Bình Phước: Phụ nữ vùng biên giúp nhau phát triển kinh tế

17/07/2021
Trong nỗ lực hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo, các cấp hội đã vận động phát huy nội lực từ trong chính hội viên phụ nữ, thông qua các hình thức như cho vay không lãi suất, lãi suất thấp, hỗ trợ cây, con giống và ngày công lao động.
Ðàn dê của gia đình bà Nguyễn Thị Nhung ở xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh được phát triển từ nguồn Quỹ Hội Phụ nữ xã.

Tỉnh Bình Phước có ba huyện biên giới (Lộc Ninh, Bù Ðốp, Bù Gia Mập) tiếp giáp với Vương quốc Campuchia, đời sống nhân dân nơi đây nhìn chung còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các hộ người đồng bào dân tộc thiểu số. Trong công tác xóa đói, giảm nghèo đã xuất hiện nhiều cách làm hay, những mô hình thiết thực, hiệu quả của các câu lạc bộ chị em phụ nữ.

Thôn Thiện Cư, xã Thiện Hưng (Bù Ðốp) có tới 95% dân số là bà con người đồng bào dân tộc X’tiêng, kinh tế các hộ dân còn nhiều khó khăn. Ðặc biệt, nhiều chị em không biết chữ, nói tiếng Việt cũng chưa thông thạo. Ðể giúp chị em nâng cao kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản và phát triển kinh tế, cách đây 5 năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thiện Hưng đã xây dựng mô hình câu lạc bộ kết nghĩa giữa chi hội chị em phụ nữ người Kinh ở thôn 10 với chi hội phụ nữ thôn Thiện Cư. Qua các buổi nói chuyện, chị em được trao đổi với nhau về kiến thức chăm sóc sức khỏe, gia đình cũng như kỹ thuật về canh tác, sản xuất.

Chị Ðiểu Thị Hương, Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Thiện Cư (thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thiện Hưng) cho biết: "Lúc trước chị em trong thôn khó khăn lắm, có tới 35 hộ nghèo, giờ chỉ còn khoảng chục hộ nữa thôi. Ðược trao đổi, học hỏi kinh nghiệm nên chị em cũng biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, làm ăn, trồng điều, trồng tiêu và chăn nuôi. Cùng với đó các chị em cũng biết tự chăm sóc sức khỏe cho mình, cho gia đình, đặc biệt là giảm tỷ lệ sinh con thứ ba một cách đáng kể. Con cái đến tuổi đi học đều được đến trường".

Tại xã Tân Thành, với mong muốn nâng cao giá trị sản xuất, ổn định nguồn đầu ra, nhiều chị em trong xã đã liên kết thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi dê. Tham gia tổ hợp tác, thành viên được hỗ trợ kỹ thuật, giống, vốn phát triển chăn nuôi, trao đổi kinh nghiệm… Gia đình chị Nguyễn Thị Hoa ở ấp Tân Lợi, thu nhập gia đình chỉ dựa vào vườn hồ tiêu chỉ vỏn vẹn 500 trụ, quanh năm túng thiếu. Xét thấy gia đình chị Hoa có thể nâng cao thu nhập bằng cách chăn nuôi dê kết hợp trồng hồ tiêu, đầu năm 2017, tổ hợp tác đã cho gia đình chị vay bảy triệu đồng để mua dê giống. Ðến nay, gia đình chị đã có hai chuồng dê hàng chục con, cho nguồn thu nhập ổn định. Không chỉ thoát nghèo, gia đình chị đang trong quá trình hoàn thiện ngôi nhà mới khang trang, kiên cố. Tháng 11/2020, tổ hợp tác đã mở rộng quy mô lên thành hợp tác xã với 18 hộ thành viên, cung cấp dê thương phẩm chất lượng cao cho thị trường trong tỉnh và nhiều tỉnh chung quanh.

Chị Ðỗ Thị Như, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bù Ðốp chia sẻ: "Chúng tôi xác định phải phát huy nội lực của chị em phụ nữ trong việc phát triển kinh tế. Ngoài nguồn vốn nhận ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội, Hội Phụ nữ từ huyện tới cơ sở đã phát động rất nhiều phong trào như: Tiết kiệm vì phụ nữ nghèo, vốn xoay vòng, trao dê giống, bò giống hoặc cho mượn số tiền đủ để họ có thể mua được xe bánh mì hoặc xe nước mía để họ phấn đấu vươn lên. Mỗi chương trình đồng hành của hội đều gắn với từng địa chỉ cụ thể và tạo được hiệu ứng lan tỏa sâu rộng".

Kể từ ngày mở được sạp bán trái cây ở chợ Lộc Thành (ấp Tà Tê 1, xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh), chị Hồ Thị Hạnh vẫn ngỡ đó chỉ là giấc mơ. Chị Hạnh vốn sống bằng nguồn thu nhập ít ỏi từ nghề đi thu mua ve chai, không đủ trang trải cuộc sống và nuôi ba con ăn học. Xét thấy nhu cầu cần vốn kinh doanh của chị Hạnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Lộc Thành đã cho chị vay 10 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Với số tiền này, chị Hạnh mở được sạp bán trái cây ở chợ, vừa tận dụng mặt bằng để thu mua phế liệu. Sạp trái cây và kết hợp thu mua ve chai, phế liệu giúp chị Hạnh tăng thêm thu nhập. Cuối năm vừa qua, chị đã tự nguyện làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Chị Nguyễn Thị Huệ - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Lộc Thành phấn khởi chia sẻ, năm 2015, xã Lộc Thành có khoảng 400 hộ nghèo, nhưng đến tháng 5/2021 giảm còn 76 hộ nghèo.

Bà Vũ Thị Tuyết, Trưởng Ban Tuyên giáo - Chính sách, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Phước chia sẻ: "Trong nỗ lực hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo, các cấp hội đã vận động phát huy nội lực từ trong chính hội viên phụ nữ, thông qua các hình thức như cho vay không lãi suất, lãi suất thấp, hỗ trợ cây, con giống và ngày công lao động. Các cấp hội còn khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn khác như: Chương trình hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo, nguồn vốn vì quê hương, vốn hỗ trợ trẻ em gái nghèo vượt khó... Trong ba năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã giải ngân 5.868 triệu đồng cho 557 lượt hội viên phụ nữ trong toàn tỉnh".

Cùng giúp nhau phát triển kinh tế, các chị em còn tham gia tích cực vào phong trào bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh trật tự nơi vùng biên. Hội Liên hiệp Phụ nữ ba huyện Lộc Ninh, Bù Ðốp và Bù Gia Mập đã thành lập và duy trì hoạt động của 15 mô hình câu lạc bộ "Phụ nữ bảo vệ biên giới". Ðịnh kỳ các câu lạc bộ phối hợp Bộ đội Biên phòng và các đơn vị chức năng tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tham gia giữ gìn an ninh biên giới, tổ chức các đợt ra quân dọn vệ sinh đường biên, bảo vệ cột mốc biên giới...

nhandan

Video