"Cây sáng kiến” ở Kim Phú

14/04/2020
Với chị Nông Thị Ngọc, sẽ không thể có trái ngọt khi mỗi ngày người trồng cây chỉ tưới tắm bằng những lời than vãn. “Nhánh hoa rừng” ấy vẫn từng ngày tỏa hương theo cách riêng của mình từ chính nếp nghĩ, cách làm.
Chị Nông Thị Ngọc (áo trắng) trong buổi ra mắt Câu lạc bộ gìn giữ văn hóa dân gian thôn 14.

“Ngọc ơi, tối nay Chi hội chị ra mắt Câu lạc bộ không có người thân vi phạm pháp luật, em dành thời gian đến với các chị em nhé!”. Vừa nghe lời nhắn của Chi hội Phụ nữ cơ sở, chị Nông Thị Ngọc, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) cố gắng hoàn thành nhanh công việc gia đình để tối có thể đến chia vui cùng các chị em hội viên. Anh chị em ở trụ sở làm việc ví chị như “nhánh hoa rừng”, vừa có nét mềm mại, thanh khiết, vừa bền bỉ sức sống và không ngại đương đầu với việc khó.

“Cây ý tưởng…”

Quê gốc của chị Nông Thị Ngọc là ở Trùng Khánh (Na Hang). Những ngày mới về định cư ở thôn 25, xã Kim Phú, chị được bà con bầu giữ chức Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, rồi Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ thôn. Chị Ngọc bảo, ở mỗi cương vị, chị đều cố gắng nghĩ ra một vài “sáng kiến” để người dân đoàn kết hơn, nâng cao điều kiện sống hơn để hòa nhập nhanh hơn với đồng bào sở tại. Gọi là sáng kiến, nhưng đó đều là những ý tưởng bắt nguồn từ chính cuộc sống thực tế của bà con.

Chị Ngọc kể, như ngày còn làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn 25, những ngày 8/3 hay 20/10, mỗi khi chị em đi dự tọa đàm, văn nghệ, tình trạng bạo lực gia đình lại xảy ra rải rác ở một số hội viên. Nhiều chị em đi ăn là vội vàng, vừa ăn vừa lo về nhà sẽ phải đối diện với những lời nói, hành động không hay từ chồng… Thấy vậy, chị bàn với chi hội từ năm sau, những ngày lễ Tết của chị em, chi hội thôn 25 sẽ tổ chức gặp mặt cả gia đình. Lâu dần thành thông lệ, việc gặp mặt đủ các thành viên trong những ngày 8-3 hay 20-10 được duy trì ở không chỉ thôn 25 mà lan tỏa ra hầu hết các chi hội của Hội Phụ nữ xã Kim Phú.

Năm 2010, khi được bầu làm Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ thôn, chị Nông Thị Ngọc đứng ra nhận thêm công việc nạo vét kênh mương nội đồng của xã để gây thêm quỹ cho thôn, giảm bớt đóng góp cho các hộ gia đình mỗi khi thôn xóm có việc. Những ngày đầu nhận công việc này, nhiều người mắng chị “lo việc bao đồng”, nhưng ngày Đại đoàn kết năm đấy, mỗi gia đình chỉ phải đóng 50 nghìn đồng thay vì 150 nghìn đồng như trước đây thì ai nấy đều phấn khởi, tích cực tham gia. Chị Ngọc bảo, công việc này mỗi năm cũng bổ sung thêm cho quỹ của thôn 25 từ 5 đến 7 triệu đồng. Số tiền này được dùng để mua sắm trang thiết bị cho nhà văn hóa, giảm bớt đóng góp cho bà con trong những ngày Đại đoàn kết hay khi có kỳ cuộc phải cần thuê trang phục…

Rồi câu chuyện tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm 1 năm 2 lần, treo cờ khi lễ, Tết hay những dịp trọng đại của đất nước, của tỉnh. Lâu nay bà con vẫn theo tư tưởng “cha chung không ai khóc”, chị vừa vận động, vừa xung phong làm trước. Sau bà con thấy chị “miệng nói tay làm”, ngõ nhà mình sạch, đường đi chung cũng được dọn dẹp, phát quang, tất cả già trẻ gái trai trong thôn cùng chung tay dọn dẹp. Chị Ngọc bảo, phong trào này được chị phát động từ năm 2010 và duy trì đến ngày hôm nay.

