Đưa dệt thổ cẩm vươn ra thị trường quốc tế

29/04/2020
Làng dệt thổ cẩm Zara (xã Tà Bhing, huyện Nam Giang, Quảng Nam) được phục hồi như một điểm sáng trong phát triển kinh tế ở vùng miền núi khó khăn.
Dệt thổ cẩm đã trở thành một nghề truyền thống, mang đậm bản sắc văn hoá Cơ Tu

Theo đó, HTX Dệt thổ cẩm Zara ra đời nhằm lưu giữ những nét cổ truyền của văn hóa dân tộc, không chỉ tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương mà còn là điểm đến thu hút khách du lịch.

Huyện Nam Giang là huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, nơi tập trung nhiều bà con dân tộc Cơ Tu sinh sống, nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm. Trong đó, thôn Zara là nơi tập trung đông nhất người làm nghề dệt thổ cẩm.

Làng dệt thổ cẩm Zara

Ở làng dệt Zara, tất cả các thợ dệt trong làng đều tập trung vào một nhà, cùng nhau dệt vải, tra cườm. Vải thổ cẩm dệt xong được đưa vào xưởng may tập trung, mỗi người một công đoạn, may váy quấn, khố, tấm đắp, túi… và nhiều loại vật dụng khác.

Thổ cẩm được làm  hoàn toàn thủ công và khép kín, từ khâu trồng cây nguyên liệu như bông, gai, đay, xe sợi, nhuộm, dệt vải, tạo hoa văn, tra cườm, thêu… cho đến may thành sản phẩm. Bên cạnh đó, các khung dệt ở đây cũng được làm hết sức thô sơ, chỉ từ những thanh tre, nứa…

Để hoàn thành một sản phẩm, thường rất mất thời gian, một phụ nữ Cơ Tu phải mất hàng tuần, thậm chí đối với những sản phẩm tinh xảo, có hoa văn khó, phải mất tới cả tháng. Hoa văn thổ cẩm Cơ Tu thường được dệt bằng sợi bông trắng trên nền vải đen hoặc sẫm màu.

Các sản phẩm của làng dệt Zara đều do họa sĩ thiết kế, đặt hàng từ kiểu dáng, màu sắc đến chủng loại. Đặc biệt, những chiếc túi thổ cẩm với nhiều tiện ích được quan tâm và thu hút người tiêu dùng.

Được khôi phục lại từ năm 2003 bởi sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, cũng như sự đồng lòng từ phía địa phương. Đặc biệt nhờ có sự tài trợ kinh phí của Tổ chức Cứu trợ và Phát triển Quốc tế của Nhật Bản (FIDR), làng dệt thổ cẩm Zara được quy hoạch xây dựng khá bài bản.

Năm 2011, HTX Dệt thổ cẩm Zara được thành lập với 20 thành viên là phụ nữ địa phương. Hoạt động chính của HTX là dệt, kinh doanh các sản phẩm thổ cẩm kết hợp với làm du lịch cộng đồng. Đến nay, HTX đã thu hút 50 chị em phụ nữ dân tộc Cơ Tu tham gia.

Nếu như ngày trước các chị em phụ nữ làm nghề dệt tại nhà, nay tập trung may, thêu, dệt tại cơ sở HTX. Đây cũng chính là cơ sở giới thiệu và bán sản phẩm cho du khách đến tham quan.

Sản phẩm của làng dệt thổ cẩm Zara có mặt tại hầu hết các lễ hội, khu du lịch trên địa bàn huyện, tỉnh.

Vươn ra thị trường quốc tế

Con đường dẫn đến thôn Zara bây giờ được đầu tư nâng cấp, đi lại thuận lợi hơn trước nhiều. Nhờ thế mà du khách đến đây ngày càng tăng. Nhiều đoàn khách nước ngoài đến tham quan và mua sản phẩm dệt thổ cẩm Zara của người Cơ Tu về làm kỷ niệm.

Các sản phẩm của HTX Dệt thổ cẩm Zara thu hút khách du lịch trong và ngoài nước

Hiện những sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống của HTX ngày càng đa dạng và phong phú về mẫu mã. Các sản phẩm thổ cẩm đã có chỗ đứng trên thị trường, thu hút du khách trong và ngoài nước đến làng tham quan và mua sắm. Trong đó, có nhiều sản phẩm như: bao gối, áo, tấm đắp, khăn trải bàn đến túi xách, túi đeo, ví nam, ví nữ… được thị trường ưa chuộng.

Bên cạnh việc thiết kế mẫu mã sản phẩm mới, HTX còn tiến hành nghiên cứu, phục dựng được 50 mẫu dệt truyền thống đang có nguy cơ mai một của đồng bào Cơ Tu. Đến nay, HTX đã cung cấp cho thị trường từ 200 đến 300 sản phẩm các loại, trong đó có rất nhiều sản phẩm hấp dẫn khách du lịch nước ngoài. Hầu như các mặt hàng đều được tiêu thụ hết, góp phần giúp đồng bào phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.

Không chỉ phục vụ cho thị trường nội địa, mà các sản phẩm thổ cẩm của HTX còn có mặt ở thị trường nước ngoài như Nhật Bản, Mỹ… trở thành mặt hàng xuất khẩu. Và tất cả các sản phẩm đều được tính giá bằng USD.

Hiện, sản phẩm Túi A DHir (vải, túi xách, thổ cẩm) do HTX Dệt thổ cẩm Zara sản xuất được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Theo đó, các loại túi và vải thổ cẩm của HTX góp mặt ở các triển lãm, trưng bày từ TP.Tam Kỳ, Hội An cho đến Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh...

Việc giữ gìn và phát triển nghề dệt thổ cẩm làng dệt thổ cẩm Zara không chỉ góp phần gìn giữ biểu tượng văn hóa cổ truyền của đồng bào dân tộc Cơ Tu mà còn có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của địa phương. Để các sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống Zara có thể vươn xa tới nhiều thị trường trong nước và quốc tế, cần có những chính sách đầu tư, khuyến khích, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm để nghề dệt thổ cẩm ngày càng có chỗ đứng, góp phần tôn vinh vẻ đẹp, bản sắc văn hóa truyền thống của người dân tộc Cơ Tu.

thoibaokinhdoanh.vn

Video