nội (phải ảnh) đưa ra các ý kiến thiết thực, phù hợp với tình hình hiện nay

Bên cạnh đó, một số ý kiến phân tích, tỷ lệ phụ nữ khởi nghiệp thành công ở Việt Nam chưa nhiều bởi chị em vẫn còn tự ti, ngại giao tiếp, học hỏi từ xã hội, chưa mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, ngại đổi mới hoặc có tư tưởng hài lòng với những gì doanh nghiệp đang có; Chị em cũng chưa tiếp cận kịp thời với các văn bản pháp luật, chính sách do Nhà nước ban hành để áp dụng vào quá trình sản xuất kinh doanh; Đồng thời, nhiều văn bản, chính sách hiện hành chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn trong quá trình chị em tiếp thu, triển khai…

Nhiều ý kiến thống nhất, cần phải có những chính sách thiết thực, phù hợp với tình hình thực tiễn để hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực cho phụ nữ khởi nghiệp; Cần có cơ chế để nhân rộng mô hình phụ nữ có ý tưởng sáng tạo; thành lập các tổ chuyên gia tư vấn kiến thức, ý tưởng thành lập kinh doanh trực tiếp cho phụ nữ.

Các đại biểu tham dự hội thảo tập trung nghiên cứu báo cáo để đưa ra những góp ý phù hợp

Các ý kiến đóng góp tại hội thảo sẽ được nhóm nghiên cứu tiếp thu, nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện báo cáo nghiên cứu, nhằm tham mưu cho Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam đưa ra được những khuyến nghị, đề xuất chính sách hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp xác đáng, khả thi.

 

Minh Trang

Video