Bắc Kạn: Những phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo với Trà hoa vàng

18/02/2022
Là địa phương được thiên nhiên ưu đãi sở hữu cây trà hoa vàng quý hiếm, nhiều hội viên, phụ nữ đã quyết tâm khởi nghiệp, xây dựng thương hiệu Trà hoa vàng, góp phần quảng bá, giới thiệu, đưa đặc sản quê hương tới người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Chị Hà Minh Đợi giới thiệu sản phẩm Trà Hoa Vàng Bắc Kạn với khách hàng

Xây dựng thương hiệu Trà hoa vàng Bắc Kạn

Quê gốc ở tỉnh Thái Nguyên, năm 2015, chị Dương Khánh Ly theo chồng đến định cư tại thôn đồng bào dân tộc Dao Bản Bẳng, xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn. Khi ấy, thôn bắt đầu mới có điện, nhưng đường còn gập ghềnh bùn đất. Đời sống bà con nơi đây rất khó khăn, họ chủ yếu sống dựa vào khai thác lâm sản từ núi rừng.

Chị Ly cho biết, những tán rừng rộng lớn ở Nghĩa Tá có rất nhiều cây dược liệu quý hiếm, đặc biệt là cây trà hoa vàng, một loại dược liệu quý. Tuy nhiên, do người dân nơi đây chưa hiểu hết giá trị của Trà hoa vàng nên thường chỉ tìm hái về bán cho thương lái với giá rất rẻ. Trung bình mỗi cân trà hoa vàng tươi chỉ có giá trị 200 - 300 nghìn đồng. Cây giống trà hoa vàng cũng chỉ được mua với giá 10 nghìn đồng đến 20 nghìn đồng/cây.

Hiểu rõ tiềm năng rất lớn của Trà hoa vàng và những thiệt thòi của người dân nếu không có hướng phát triển phù hợp, chị Ly trăn trở làm sao để loài cây quý hiếm này có được thương hiệu xứng đáng với giá trị của nó. Tháng 9/2019, chị Dương Khánh Ly mạnh dạn đề xuất ý tưởng với một số người dân trong thôn, cùng nhau đứng ra thành lập Hợp tác xã Hòa Thịnh chuyên sản xuất Trà hoa vàng,  chị Ly giữ vai trò là Phó Giám đốc có trách nhiệm đứng ra thu mua và tổ chức dây chuyền sản xuất sấy khô Trà hoa vàng. 

Khi việc sản xuất dần ổn định và cho thu nhập bước đầu, tháng 5/2021, chị Ly tiếp tục đứng ra thành lập Hợp tác xã Nông lâm Nghĩa Tá, với trên 10 thành viên, chủ yếu là người dân trong thôn Bản Bẳng. Xác định sản phẩm chủ lực của HTX là Trà hoa vàng, chị đầu tư máy sấy hơn 100 triệu đồng và tỉ mỉ nghiên cứu, thử nghiệm sấy khô những mẻ Trà hoa vàng chất lượng cao. Chị cho biết: Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại Trà hoa vàng. Để phân biệt Trà hoa vàng Nghĩa Tá (Chợ Đồn) với các loại khác đó là nhìn vào các cánh hoa, trà hoa vàng ở Chợ Đồn các cánh hoa đều màu không có viền đen như các loại trà hoa vàng ở các nơi khác, nên rất dễ nhận biết.

Để tạo hướng phát triển lâu dài, chị Ly đứng ra thu mua, đồng thời vận động bà con trong thôn cùng giâm hom và trồng được 1,5ha, với tổng số trên 3 nghìn cây trà hoa vàng, quy hoạch trồng trọt, sản xuất bài bản, nâng cao giá trị sản phẩm cho Trà hoa vàng, tạo thu nhập ổn định cho người dân. Hiện mỗi cân Trà hoa vàng sau khi sấy khô có giá khoảng 12 triệu đồng.

