An Giang: Những phụ nữ Chăm quyết giữ nghề truyền thống

09/04/2022
Trong quá trình hội nhập và phát triển, đồng bào Chăm ở An Giang vẫn giữ được bản sắc văn hóa riêng của dân tộc mình, trong đó có nghề truyền thống và các làng nghề truyền thống hiện vẫn đang tồn tại và phát triển.
Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm ở An Giang

Theo lời chia sẻ của một số đồng bào Chăm ở  ấp Phủm Soài, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu (An Giang)- nơi đang duy trì được nghề dệt thổ cẩm thì, thu nhập từ công việc này rất thấp, nhưng đây là bản sắc, là nghề nối nghiệp từ ông bà, cha mẹ nên rất đáng để giữ gìn.

Có lẽ đây cũng chính là lý do mà khi đã đi du học và làm việc ở nước ngoài như chị Saphynah (con gái út của ông Mohamad - Chủ cơ sở dệt thổ cẩm Chăm Mohamad) vẫn quyết định quay về quê hương, phát triển nghề truyền thống cùng gia đình.

Chị Saphynah cho biết, lúc trước, để làm ra một sản phẩm ba mẹ rất cực, vì hoàn toàn bằng thủ công, nhưng thu nhập rất ít, bấp bênh, khó tiêu thụ, nên mình hoàn toàn không muốn theo nghề này. Tuy nhiên, sau những lần về thăm nhà, được gặp gỡ, trao đổi, giới thiệu những sản phẩm truyền thống cho bạn bè, du khách trong và ngoài nước đã khiến chị có suy nghĩ khác. Từ đây, tinh thần trách nhiệm tiếp nối nghề của ông cha, góp công sức cùng với cộng đồng gìn giữ nghề truyền thống đã không ngừng thôi thúc chị.

Hiện tại, chị và gia đình bố trí khung dệt ngay tại cơ sở, sẵn sàng trình diễn cho du khách tham quan các công đoạn hoàn thành một sản phẩm khăn rằn, thổ cẩm. Số còn lại được đặt ở nhà người dân để gia công. Vì là sản phẩm thủ công, nên mỗi tháng chị chỉ xuất bán được vài trăm đến 1.000 sản phẩm, thu nhập trừ chi phí cũng không còn là bao.

Tuy nhiên, chị Saphynah vẫn quyết tâm với nghề, bởi du khách và đặc biệt là khách nước ngoài rất trân quý những sản phẩm được làm thủ công của gia đình và bà con trong làng nghề..

Chị Hứa Thị Rokya quảng bá sản phẩm tại các hội chợ

Cũng như chị Saphynah, cô gái Chăm Hứa Thị Rokya (con gái út của ông Hứa Hoàng Vũ - Chủ cơ sở Tung lò mò ANAS), sau khi tốt nghiệp đại học và có cuộc sống ổn định ở TP. Hồ Chí Minh cũng lựa chọn trở về quê khởi nghiệp với nghề truyền thống của gia đình.

Từ những ngày thơ ấu, chị Rokya đã được theo cha đến các hội chợ bán Tung lò mò (Lạp xưởng bò), một sản phẩm vốn nổi tiếng xưa nay trong cộng đồng người Chăm Islam ở An Giang, khiến nhiều thực khách phương xa tìm đến, mong một lần nếu thử hương vị đặc trưng của món ăn này. Tuy nhiên, đây là món ăn hoàn toàn được làm thủ công, thời gian bảo quản không được lâu, số lượng mỗi lần làm ra cũng không đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Nghĩ đây là sản phẩm tiềm năng, lại được nhiều người ưa chuộng, chị quyết tâm “đem chuông đi đánh xứ người”, dọc xuôi từ Nam ra Bắc, từ trong nước ra các nước Đông Nam Á. Miễn có cơ hội quảng bá sản phẩm là chị không ngần ngại tham gia.

Để vừa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa giữ được chất lượng sản phẩm truyền thống, chị đã tìm tòi nghiên cứu đầu tư máy móc để tăng sản lượng, đồng thời hoàn thiện các công đoạn cho ra sản phẩm gần như nguyên bản với sản phẩm truyền thống.

Do đó, mỗi tháng trung bình chị cho ra lò 800 - 1.000kg thành phẩm. Ngoài ra, để nâng cao giá trị sản phẩm và quảng bá văn hóa Chăm đến với nhiều người hơn, chị đã mạnh dạn kết nối các tour tuyến du lịch tham quan trải nghiệm văn hóa ẩm thực Chăm tại cơ sở.

Tung lò mò là món ăn truyền thống trong cộng đồng người Chăm Hồi giáo Islam

Chị Rokya chia sẻ: “Trải qua thời gian, mình mới thấy rõ, trân trọng hơn những giá trị văn hóa dân tộc. Đi nhiều nơi, nhưng mình rất say mê với ẩm thực của dân tộc mình. Nó thôi thúc mình phải nghiên cứu, học hỏi để giữ gìn và phát triển nghề truyền thống của dân tộc, lan tỏa được nét văn hóa đặc sắc của người Chăm đến mọi người"

 Và như kỳ vọng, sản phẩm Tung lò mò của gia đình đã đi đúng hướng, khi nhận lại nhiều phản hồi tích cực từ thực khách, đồng thời ngày càng có thêm nhiều người biết về văn hóa ẩm thực Chăm. "Mình đang chuẩn bị cho ra thị trường một số sản phẩm mới để làm phong phú các món ăn, để người Hồi giáo Islam có thêm nhiều lựa chọn", chị Rokya thông tin

Theo đuổi và phát triển nghề truyền thống trong thời đại ngày nay, là một thử thách. Bởi phần lớn sản phẩm truyền thống, đều phục vụ nhu cầu của lượng khách hàng nhất định, hoặc mục đích tham quan, tìm hiểu du lịch. Tuy nhiên, hiện nay đối với các bạn trẻ, nhất là những người con đồng bào DTTS được sinh ra, lớn lên ngay tại làng nghề như chị Saphynah, chị Rokya và còn rất nhiều phụ nữ khác ở địa phương, việc giữ gìn “lửa nghề” với họ vừa là trách nhiệm, vừa là niềm tự hào.

baodantoc

Video