Bình Định: Thành tỷ phú từ nuôi heo

27/04/2022
Nhiều nông dân tỉnh Bình Định trở thành tỷ phú, đóng góp tích cực cho nền kinh tế địa phương. Điển hình là nông dân Trần Thị Lệ (thôn Lương Lộc, xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước) trở nên giàu có nhờ nghề nuôi heo.
Bà Lệ chăm sóc đàn heo của gia đình

Những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững ở huyện Tuy Phước (Bình Định) phát triển mạnh.

Tại địa phương có nhiều nông dân trở thành tỷ phú và đóng góp tích cực cho nền kinh tế. Điển hình như nông dân Trần Thị Lệ ở thôn Lương Lộc, xã Phước Hưng đã vươn lên khá giả, giàu có nhờ nghề nuôi heo. Đi lên từ bàn tay trắng, gia đình nông dân Trần Thị Lệ có thu nhập tiền tỷ mỗi năm.

Mới đây, bà Lệ vinh dự được bình chọn là 1 trong 63 gương mặt nhà nông của cả nước nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021”.

Trước đây, bà vẫn không nghĩ rằng mình có được cuộc sống khá giả như ngày hôm nay. “Cái khó ló cái khôn”, sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, bà quyết tâm phát huy kiến thức thú y đã được học, để phát triển chăn nuôi heo.

Năm 2013, bà Lệ vay vốn từ ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thông qua Tổ Vay vốn của Hội Nông dân xã; vay từ nguồn vốn Quỹ HTND để đầu tư xây dựng chuồng trại, mua heo giống, thức ăn chăn nuôi.

Để chăn nuôi đạt hiệu quả cao, bà Lệ chịu khó tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, nghiên cứu từ báo, đài, đi tham quan các mô hình chăn nuôi heo tiên tiến do các cấp Hội tổ chức. Nhờ đó, việc nuôi heo của gia đình bà luôn  thuận lợi.

Có vốn, bà Lệ bắt đầu xây chuồng nuôi chăn nuôi theo hướng thương phẩm với diện tích 1.200 m2. Sử dụng đệm lót bằng chế phẩm sinh học và công trình Biogas.

Dù qua bao thăng trầm do giá cả lên xuống, dịch bệnh hoành hành nhưng đàn heo của bà năm sau nhiều hơn năm trước, ước tính mỗi năm bán ra thị trường trên 400 tấn heo thịt.

Mô hình nuôi heo tập trung với số lượng lớn nên khi giá heo xuống thấp, nguồn thu của gia đình cũng giảm đáng kể, tuy nhiên khi heo được giá lãi suất cũng tăng cao.

Theo bà Lệ, người nuôi heo phải nắm chắc kỹ thuật, phòng bệnh là quan trọng nhất. Con heo trước nhất phải tiêm đầy đủ vắc xin, chuồng trại chăn nuôi vệ sinh sạch sẽ, sát trùng thường xuyên tránh đàn heo bị dịch bệnh.

Không chỉ thành công từ nuôi heo, gia đình bà còn đầu tư làm đại lý cấp 1 cung cấp thức ăn gia súc, gia cầm. Nhờ nhận nhập về từ các nhà máy chế biến thức ăn có uy tín trên thị trường trong và ngoài nước, bảo quản đảm bảo chất lượng nên mô hình cung cấp thức ăn gia súc gia cầm của gia đình bà luôn được khách hàng ưa chuộng.

Ngoài ra, bà luôn thực hiện việc cung cấp thức ăn gia súc gia cầm, tạo điều kiện cho các hộ nông dân khó khăn đầu tư sản xuất chăn nuôi, đến khi xuất chuồng mới thanh toán. Mỗi năm, gia đình bà cung ứng thức ăn gia súc, gia cầm các loại cho bà con nông dân chăn nuôi...

Ngoài ra, bà Lệ cho 20 hộ vay mượn tiền vốn không lấy lãi để đầu tư phát triển sản xuất, giúp 10 hộ giảm nghèo bền vững, đóng góp trên 50 triệu đồng làm đường bê tông.

Ông Nguyễn Công Toàn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Hưng cho biết: “Nông dân Trần Thị Lệ là tấm gương tiêu biểu của địa phương. Không chỉ làm giàu cho gia đình, bà còn giúp các hộ chăn nuôi ở địa phương áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; đầu tư chuồng nuôi có đệm lót sinh học; chăn nuôi đạt tiêu chuẩn VietGAP; sử dụng các chế phẩm sinh học trong việc xử lý chất thải khử mùi hôi chuồng trại và xây dựng bể Biogas để xử lý chất thải vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, góp phần tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao ở địa phương”.
hoinongdan

Video