Đưa hương tràm lan tỏa muôn nơi

24/05/2020
HTX chế biến dầu tràm Lộc Thủy (HTX Lộc Thuỷ), xã Lộc Thuỷ, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) ra đời không chỉ giúp người dân thay đổi cuộc sống mà còn giúp nghề nấu dầu tràm nổi tiếng nơi đây được "vực dậy" trước nguy cơ mai một, đưa hương tràm lan tỏa muôn nơi...
Thành viên HTX Lộc Thuỷ đang trưng cất dầu tràm

Từ chuyện quyết giữ lò nấu tràm luôn...đỏ lửa

Bà Trần Thị Quyên, 70 tuổi, trú thôn Thuỷ Tân, xã Lộc Thuỷ, huyện Phú Lộc là người đầu tiên đưa lò ra cạnh đường quốc lộ để nấu dầu tràm. Người phụ nữ với nước da đen sạm và tay chân lấm lem bụi than nói: “Tôi gắn bó với cái lò dầu tràm từ nhỏ. Chỉ biết bám vào cái nghề gia truyền này mà sống thôi, dù có những năm chỉ còn vài lò đỏ lửa”.

Bà Quyên kể, sau giải phóng, dân làng lại đỏ lửa nấu dầu. Nhưng, nấu không được bao lâu thì ai nấy tìm kế sinh nhai khác. Mấy mươi năm nay, dù có khi chỉ còn vài ba lò nhưng lò nấu tràm của gia đình bà chưa bao giờ tắt lửa. Từ sau thời bao cấp đến những năm hai nghìn, cả làng chỉ còn 4 - 5 lò, thậm chí nhiều khi chỉ còn nấu 2 lò.

Bà bảo, cũng không trách được người dân bởi họ không sống nổi với nghề tổ tiên, nên nhiều người phải bỏ dù rất yêu nghề. Thời gian đó, bà phải đem dầu vào Đà Nẵng để bán. Việc bà chuyển lò ra cạnh đường vừa bán vừa nấu hơn 20 năm nay cũng chỉ là tình cờ.

Sản phẩm dầu tràm với nhiều kiểu dáng của HTX Dầu tràm Lộc Thủy, Phú Lộc, Thừa Thiên Huế 

“Nhà gần đường quốc lộ nên tôi thấy cần làm một cái tủ bỏ dầu ra ngoài đường bán cho khách vãng lai. Nhưng vậy thì phải đem lò ra luôn, một mình tôi không thể vừa nấu vừa bán. Cách đây chừng mười năm, khách du lịch đến Huế nhiều, xe du lịch dừng lại lò dầu của tôi vừa xem vừa mua. Thế là dân làng cùng nhau đem lò ra cạnh đường vừa bán vừa để khách tham quan!”, bà Quyên bộc bạch.

Bao đời nay, người dân xã Lộc Thủy sinh ra và lớn lên trên mảnh đất đượm mùi dầu tràm. Nghề luyện dầu tràm là nghề gia truyền của cả làng. Dù có khi nó chỉ còn cái tên, họ phải chuyển làm nghề khác. Nhưng người làng luôn sẵn sàng trở lại với nghề nếu thấy có hy vọng vực dậy làng nghề.

Đến thành lập HTX để khẳng định thương hiệu "Tràm Huế"

Chuyện người dân quyết bám trụ với nghề truyền thống cho dù gặp nhiều khó khăn như gia đình bà Quyên ở Thủy Tân không hiếm, nhưng rõ ràng nếu không có cách làm bài bản, quy mô thì nguy cơ mất nghề ngày càng lớn.

Nhiều cơ sở dầu tràm dọc quốc lộ 1A đoạn qua huyện Phú Lộc, là địa chỉ thường xuyên của khách đi đường

Trước tình hình đó, giữa tháng 9/2012, các Ban, ngành chức năng, chính quyền và người dân địa phương đã họp bàn và đi đến quyết định thành lập HTX chế biến dầu tràm Lộc Thủy để lưu giữ và phát triển nghề nấu tràm. Ban đầu, HTX chỉ có 9 hộ tham gia, đến nay trên địa bàn có 46 hộ với 54 điểm bán gia nhập HTX. Đây là một dấu mốc quan trọng trong việc vực dậy làng nghề nấu dầu tràm.

“Mọi người đã thống nhất thành lập HTX để tập trung xây dựng thương hiệu. Khi trở thành thành viên HTX, chúng tôi cam kết sản xuất kinh doanh giữ uy tín sản phẩm dầu tràm của làng, chỉ bán dầu Lộc Thủy”, chị Tôn Nữ Thị Huệ, chủ một cửa tiệm dầu tràm ở đây cho biết.

Cũng trong năm 2012, thông qua Phòng Công thương huyện Phú Lộc, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành khảo sát, thẩm định và thống nhất hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng mô hình thí điểm phục vụ tinh chế dầu tràm tại xã Lộc Thủy. Theo đó, trung tâm đã hỗ trợ cơ sở chế biến dầu tràm Thanh Bình 40 triệu đồng để xây dựng mô hình lò chưng cất dầu tràm lôi cuốn bằng hơi nước giúp cơ sở tăng năng suất, tiết giảm chất đốt và nhân công.

Giám đốc HTX Lộc Thuỷ Trương Viết Đính chia sẻ, Kể từ khi thành lập HTX và được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền trong việc vực dậy nghề nấu dầu tràm, người dân địa phương rất phấn khởi và luôn tâm niệm phải sản xuất, tinh chế dàu tràm đảm bảo chất lượng, giữ vững thương hiệu để ngày một đưa hương tràm bay xa.

"Chúng tôi luôn đặt chất lượng lên hàng đầu nhằm đảm bảo uy tín, thương hiệu, nghiêm cấm các thành viên trà trộn hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc vào chế biến và kinh doanh. Nhờ giữ uy tín, nâng cao chất lượng sản phẩm, công tác quảng bá và xây dựng thương hiệu mà giá trị kinh tế đạt trung bình khoảng 4,5 tỷ đồng mỗi năm”, ông Đính nói.

Theo thống kế của Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phú Lộc, toàn huyện có hơn 200 hộ sản xuất và kinh doanh dầu tràm, trong đó xã Lộc Thủy có 52 hộ sản xuất và kinh doanh (46 hộ là thành viên HTX Lộc Thuỷ), xã Lộc Tiến có 39 hộ sản xuất và kinh doanh, thị trấn Lăng Cô có 111 hộ kinh doanh.

Trong những năm vừa qua, được sự quan tâm, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ kinh phí từ các nguồn khuyến công, Sở Khoa học và Công nghệ, thực hiện đề án khôi phục và phát triền nghề dầu tràm Lộc Thủy do huyện Phú Lộc thực hiện đã từng bước xây dựng được thương hiệu, mẫu mã sản phẩm mang tính độc quyền trên thị trường với thương hiệu “dầu tràm Lộc Thủy”. Qua đó, đã khôi phục và phát triển vùng nguyên liệu, tập huấn nâng cao năng lực sản xuất, quản lý và quảng bá sản phẩm.

thoibaokinhdoanh.vn

Video