"Bông hoa đẹp" của Hội phụ nữ xã Lãng Công

29/09/2020
Năng động, nhiệt tình và không kém phần sắc sảo là ấn tượng lần đầu khi gặp và trò chuyện với chị Nguyễn Thị An, hội viên tiêu biểu chi hội phụ nữ thôn Phú Cường,"bông hoa đẹp" của Hội LHPN xã Lãng Công, huyện Sông Lô trong phong trào "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc".
Chị Nguyễn Thị An hướng dẫn công nhân hoàn thiện sản phẩm túi xách siêu thị xuất khẩu.

Không quá khó để chúng tôi tìm đến được trụ sở công ty qua lời chỉ dẫn trong điện thoại với chị An. Sau một vòng đi thăm quan cơ ngơi xưởng may bề thế mà hai vợ chồng dày công xây dựng, chia sẻ về quá trình khởi nghiệp, chị An cho biết: "Vốn sinh ra và lớn lên ở một vùng quê miền núi nghèo, diện tích canh tác đất nông nghiệp ít, chủ yếu là đất đồi gò, quanh năm chỉ biết trông chờ vào hai vụ lúa, nên cái nghèo, cái khó, thiếu thốn cứ mãi đeo bám.

Hàng ngày xoay sở, lo chi phí sinh hoạt, ăn uống, cho con đi học thôi cũng còn khó chứ nói gì đến việc xây dựng nhà cửa khang trang và thường xuyên tham gia các hoạt động của Hội LHPN ở thôn, ở xã.

Thế nhưng, sau vài buổi tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật đưa các cây, con giống có năng suất cao vào sản xuất trên địa bàn; được chính quyền xã khuyến khích người dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp và được Hội LHPN, UBND xã Lãng Công tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH, NN&PTNT, tôi bàn với chồng quyết tâm phải chuyển hướng phát triển kinh tế".

Nghĩ là làm, qua quá trình tìm hiểu nhu cầu của thị trường về túi xách siêu thị dễ phân hủy, thân thiện với môi trường và an toàn với người sản xuất, cuối năm 2017, vợ chồng chị An mạnh dạn thuê đất, xây dựng nhà xưởng, mua 100 chiếc máy may, thành lập Công ty TNHH Kinh doanh dịch vụ thương mại Bảo An chuyên nhận may gia công các sản phẩm túi xách siêu thị chất liệu PP cung cấp cho Công ty Cổ phần Casablanca Việt Nam.

Hoạt động SXKD ở một lĩnh vực còn khá mới mẻ, những ngày đầu khởi nghiệp ấy, chị An gặp không ít khó khăn, bỡ ngỡ. Không gặp khó khăn ở khâu tuyển dụng, song việc đào tạo và sử dụng lao động là điều không dễ dàng khi mà phần lớn lao động của công ty là chị em phụ nữ ở địa phương vốn quen làm công việc đồng áng, chưa có kỹ năng, tay nghề lại cũng như tác phong làm việc đúng giờ, đúng buổi..., ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ và số lượng sản phẩm theo đơn hàng đã được ký kết.

Kiên trì đào tạo, chỉ bảo từng khâu, đội ngũ công nhân, người lao động của doanh nghiệp dần nắm được những kỹ thuật cơ bản, tay nghề nâng cao qua từng sản phẩm, được đối tác đánh giá cao, sản lượng cũng vì thế không ngừng tăng lên.

Chịu khó tìm tòi, vận dụng cách làm "lấy ngắn nuôi dài", lợi nhuận thu được đến đâu, chị An lại tiếp tục đầu tư mở rộng xưởng may đến đấy, trang bị thêm máy móc, xây dựng thêm khu nhà ăn và thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hiểm, tiền lương, giúp người lao động yên tâm, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Đến nay, sau gần 3 năm thành lập, hoạt động của công ty đi vào ổn định, lợi nhuận không ngừng tăng lên, tạo việc làm thường xuyên cho 80 lao động trong xã và địa phương lân cận với mức lương bình quân 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Với chị An, niềm vui lớn nhất đó là không chỉ tìm ra hướng phát triển kinh tế phù hợp mà là tạo việc làm cho chị em hội viên phụ nữ trong và ngoài xã, thậm chí là lao động trung niên, lớn tuổi. Bởi lẽ, thay vì phải dậy sớm lục đục đi xa để kịp giờ làm trong các khu công nghiệp ở thành phố Vĩnh Yên hay thành phố Việt Trì (Phú Thọ), thì chị em có thể làm việc gần nhà, vừa có thu nhập ổn định, vừa có thêm thời gian chăm lo bản thân và gia đình.

Mặc dù công việc kinh doanh bộn bề, song, bản thân chị An luôn thu xếp công việc hợp lý tham gia các câu lạc bộ "Phụ nữ làm kinh tế giỏi", "Gia đình hạnh phúc"... Chị cũng luôn tạo điều kiện giúp đỡ các chị em trong chi hội cũng như trong công ty có hoàn cảnh khó khăn, động viên khuyến khích họ vượt khó vươn lên, sống tích cực; tham gia các giải đấu, giao lưu văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao do các cấp hội, xã tổ chức.

Hàng năm, công ty chị dành một phần lợi nhuận cho các hoạt động nhân đạo, từ thiện ở địa phương như: Ủng hộ Quỹ “Ngày vì người nghèo”, Quỹ nạn nhân chất độc da cam, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa"... và các cuộc vận động do Trung ương MTTQ Việt Nam cũng như ở địa phương phát động. Mới đây nhất, chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, gia đình chị ủng hộ 600 chiếc khẩu trang cho Ban chỉ đạo Phòng chống Covid-19 của xã...

Trong cuộc trò chuyện, chị An luôn khiêm tốn khi nói về những thành công và đóng góp của mình cho phong trào phụ nữ ở địa phương. "Mặc dù chỉ đóng góp được một phần nhỏ bé nhưng được chị em trong Hội ghi nhận, đó cũng là động lực để tôi và gia đình tiếp tục cố gắng trong thời gian tới, mở rộng quy mô hoạt động, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động tại vùng nông thôn, ly nông nhưng không ly hương” - Đó là chia sẻ từ đáy lòng của chị An - Bông hoa đẹp của Hội phụ nữ Lãng Công.

baovinhphuc

Video