Bắc Kạn: Những phụ nữ thoát nghèo từ bánh gio

16/11/2021
Những năm trước đây, đời sống của chị em phụ nữ ở thôn Pác San I và Pác San II, tỉnh Bắc Kạn chủ yếu chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp một vụ với các loại cây trồng giống cũ, năng suất thấp, chính bởi vậy, cuộc sống còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao.
Chị Lường Thị Thuận hội viên thôn Pác San I đang chuẩn bị hoàn đơn bánh gio hơn 3000 chiếc cho khách hàng ở thành phố Bắc Ninh

Những năm gần đây được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại năng suất cao nên đời sống kinh tế - xã hội của người dân trong thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt chị em hội viên phụ nữ ngoài làm ruộng, trồng rừng đã biết phát triển thêm một số ngành nghề phụ như: buôn bán nhỏ, làm đậu phụ, nấu rượu…

Trong các ngành nghề phụ được chị em phát triển, mang lại thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình ở Pác San phải kể đến đó là làm bánh gio, một loại bánh đặc sản từ lâu đời, thường được làm để dâng cúng tổ tiên mỗi dịp lễ, Tết. Bánh gio được làm từ gạo nếp nương và lá chít, đòi hỏi người làm phải khéo tay, tinh mắt. Muốn làm được bánh gio ngon phải bắt đầu từ khâu chọn loại cây đốt thành gio trắng mịn đem hoà với nước vôi có nồng độ thích hợp, gạo để gói bánh phải là nếp rẫy vừa dẻo vừa thơm. Từ nghề làm bánh gio, nhiều chị đã vươn lên thoát nghèo bền vững, điển hình như: chị Lường Thị Thuận (hội viên thôn Pác San I) từ một hộ nghèo, nhờ khéo léo chịu khó, hiện nay trung bình một tháng gia đình chị cung cấp cho thị trường các tỉnh như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội… từ 30 đến 40 nghìn chiếc bánh gio, trừ chi phí mua gạo, lá, chất đốt và nhân công mang lại thu nhập từ 30 - 35 triệu đồng/tháng. Chị Phương Thị Thanh, chị Lê Thị Nghĩa (hội viên thôn Pác San II) nhận làm bánh theo đơn đặt hàng của khách ngoài tỉnh với số lượng từ 300 đến 400 chiếc/1 đơn hàng, tính bình quân mỗi tháng từ việc gói bánh gio mang lại cho gia đình các chị từ 28 - 30 triệu đồng tiền lãi… Do chất lượng gạo ngon, kỹ thuật gói bánh khéo léo, đẹp mắt khách hàng đã truyền tai, giới thiệu bánh gio của gia đình chị Thuận, chị Thanh và một số hội viên khác qua mạng facebook, zalo đến nhiều nhiều vùng miền trên đất nước.

Hiện nay, nhiều chị em đã cùng nhau thành lập các nhóm phụ nữ dạy gói bánh gio vào các buổi tối và những ngày nông nhàn, vì vậy hầu hết hội viên ở Pác San I và II đều có thể gói bánh gio phục vụ gia đình, bán vào những ngày lễ tết và làm quà cho người thân… Hai thôn Pác San I và Pác San II có 52 hội viên phụ nữ, thì có tới 45 hội viên làm nghề gói,  đi bán bánh gio tại các chợ trung tâm huyện Chợ Mới, khu vực đền Thắm và một số tỉnh lân cận như Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội… Ngoài việc gói bánh gio, chị em còn chú trọng phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa. Ở Pác San II, hiện có nhiều hộ gia đình mạnh dạn đầu tư chăn nuôi lợn nái, lợn thịt thu lãi 40 - 70 triệu đồng/năm.

Nhờ sự năng động  khéo léo, nắm bắt cơ chế thị trường và ứng dụng các mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu về bánh gio truyền thống của địa phương mà đời sống chị em đã có chuyển biến tích cực. 100% hội viên phụ nữ (52/52 chị) có nhà xây, nhà ngói vững chắc, nhiều hộ khá giả, cả hai thôn chỉ còn 02 hộ nghèo.

Được biết, cùng với việc phát triển kinh tế, chị em phụ nữ còn tích cực hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước làng văn hóa với nội dung rõ ràng, cụ thể, phát huy hiệu quả rõ nét. Hằng năm, hai thôn có trên 95% hộ gia đình đạt gia đình văn hóa, việc cưới, việc tang được tổ chức lành mạnh, tiết kiệm. Các hoạt động từ thiện, nhân đạo, khuyến học… đều được triển khai hiệu quả.                                                                                 

  

Hà Thu Hưởng

Video