Chị Ly chia sẻ: Trà hoa vàng là loài cây quý hiếm, có nhiều giá trị sử dụng như làm trà, lấy gỗ, cũng có thể làm cây trồng tầng dưới ở vùng rừng phòng hộ hoặc làm cây cảnh. Trong đó, trà hoa vàng là đồ uống cao cấp, có tác dụng phòng và chống các bệnh huyết áp, tim mạch... Thời gian tới, HTX sẽ mở rộng thêm 5ha diện tích trồng, tiếp tục thu mua hoa tươi và chế biến túi lọc Trà hoa vàng, tạo thị trường để đưa sản phẩm đi xa hơn, góp phần đồng hành cùng bà con phát triển các sản phẩm nông, lâm nghiệp, nâng cao đời sống, phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng trên quê hương.

Chị Dương Khánh Ly ươm trồng thêm trà hoa vàng nhằm phát triển mô hình trồng cây dược liệu

Nâng giá trị loài cây dược liệu quý

Chị Hà Minh Đợi - Giám đốc Công ty TNHH Hà Diệp (thành phố Bắc Kạn) sau khi tìm hiểu, khảo sát về cây trà hoa vàng tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã quyết định tìm cách đưa Trà hoa vàng Bắc Kạn vươn xa hơn đến các thị trường lớn trong va ngoài nước.

Từ giữa năm 2021, Công ty của chị đã tiến hành thu mua bông trà hoa vàng của người dân tại các huyện Chợ Đồn, Bạch Thông với giá từ 1 - 1,1 triệu đồng/kg bông trà tươi; đồng thời đầu tư máy sấy sản xuất trà hoa trà với tổng trị giá gần 1 tỷ đồng. Sản phẩm Trà hoa vàng Bắc Kạn của Công ty đã được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, được nhiều khách hàng lựa chọn tin dùng.

Chị Đợi chia sẻ: “Để đưa dòng sản phẩm Trà hoa vàng Bắc Kạn vươn xa ra thị trường và đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định, Công ty đã đầu tư trồng khoảng 5ha trà hoa vàng tại các xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông, xã Đồng Thắng, huyện Chợ Đồn. Bên cạnh đó, công ty cũng chú trọng đầu tư, nâng cấp sản xuất, đưa sản phẩm tham gia OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Dự kiến trong năm 2022, sản phẩm Trà hoa vàng Bắc Kạn sẽ được đem đi giới thiệu và quảng bá tại các hội chợ, triển lãm thương mại trong tỉnh và ngoài tỉnh. Công ty cũng sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất loại sản phẩm túi lọc Trà Hoa Vàng kết hợp với lá vối để phục vụ người tiêu dùng tiện lợi hơn”.

Không chỉ tâm huyết với dòng sản phẩm Trà hoa vàng, trước đó chị Hà Minh Đợi cũng rất thành công trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 300 người lao động. Tuy bận rộn nhưng đam mê về nông nghiệp, chị còn tổ chức trồng dâu trong nhà kính và cho biết, chị trồng dâu để phục vụ gia đình với diện tích 250m2, dự kiến thời gian tới sẽ mở rộng trồng loại quả này với quy mô hàng hóa để cung cấp ra thị trường; đồng thời kết hợp trồng rau mầm, dưa lưới… đưa sản phẩm sạch, an toàn sức khỏe đến tay người tiêu dùng.

Chị Ly và chị Đợi là những điển hình phụ nữ đam mê, sáng tạo trong khởi nghiệp, phát triển kinh tế, góp phần xây dựng thương hiệu Trà hoa vàng Bắc Kạn. Bên cạnh đó, các chị còn là những hội viên phụ nữ tích cực tham gia các phong trào, cuộc vận động của Hội, của địa phương. Các chị luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ giống, vốn, khoa học kỹ thuật… cùng với các chị em khác trong chi hội, giúp nhau vươn lên làm giàu từ chính đôi bàn tay và các sản vật sẵn có của quê hương.

Ngọc Lan

Video