“Nhánh hoa rừng” bền bỉ

Năm 2011, chị Nông Thị Ngọc được bầu làm Chủ tịch Hội LHPN xã Kim Phú. Chị Ngọc nhớ lại, ngay trong kỳ đại hội đầu tiên, đã có điều ra tiếng vào, khi bản thân chị không phải người bản địa, lại là người dân tộc thiểu số. Nhiều chị em bảo, Kim Phú hết người rồi hay sao mà phải chọn người từ đâu về làm Chủ tịch Hội? Nghe được những lời này, chị Ngọc buồn một, nhưng quyết tâm “làm để chị em tin” thêm mười phần. Ngày đấy, chị luôn là người đến cơ quan sớm nhất và đi về muộn nhất để học hỏi, đọc thêm sách báo, những tài liệu quan trọng chị cầm về nhà, tranh thủ đọc trước khi ngủ. Nhiều lúc nản, muốn gác lại công việc để về quây quần con cái, ruộng vườn, nhưng khi đọc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phụ nữ ta còn có một số nhược điểm như bỡ ngỡ, lúng túng, tự ti, thiếu tin tưởng vào khả năng của mình (…). Muốn giải quyết khó khăn (…) phải quyết tâm học tập, phát huy sáng kiến, tin tưởng ở khả năng mình”.

Chị Nông Thị Ngọc (ở giữa) thăm mô hình phát triển kinh tế của hội viên trong xã.

Những kiến thức từ sách báo, tài liệu, chị hiện thực hóa vào các chương trình hoạt động cụ thể của xã và đã đem lại những hiệu quả vượt ngoài mong đợi. Như chương trình “Phụ nữ giúp nhau viên gạch hồng”, chị Ngọc lập các nhóm là các hộ chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh, mỗi thành viên đóng góp 200 nghìn đồng/tháng, số tiền này mỗi tháng sẽ dùng số tiền này xây dựng 1 nhà tiêu. Gia đình chị Hoàng Thị Chung, Chi hội 13 là một trong những hộ đầu tiên xây dựng được nhà tiêu hợp vệ sinh từ chương trình này. Chồng chị Chung không may mất sớm, ba mẹ con chị đùm bọc nhau, lo đủ bữa ăn từng ngày cho các con đã là nỗ lực. Khi tham gia nhóm “Phụ nữ giúp nhau viên gạch hồng”, số tiền đóng góp mỗi tháng không nhiều, nhưng cảm giác mình không bị bỏ lại giúp chị có thêm động lực để phấn đấu, lao động. Từ 2 nhóm đầu tiên, Kim Phú đã thành lập được 7 nhóm “Phụ nữ giúp nhau viên gạch hồng”, các chi hội đã xây dựng được 210 nhà tiêu hợp vệ sinh với số tiền 420 triệu đồng.

Sau thành công của các nhóm “Phụ nữ giúp nhau viên gạch hồng”, chương trình “Viên gạch hồng” cũng được chị Nông Thị Ngọc triển khai theo hình thức mỗi tháng sẽ thu của các hội viên 10 nghìn đồng, trừ hội viên nghèo. Sau đó sẽ họp xét hộ được hỗ trợ theo 3 mức từ 800 nghìn đồng, 1,2 triệu đồng, 1,5 triệu đồng tùy vào hoàn cảnh của từng hộ. Chỉ trong 2 năm (2015 - 2017) đã có 1.100 nhà tiêu hợp vệ sinh của hội viên phụ nữ xã Kim Phú được hoàn thành từ chương trình này… Thành công của Hội Phụ nữ xã Kim Phú đã được Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam lựa chọn giới thiệu cho 16 tỉnh miền núi phía Bắc học tập kinh nghiệm. Đặc biệt, nhiều tỉnh như Thái Nguyên, Quảng Ninh, Lạng Sơn cũng đã đến Kim Phú học hỏi để triển khai tại thực tế địa phương.

Số hội viên phụ nữ ở Kim Phú tăng dần theo uy tín của Chủ tịch Hội Nông Thị Ngọc. Những năm đầu mới làm, chỉ có hơn 1 nghìn hội viên thì đến nay đã tăng trên 1,7  nghìn hội viên. Kim Phú hiện đã có 245 hội viên xây dựng được các mô hình kinh tế, thu lãi trên 50 triệu đồng/năm. Trong số này, cũng có mô hình của chị Nông Thị Ngọc. Chị Ngọc vẫn bị đồng nghiệp đùa là “người biến hình” khi từ cơ quan trở về nhà. Là bởi, sau khi thay bộ trang phục công sở, chị Ngọc lại sắn quần móng lợn, khoác áo lao động, vừa nấu cám cho đàn lợn, đàn gà, vừa cắt cỏ thả cho hơn 1 mẫu ao nuôi cá. Sau nhiều năm tích cóp, vợ chồng chị mua thêm 4 ha rừng, trong đó 2 ha rừng 2 năm tuổi và 2 ha rừng đã trên 5 năm tuổi.

baotuyenquang

Video