9X làm cánh tay robot cho người khuyết tật

10/12/2021
Trịnh Khánh Hạ - đồng sáng lập startup Vulcan Augmetics cho biết, thói quen dậy sớm giúp ích rất nhiều cho cô trong quá trình khởi nghiệp cũng như điều hành công ty làm cánh tay robot cho người khuyết tật.

Khánh Hạ sinh năm 1993. Năm 25 tuổi, cô cùng những người cộng sự bắt đầu xây dựng Vulcan Augmetics. Tháng 5/2019, Khánh Hạ là người Việt trẻ nhất đại diện Đông Nam Á tham gia vòng thi quốc tế The Venture - Giải thưởng Doanh nhân Cộng đồng toàn cầu tổ chức tại Hà Lan, và cô được vinh danh trong top 20 doanh nhân xã hội toàn cầu.

Đầu năm 2021, sau khoảng 2 năm rưỡi chuẩn bị và hoàn thiện các nghiên cứu về công nghệ, giấy phép hoạt động, Vulcan chính thức ra mắt sản phẩm cánh tay robot có thể giúp người khuyết tật cầm nắm, lái xe và thực hiện nhiều hoạt động linh hoạt khác nhờ cổ tay có thể xoay 360 độ, kết nối bluetooth ở bên trong.

Để sử dụng, người dùng sẽ đeo bộ cảm biến ở cổ chân và điều khiển bằng cách chạm ngón chân. Ngoài ra, startup này còn nghiên cứu và cho ra đời các module chức năng riêng biệt để giúp người khuyết tật có thể sử dụng máy tính, làm các công việc bưng bê, phục vụ bàn và có thể tập thể dục…

Tay robot của Vulcan có thể xoay 360 độ, hỗ trợ người dùng cầm nắm và thực hiện nhiều thao tác linh hoạt.

Có những cộng sự tốt

Khánh Hạ cho biết trong thời gian 2 năm rưỡi nghiên cứu và chuẩn bị, tiến độ của Vulcan nhanh hơn rất nhiều so với một số startup về công nghệ khác, đặc biệt là công nghệ trong lĩnh vực y tế. Ra mắt từ đầu năm, đến nay Vulcan đã hợp tác phân phối sản phẩm cánh tay robot tại 17 bệnh viện, trung tâm chỉnh hình uy tín trên cả nước và hiện có 33 người dùng sản phẩm.

Tháng 5, Khánh Hạ cùng người đồng sáng lập Rafael Masters tham gia chương trình Shark Tank mùa 4 và gọi vốn thành công với lời đề nghị 5 tỷ đồng cho 23% cổ phần từ bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) - nhà sáng lập ứng dụng bảo hiểm Lian. Tháng 10, startup nhận được đầu tư từ các nhà đầu tư thiên thần và một quỹ đầu tư của Canada.

"Vulcan có được kết quả hiện tại phần lớn nhờ vào những người cộng sự của tôi. Ngay từ ngày đầu thành lập, tôi may mắn tìm được các bạn kỹ sư giỏi sẵn sàng nghiên cứu và dám thử những điều mới. Vulcan cũng có một bạn thử nghiệm sản phẩm, bạn là người khuyết tật - đối tượng người dùng chính của chúng tôi, nhờ vậy, nghiên cứu đến đâu sẽ thử nghiệm đến đó".

"Ngoài ra, chúng tôi còn có các chuyên gia, bác sĩ chỉnh hình đồng hành. Họ là những người biết người khuyết tật cần gì và có thể giúp Vulcan đề ra các tiêu chuẩn về y tế phù hợp. Giai đoạn đầu, đa phần tất cả đều làm việc không lương nhưng ai cũng nỗ lực hết mình vì mong muốn tạo ra sản phẩm chất lượng cho người khuyết tật", Khánh Hạ chia sẻ.

Với Khánh Hạ, kết quả hiện tại của Vulcan phần lớn nhờ vào những người cộng sự.

Trong định hướng phát triển sản phẩm, Vulcan tập trung tạo ra cánh tay robot có tính ứng dụng cao, hỗ trợ tốt cho người khuyến tật khi sử dụng. Khánh Hạ cho biết: "Tôi mong cánh tay Vulcan có thể giúp người khuyết tật hoạt động như người bình thường và tự tin trong mắt cộng đồng cũng như tự tin vào bản thân họ. Dùng tay robot là để khoe chứ không phải để che, tuy nhiên, vấn đề này lại là thử thách khi Vulcan tiếp cận thị trường".

Hầu hết người khiếm khuyết tay chân tại Việt Nam đã quen sử dụng các loại tay, chân giả làm từ silicon, màu sắc phù hợp với màu da nhưng không có chức năng sử dụng. Diện mạo khác biệt của cánh tay robot Vulcan hiện đang là rào cản và các trung tâm chỉnh hình cần tư vấn cho người khuyết tật sự an toàn và lợi ích khi sử dụng cánh tay robot Vulcan.

