Các mô hình chăn nuôi phù hợp trong cải thiện kinh tế hộ gia đình

06/05/2021
- Hà Giang: Mô hình nuôi lợn nái luân chuyển
- Phú Yên: Mô hình nuôi lươn không bùn
Chị Trần Thị Bích Hương, hội viên thôn Nà Miều chăm sóc lợn của gia đình

- Hà Giang: Mô hình nuôi lợn nái luân chuyển

Những năm qua, Hội LHPN xã Phương Tiến đã vận dụng tốt các chương trình, chính sách hỗ trợ để giúp hội viên phụ nữ phát triển chăn nuôi, sản xuất. Trong đó, mô hình nuôi lợn nái luân chuyển đã phát huy hiệu quả, tạo điều kiện cho hội viên khó khăn phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Mô hình được thực hiện với việc trao 15 con lợn nái, mỗi con trị giá 1,3 triệu đồng cho hội viên phụ nữ nghèo ở xã, giúp chị em có điều kiện phát triển chăn nuôi, từng bước vươn lên thoát nghèo. Khi lợn nái sinh sản, nuôi đạt khoảng 10 -15kg trở lên sẽ chọn 1 con giao lại cho hội phụ nữ xã để tiếp tục luân chuyển cho các hội viên kế tiếp trên địa bàn. Số lợn còn lại của lứa đầu tiên và những con thuộc lứa tiếp theo, gia đình hội viên được thụ hưởng hoàn toàn. Chị Trần Thị Bích Hương, hội viên thôn Nà Miều chia sẻ, từ khi được hỗ trợ lợn giống, đến nay, đàn lợn của gia đình chị đã có 6 con, tăng thêm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho gia đình.

Mô hình được triển khai đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo học hỏi về kỹ thuật phát triển chăn nuôi lợn, đến nay, một số hộ đã mạnh dạn vay thêm vốn, mở rộng quy mô chăn nuôi để cải thiện cuộc sống. Với hiệu quả của mô hình, thời gian tới, hội phụ nữ xã sẽ triển khai nhân rộng ra các thôn khác, giúp tăng số hội viên nghèo được hỗ trợ từ những con giống ban đầu mà không tốn kém chi phí, đến nay đã nhân rộng được 38 hội viên được nhận lợn nuôi luân chuyển. Bên cạnh đó, mô hình phù hợp với hội viên phụ nữ nghèo của xã bởi nguồn vốn ít, quay vòng nhanh, hỗ trợ luân chuyển được nhiều hộ, qua đó khơi dậy được tinh thần đoàn kết, ý chí vươn lên lao động, tạo phong trào thi đua phát triển kinh tế trong chị em hội viên, phụ nữ.

- Phú Yên: Mô hình nuôi lươn không bùn

Chị Nguyễn Thị Chính, tổ 1, thôn Đông Lộc, xã Hòa thắng, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên đã chuyển hướng làm kinh tế từ sản xuất nông nghiệp sang mô hình nuôi lươn không bùn và đã cải thiện, nâng cao thu nhập cho gia đình. Chị chia sẻ, thức ăn cho lươn mua dễ mà công chăm lại không mất nhiều thời gian, môi trường không bị ô nhiễm bởi chất thải, đầu ra luôn thuận lợi.

Ban đầu, chị Chính đầu tư hệ thống bơm nước, thoát nước ra cánh đồng và mua 85 triệu đồng lươn giống về nuôi, do chưa có kinh nghiệm, lươn bị bệnh, chết nhiều. Chị mày mò tìm hiểu kinh nghiệm từ hội những người nuôi lươn ở miền Tây, từ cán bộ Trung tâm khuyến nông và các sách, báo, trang mạng… rồi áp dụng vào chăn nuôi, nhờ đó, lươn không còn bị bệnh và lớn nhanh. Thời gian để lươn có cân nặng theo yêu cầu là khoảng 14 tháng, lứa đầu tiên thu hoạch lươn cho gia đình chị thu về được gần 200 triệu đồng, sau khi trừ chi phí. Qua tìm hiểu, chị biết được vào mùa khô và dịp Tết nguyên đán, thị trường lươn khan hiếm nên sẽ có giá cao.

Thấy được hiệu quả cao do mô hình mang lại, chị Chính tiếp tục nhân rộng diện tích nuôi, xây dựng thêm hồ chứa nước và phát triển chuyên nghiệp hơn. Ngoài ra, để chủ động con giống sẵn có nuôi lươn thương phẩm, gia đình chị đã đầu tư nuôi lươn sinh sản với diện tích hơn 200m2. Trong quá trình nuôi, để giúp lươn nhanh lớn, cần bổ sung vitamin các loại, cho lươn ăn thêm trùn quế, uống thuốc phòng ngừa giun sán, men tiêu hóa, thay nước thường xuyên vào mỗi sáng sớm và sau ăn 30 phút để môi trường nước luôn sạch, lươn ít bị ốm.

Thành công trong tìm hướng mới cho phát triển kinh tế, chị Chính luôn sẵn sàng giúp đỡ nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương, như cho mượn vốn, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm nuôi lợn để chị em cùng làm giàu trên chính quê hương mình.

Nguyễn Thiền, Thanh Hà

Video