“Thúc đẩy tài chính toàn diện đáp ứng nhu cầu giới thông qua Hội LHPN Việt Nam” hỗ trợ phụ nữ nghèo tăng cơ hội tiếp cận tài chính

25/06/2021
Sáng ngày 25/6/2021, Ban điều hành dự án “Thúc đẩy tài chính toàn diện đáp ứng nhu cầu giới thông qua Hội LHPN Việt Nam” – Dự án do Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) thực hiện - đã tổ chức họp trực tuyến nhằm đánh giá kết quả thực hiện dự án từ tháng 3/2019 đến nay; triển khai các hoạt động tập trung trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo và đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tham gia cuộc họp trực tuyến họp trực tuyến

Tham dự họp trực tuyến có Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo; bà Tomomi Uchikawa, Trưởng phòng Bình đẳng giới và Giảm nghèo, JICA tại Tokyo; ông Shimizu Akira, Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam; đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; cùng đại diện các đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính tham gia dự án.    

“Dự án Thúc đẩy tài chính toàn diện đáp ứng nhu cầu giới thông qua Hội LHPN Việt Nam” mục tiêu thúc đẩy sự phát triển và cung cấp các dịch vụ tài chính và phi tài chính đáp ứng nhu cầu của phụ nữ thuộc tầng đáy kim tự tháp thông qua tăng cường năng lực của Hội LHPN Việt Nam và các Nhà cung cấp dịch vụ tài chính, hướng tới tăng cường tài chính toàn diện đáp ứng nhu cầu giới ở Việt Nam.

Các đại biểu tham dự họp trực tuyến

Hỗ trợ phụ nữ tăng khả năng, cơ hội tiếp cận tài chính

Kể từ khi bắt đầu vào tháng 3/2019, dự án đã hợp tác với 3 đối tác cung cấp dịch vụ tài chính (Tổ chức TCVM Thanh Hoá, Công ty Dai-ichi Life Vietnam và Ngân hàng VPBank) tập trung triển khai các hoạt động gồm: tổ chức hội thảo, khảo sát khách hàng, xây dựng, thử nghiệm sản phẩm. Trong đó, Tổ chức TCVM Thanh Hóa tập trung vào sản phẩm tài chính vi mô cho người dân và phụ nữ cao tuổi vùng biển Thanh Hóa, số hóa các dịch vụ; Công ty Dai-ichi Life Vietnam xây dựng sản phẩm bảo hiểm vi mô mới đáp ứng nhu cầu giới, xây dựng mạng lưới phân phối sản phẩm thông qua Hội LHPN Việt nam; Ngân hàng VPBank thiết kế các sản phẩm đào tạo, đánh giá sức khỏe đối với đối tượng các doanh nghiệp nữ vừa và nhỏ, các đối tượng phụ nữ khởi nghiệp...

Bên cạnh đó, Hội LHPN Việt Nam cũng đã chủ động đề xuất các hoạt động bổ sung như: tổ chức khảo sát tài chính toàn diện về nhận thức, hiểu biết và khả năng tiếp cận tài chính vi mô của phụ nữ tại 8 tỉnh thành, từ đó tìm hiểu hành vi, nhu cầu tài chính của phụ nữ Việt Nam (nhóm nghiêm cứu đã hoàn thành báo cáo phân tích kết quả khảo sát, qua đó hỗ trợ tích cực cho Hội trong xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược tài chính quốc gia của Hội LHPN Việt Nam); xây dựng tài liệu giáo dục tài chính giúp nhiều đối tượng tiếp cận để cải thiện việc quản lý tài chính hộ gia đình, phân tích tình hình tài chính của họ một cách đơn giản, đặt ra các mục tiêu cụ thể để tiết kiệm và theo dõi các hoạt động tài chính của họ; Khảo sát để tổ chức hội thảo về khả năng ứng dụng CNTT trong các chương trình tài chính vi mô của Hội.

