“Cái đích cuối cùng của khoa học là phục vụ cuộc sống”

12/01/2021
Đó là quan niệm của PGS.TS. Hà Phương Thư (Viện khoa học vật liệu, Viện hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam) trong hơn 10 năm dấn thân vào việc nghiên cứu công nghệ nano ứng dụng cho các sản phẩm chức năng hỗ trợ người bị ung thư hay ứng dụng dành cho nhà nông.
PGS.TS. Hà Phương Thư (bìa phải) và các cộng sự

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống dạy học tại Thừa Thiên-Huế, Hà Phương Thư nối nghiệp gia đình trở thành cô giáo sau khi tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Huế. Trong quá trình dạy học, chị tiếp tục nâng cao kiến thức bằng nghiên cứu sinh ở Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, Hà Phương Thư đã nhận được học bổng sau tiến sĩ tại Trung tâm Năng lượng nguyên tử Pháp.

Trở về Việt Nam sau nhiều năm công tác tại Trung tâm năng lượng nguyên tử Pháp (CEA) và Viện công nghệ Tokyo Nhật Bản, đứng trước nhiệm vụ nghiên cứu về công nghệ nano y sinh còn lạ lẫm, trang thiết bị không có, điều kiện tài chính cũng eo hẹp, chị và các cộng sự gặp nhiều thử thách.

Năm 2009, phòng Vật liệu Nano y sinh được thành lập dưới sự chỉ đạo của Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu và GS. Nguyễn Xuân Phúc. Hà Phương Thư là một trong những người may mắn được tiếp cận sớm với lĩnh vực nghiên cứu nano trong y sinh học. Là những nhà khoa học trẻ, chị và cộng sự đã ngày đêm nghiên cứu về nano, học hỏi kinh nghiệm từ các nhóm nghiên cứu trong và ngoài nước ứng dụng trong hỗ trợ điều trị ung thư.

PGS.TS. Hà Phương Thư

Nặng lòng với bệnh nhân ung thư

"Với tôi, căn bệnh ung thư đã hằn sâu trong ký ức tuổi thơ, nỗi sợ hãi khi phải chứng kiến nhiều người quen ra đi chỉ sau một thời gian ngắn. Đó là câu hỏi thôi thúc tôi ngày đêm nghiên cứu trong suốt quãng thời gian học tập, làm việc tại Pháp, Nhật Bản, với mong muốn mang công nghệ hiện đại tạo ra một sản phẩm chuyên biệt cho bệnh nhân ung thư từ ứng dụng thành tựu của công nghệ nano", PGS.TS.Hà Phương Thư, chia sẻ.

Chị cho biết, mình chọn công nghệ nano để nghiên cứu bởi hệ dẫn thuốc nano giúp cho thuốc đến được đích, liều dùng ít hơn nhưng hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, hiện nay hệ dẫn thuốc nano chưa thể ứng dụng lên người bệnh. Vì vậy, nhóm nghiên cứu chỉ dừng ở các sản phẩm thực phẩm chức năng dùng trong phòng ngừa và hỗ trợ điều trị ung bướu.

Trong suốt 10 năm nghiên cứu, chị đã có nhiều công trình. Để có được thành quả ấy, Hà Phương Thư phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Bao lần thất bại, có lúc tưởng chừng muốn bỏ cuộc nhưng rồi hình ảnh bệnh nhân ung thư đau đớn trên giường bệnh, đã thúc giục chị tiếp tục công trình.

Tiếp nối những thành công từ các kết quả nghiên cứu hỗ trợ điều trị ung thư, chị cùng nhóm nghiên cứu đang mở rộng hướng nghiên cứu ứng dụng công nghệ nano trong nuôi trồng thuỷ sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nông nghiệp công nghệ cao với các sản phẩm nano kháng sinh ứng dụng trong nuôi trồng thuỷ sản, dưỡng chất nano cho cây trồng...

Năm 2017, sau khi thử nghiệm thành công việc phòng và chữa bệnh cho tôm thẻ chân trắng ở các hồ nuôi tôm tại TP Huế, nhóm nghiên cứu của PGS.TS. Hà Phương Thư cùng với GS. Đặng Đình Kim (Viện Công nghệ môi trường) và TS. Mạc Như Bình (Đại học Nông lâm Huế) đã tiến hành chuyển giao nguyên liệu kháng sinh nano cho Công ty Biowish. Thành công này đã mở ra triển vọng mới cho ngành xuất khẩu thủy sản ở Việt Nam khi giải quyết được các vấn nạn nhiều năm qua là tôm chết vì nhiễm khuẩn, hoặc tôm xuất khẩu bị trả về vì có dư lượng kháng sinh.

Nói về mong muốn của mình đối với việc phát triển công nghệ nano ở Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực y học, PGS.TS. Hà Phương Thư cho biết, công việc nghiên cứu của chị và cộng sự đều hướng đến cộng đồng. "Các nghiên cứu của chúng tôi đều hướng đến lĩnh vực "khoa học sự sống" (Life Science). Cụ thể là công nghệ nano trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng, công nghệ nano trong nuôi trồng thủy sản, trong nông nghiệp và đặc biệt là công nghệ nano trong ứng phó với biến đổi khí hậu", PGS.TS. Hà Phương Thư, cho biết.

Để phát triển công nghệ nano ở Việt Nam, PGS.TS. Hà Phương Thư cùng các cộng sự mong muốn các kết quả nghiên cứu có thể được chuyển giao cho các doanh nghiệp để ứng dụng trong cộng đồng. Đây là một trong những thách thức đối với các nhà khoa học hiện nay. Không chuyển giao được không phải các sản phẩm khoa học kém chất lượng mà bởi có nhiều thủ tục giấy tờ cần được thực hiện. Ví dụ, sản phẩm muốn lưu hành phải được cấp phép bởi các cơ quan chức năng. Doanh nghiệp ngại đăng ký vì lo mất tiền, mất thời gian trong khi nhà khoa học không đủ thẩm quyền để xin cấp phép...

PGS.TS. Hà Phương Thư cùng các đồng nghiệp tại phòng Vật liệu nano y sinh đang thực hiện 3 đề tài cấp Nhà nước, 2 đề tài cấp Bộ về hướng nghiên cứu ứng dụng công nghệ nano trong y sinh, dược học và nông nghiệp.

PNVN

Video