An Giang: đan giỏ ny-lon giúp nhiều chị em Tấn Mỹ có thêm thu nhập

22/12/2019
Gần 30 năm qua, nghề đan giỏ ny-lon ở xã Tấn Mỹ (Chợ Mới) đã giúp người dân lao động vùng nông thôn xứ cù lao Giêng có thêm việc làm, nhất là lúc nông nhàn, qua đó tạo được nguồn thu nhập ổn định, từng bước cải thiện cuộc sống gia đình.

Thêm việc làm, thêm thu nhập

Nghề đan giỏ ny-lon giúp nhiều chị em phụ nữ xã Tấn Mỹ có thêm thu nhập

Từ khi được công nhận là làng nghề truyền thống năm 2014, làng nghề đan giỏ ny-lon xã Tấn Mỹ ngày càng phát triển. Nhờ chất lượng sản phẩm được nâng lên, thị trường ngày càng rộng mở, số lượng tiêu thụ từ đó tăng hơn rất nhiều. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm đáng kể cho lực lượng lao động tại xã cũng như các địa phương lân cận. Hiện nay, theo thống kê có gần 400 hộ dân chuyên làm nghề đan giỏ, tập trung ở các ấp: Tấn Lợi, Tấn Phước, Tấn Bình, Tấn Thành... thuộc xã Tấn Mỹ và rải rác ở các xã: Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân, An Thạnh Trung.

Theo bà Phạm Thị Tuyết Oanh (đại diện làng nghề đan giỏ ny-lon xã Tấn Mỹ), nghề đan giỏ ny-lon rất dễ học và dễ làm; chị em có thể vừa làm công việc nhà, vừa đan giỏ hay đan giỏ những lúc đã lo xong việc vườn tược. Bên cạnh đó, đan giỏ không cần đòi hỏi phải có năng khiếu, bất kể là đàn ông, phụ nữ, người lớn, trẻ nhỏ đều có thể tham gia đan giỏ... “Học nghề này chỉ cần 2 tuần là có thể đan thành thạo, nếu người nào “nhạy việc” mất chừng 10 ngày là làm được, càng làm tay nghề càng nhanh nhạy” - bà Oanh thông tin. Mỗi người thợ lành nghề đan được trung bình 8-10 giỏ/ngày, tiền công mỗi giỏ lớn là 14.000 đồng. Tính ra, nhiều chị em vừa coi nhà, giữ con, lo cơm nước rồi thong thả ngồi đan giỏ có thể bỏ túi trên 100.000 đồng/người/ngày.

Được học nghề, nhận gia công sản phẩm, bà Oanh cùng chồng tích góp và phát triển thành cơ sở sản xuất có lực lượng thợ gia công, đến hơn trăm hộ. Hàng ngày, tại cơ sở của bà Oanh, các lao động sẽ cắt dây đúng quy cách giỏ lớn, nhỏ, sau đó chở nguyên liệu này giao tận nhà cho các hộ dân nhận gia công. Vài ngày sau, lại đến thu gom sản phẩm về cơ sở và chờ thương lái đến thu mua. “Vui nhất là tạo được công ăn việc làm cho bà con, chứ nghề này lời ít, “sống” được là nhờ số lượng nhiều. Đầu ra của sản phẩm ổn định nên mấy chục năm nay có việc làm cho bà con mình làm suốt. Tuy nghề này không làm giàu, nhưng được cái có tiền mỗi ngày, lo được cho gia đình” - bà Oanh thiệt tình chia sẻ. Làng nghề đan giỏ ny-lon làm quanh năm nên đã tạo thêm thu nhập ổn định cho nhiều người ở xứ cù lao Giêng. Ban đầu, các chị được UBND xã Tấn Mỹ phối hợp Trung tâm Dạy nghề huyện Chợ Mới mở lớp đào tạo nghề đan giỏ, thu hút hàng trăm học viên tham gia. Sau khi học nghề thành thạo, các chị nhận gia công sản phẩm cho các cơ sở trong xã. Ngoài ra, bà Oanh còn đến các xã lân cận của huyện Chợ Mới hay sang các địa phương khác như: Thoại Sơn, Tịnh Biên, Tri Tôn mở các lớp dạy nghề đan giỏ, khi địa phương có nhu cầu.

Bên cạnh những hộ làm lúc nhàn rỗi, thêm thu nhập thì nghề đan giỏ ny-lon trở thành nguồn kinh tế chính, ổn định của nhiều hộ không đất sản xuất. Một hộ bình quân có 2-3 lao động, chủ yếu là phụ nữ vừa làm việc nhà, vừa đan giỏ, các em nhỏ tranh thủ ngoài giờ học đan giỏ tiếp gia đình tăng thu nhập. Không giống như nhiều ngành nghề khác, nghề đan giỏ tiện lợi có thể tranh thủ làm vào bất cứ lúc nào trong ngày. Có nhà cả ngày đi chăm sóc vườn xoài, hoặc làm thêm công việc khác, tối về tranh thủ ngồi đan cũng kiếm được vài chục ngàn đồng. Sáng sớm lo đi phun thuốc cho vườn xoài với con trai, đầu giờ chiều bà Trần Thị Hường (ấp Tấn Quới, Tấn Mỹ) mới bắt tay vào công việc đan giỏ. Vừa làm, bà Hường vừa chia sẻ, nhờ làm với con trai, con dâu nên đến trời tối cũng được chục cái giỏ, kiếm thêm 140.000 đồng.

“Ở đây, hầu như nhà nào cũng có người đan giỏ vì công việc nhẹ nhàng, ngồi trong mát, lại lo được cơm nước. Tiền điện, tiền đi đám cưới, đám giỗ... cũng từ nghề đan giỏ mà có được, không thắt ngặt như hồi chưa làm” - bà Hường chia sẻ.

baoangiang

Video