"Sản phẩm được các trung tâm đón nhận nhưng dường như mọi người chưa vượt qua định kiến để sẵn sàng tư vấn loại tay robot này cho người khuyết tật", Khánh Hạ than thở.

Vì thế, dù đang hợp tác với nhiều trung tâm chỉnh hình và bệnh viện, nhưng chỉ có 3 nơi có thể giúp Vulcan tìm được khách hàng.

Sẵn sàng tạo cơ hội làm việc cho người khuyết tật

"Từ ngày mang tay Vulcan, mình có thể mặc chiếc áo cộc tay mà mình thích. Đặc biệt, mình còn tự tin và mạnh dạn hơn trong chuyện tình cảm", chị Thùy ở Hà Nội, người đang dùng tay robot Vulcan chia sẻ. Những sản phẩm cùng loại có xuất xứ nước ngoài thường dao động từ mức 60 triệu đồng đến vài trăm triệu đồng, trong khi cánh tay robot Vulcan đáp ứng được các chức năng cần thiết, giá rẻ hơn 1/3, với mức từ 23 - 25 triệu đồng.

Vulcan mong muốn và sẵn sàng tạo cơ hội làm việc cho người khuyết tật.

Đối tượng chính mà sản phẩm của startup này hướng đến là những người khuyết tật mất hẳn tay do tai nạn lao động hoặc bị mất tay vì những rủi ro khác. Vulcan mong muốn hỗ trợ người khuyết tật tại các nước đông dân, đang có xu hướng phát triển mạnh về sản xuất công nghiệp như Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc… không chỉ thuận tiện trong sinh hoạt mà còn có khả năng tự lao động kiếm sống. Dự kiến cuối năm 2023, Vulcan sẽ đưa tay cánh tay robot thâm nhập thị trường Ấn Độ.

Đặc biệt, đội ngũ của Vulcan hiện đang có 4 bạn là người khuyết tật, vừa là đại sứ thương hiệu, vừa làm ở các bộ phận như bán hàng, chăm sóc khác hàng. Khánh Hạ khẳng định: "Công ty sẵn sàng tạo cơ hội cho người khuyết tật. Nếu các bạn đáp ứng được các yêu cầu công việc, chúng tôi sẵn sàng tuyển và đào tạo thêm".

Trong tháng 11 này, Vulcan sẽ ra mắt phiên bản bàn tay nâng cấp, bổ sung thêm tính năng mới và hoàn thiện kỹ thuật. Đồng thời, Vulcan sẽ làm việc với các đối tác để lắp đặt tay robot miễn phí cho 10 người khuyết tật.

 

3 điều cần với người trẻ khi khởi nghiệp

Giai đoạn đầu khởi nghiệp bao giờ cũng khó khăn, những người sáng lập buộc phải làm việc hết công suất để hoàn thành các bước chuẩn bị và đưa công ty đi vào hoạt động. Trường hợp của Vulcan Augmetics và Khánh Hạ cũng không ngoại lệ. Cô chia sẻ trong thời gian đầu, cả đội ngũ hầu như làm việc bất kể ngày đêm, tập trung tuyệt đối khả năng để nhanh chóng hoàn thành sản phẩm. Với riêng Hạ, sau những ngày đó, cô ý thức rõ sự quan trọng của giấc ngủ.

Khánh Hạ nhấn mạnh: "Hiện tại dù công việc bận rộn đến đâu, tôi luôn cố gắng ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày và sẽ dậy sớm. Bởi khi dậy sớm tôi cảm thấy thế giới lúc ấy là của riêng mình và tôi hoàn toàn chủ động được cuộc sống, chứ không phải để 24 giờ mỗi ngày rượt đuổi".

Ngoài ra, Hạ cũng cho rằng điều quan trọng nhất khi làm kinh doanh là phải tạo sự rõ ràng giữa tâm hồn và tư duy, biết cách thanh lọc, điều chỉnh và cân bằng giữa cuộc sống, thư giãn, phát triển bản thân và các kế hoạch, dự án trong công việc.

Ngoài ra, với Hạ, điều quan trọng thứ ba khi làm kinh doanh hay ngay cả cuộc sống bình thường thì mỗi người cũng cần một tri kỷ.

Cô bộc bạch: "Thi thoảng tôi cũng có những áp lực và khó khăn trong công việc, khi ấy tôi sẽ tìm đến tri kỷ của mình để chia sẻ và soi rọi lại bản thân. Đó có thể là người thân trong gia đình, là bạn bè hoặc cộng sự… miễn người này thực sự là tri kỷ, sẵn sàng lắng nghe và cho bạn cảm giác an toàn khi chia sẻ bất cứ điều gì. Tri kỷ sẽ đóng vai trò như một tấm gương, giúp chúng ta nhìn nhận bản thân và noi theo để phát triển".

doanhnhansaigon.vn

Video