Dự án tăng cơ hội tiếp cận tài chính cho các đối tượng phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nghèo, giúp chị em vươn lên phát triển kinh tế (Ảnh minh họa từ báo cáo của VPBank)

4 hoạt động tập trung trong thời gian tới

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Hội LHPN Đỗ Thị Thu Thảo đánh giá, những tác động nặng nề và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tới mọi mặt của đời sống kinh tế- xã hội nói chung, tiến trình triển khai dự án “Thúc đẩy Tài chính toàn diện đáp ứng nhu cầu giới” nói riêng, đã làm cho nhiều mục tiêu của dự án chưa đạt được trong thời gian vừa qua. Với thực tế đó, Phó Chủ tịch Hội ghi nhận và đánh giá cao sự hỗ trợ của JICA đối với Hội LHPN Việt Nam trong các hoạt động bổ sung, phù hợp với nhu cầu và bối cảnh tình hình; cũng như các đối tác đối tác (Dai-ichi Life, VP Bank, Tổ chức TCVM Thanh Hóa) đã nỗ lực phát triển sản phẩm tài chính có nhạy cảm giới, mặc dù chưa thử nghiệm được sản phẩm nhưng đây là lần đầu tiên ở Việt Nam có một dự án chú trọng cung cấp kiến thức và thử nghiệm phát triển các sản phẩm tài chính có nhạy cảm giới.

Phó Chủ tịch Đỗ Thị Thu Thảo đề nghị các hoạt động tập trung trong thời gian tới

Phó Chủ tịch Đỗ Thị Thu Thảo đề nghị, do thời gian thực hiện dự án còn rất ngắn (kết thúc vào tháng 3/2022), thời gian tới các đối tác tham gia dự án cần tập trung triển khai có hiệu quả các hoạt động sau:

1. Hoàn thiện và thử nghiệm các tài liệu giáo dục tài chính, tập huấn kiến thức kinh doanh cho hộ kinh doanh và nữ chủ doanh nghiệp nhỏ. Hội LHPN Việt Nam dự kiến sẽ đưa các tài liệu này lên Cổng Thông tin điện tử và các trang mạng, fanpage của Hội nhằm chia sẻ tới nhiều chị em phụ nữ; đồng thời sẽ gắn với các chương trình của Hội cũng như chương trình tập huấn cho doanh nghiệp về thương mại điện tử sắp tới (nếu được JICA chấp thuận).

2. Đào tạo cho cán bộ Hội để nâng cao năng lực, lan tỏa rộng hơn các sản phẩm giáo dục, đào tạo nêu trên tới nhiều hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và hội viên phụ nữ.

3. Tổ chức Hội thảo về ứng dụng công nghệ thông tin cho các chương trình tài chính vi mô trong hệ thống Hội, giúp các tổ chức nhận diện yêu cầu chuyển đổi số để nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động, hỗ trợ khách hàng thuận tiện hơn trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ.

4. Xây dựng và hoàn thiện báo cáo cuối cùng về phương pháp, thiết kế và quy trình phát triển dịch vụ tài chính và phi tài chính đáp ứng nhu cầu giới, trong đó có các bài học và khuyến nghị về thúc đẩy tài chính toàn diện có đáp ứng nhu cầu giới.

Phó Chủ tịch Hội Đỗ Thị Thu Thảo bày tỏ cam kết, Hội LHPN Việt Nam tiếp tục hoàn thành tốt sứ mệnh của mình trong dự án nói riêng và các hoạt động tài chính toàn diện nói chung; Đồng thời đề nghị JICA và các chuyên gia của dự án tập trung cao độ trong thời gian tới để đảm bảo đạt được các mục tiêu, kết quả mong đợi của dự án; Mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của JICA trong thời gian tới, với những mục tiêu phát triển toàn chính toàn diện, hỗ trợ doanh nghiệp nữ thích ứng trong bối cảnh chuyển đổi số, thương mại điện tử và hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp.

Video