Chân dung nữ viện trưởng đầu tiên của CIEM TS. Trần Thị Hồng Minh

16/06/2021
Không giống với những người tiền nhiệm, trước khi trở thành nữ Viện trưởng đầu tiên của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), TS. Trần Thị Hồng Minh hoạt động "thầm lặng" hơn.

Khi TS. Trần Thị Hồng Minh trở thành Viện trưởng CIEM (think-tank hàng đầu về các chính sách kinh tế của Việt Nam), không ít người bất ngờ bởi họ đã quá quen với hình ảnh của những chuyên gia nổi tiếng là nam giới với những phát ngôn gai góc tại đây. Trong lĩnh vực kinh tế vĩ mô nói chung và tại các viện nghiên cứu ở Việt Nam, các chuyên gia nữ hoạt động khá "thầm lặng".

Thế nhưng, những người từng làm việc nhiều năm với TS. Trần Thị Hồng Minh thì cho rằng, trở thành nữ Viện trưởng đầu tiên của CIEM và bước ra trước công chúng là một bước ngoặt "thú vị" đối với chuyên gia này.

ThS. Ngô Văn Giang, Phó giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ kinh tế - kế hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) nhận xét: "Chị Minh đã có 18 năm làm việc tại CIEM và kinh qua nhiều cương vị quản lý cấp trưởng khác tại MPI, lại rất đam mê học tập, nghiên cứu nên việc trở về ‘mái nhà xưa’ ở vị trí Viện trưởng sẽ có những thuận lợi rõ rệt". Thực tế, đây là chức vụ cấp trưởng (tương đương vụ trưởng, cục trưởng) thứ 4 trong sự nghiệp mà người phụ nữ này đảm nhận.

Bà mẹ 3 con "Siêu nhân"

Tốt nghiệp, cô sinh viên Đại học Văn hoá vào làm việc tại CIEM ở Trung tâm thông tin và tư liệu, rồi trở thành một nghiên cứu viên. Không tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế nhưng chăm chỉ, nhiệt tình, đam mê đọc và học là ưu điểm lớn của cô nghiên cứu viên khi làm việc tại đây.

Khi vào CIEM hơn 1 năm, cô nghiên cứu viên trẻ đã được tham gia một khoá học kéo dài gần 2 năm về kinh tế thị trường bằng tiếng Anh do Economics Institute (Mỹ) và Đại học Kinh tế Quốc dân cấp chứng chỉ.

Cũng giống như việc học tiếng Anh vào buổi tối khi còn trên ghế giảng đường, cô rất tích cực tìm cơ hội tham gia nhiều khoá học quốc tế được tổ chức ở Việt Nam để bổ sung kiến thức kinh tế chuyên sâu. Chia sẻ về thời kỳ đầu tại CIEM, TS. Trần Thị Hồng Minh nói: "Môi trường làm việc ở CIEM đòi hỏi có tư duy đổi mới, nên mình tâm niệm phải miệt mài đọc, học cái mới".

Là một nghiên cứu viên trẻ ở CIEM thời điểm đó, ngoài chăm chỉ học tập, miệt mài làm việc Trần Thị Hồng Minh còn nổi tiếng với giai thoại "một tay bế con, một tay dịch tài liệu".

Câu chuyện về bà mẹ nuôi con nhưng vẫn không ngừng học tập trở thành giai thoại đình đám khi nữ nghiên cứu viên này đẻ sinh đôi (2 con trai) vài năm sau khi có con gái đầu lòng.

"Ba năm đầu tiên kể từ khi có 2 con trai, tôi chỉ ngủ được mỗi đêm nhiều nhất là 2 tiếng vì cứ một đứa ngủ thì một đứa lại thức. Khi 2 đứa còn nhẹ thì tôi cứ bế tay 2 đứa nhưng lúc lớn hơn thì bế 2 đứa là không tự đứng lên được.

Ông bà thương và muốn giúp lắm, nhưng vợ chồng tôi thấy vẫn tự xoay xở được nên cũng không nhờ. Chăm sóc con, rồi vẫn tiếp tục làm việc, học tập… vất vả thật đấy, nhưng nó rèn luyện cho mình nhiều điều", bà mẹ 3 con cười rất tươi khi chia sẻ kỷ niệm nuôi con của mình.

Cùng chồng nuôi dạy 3 con, nhưng cô nghiên cứu viên vẫn nỗ lực trong học tập và công việc. Ngoài việc hoàn thành bằng cử nhân Luật năm 1999, và bằng thạc sĩ Đại học Flinders (Úc) chuyên ngành kinh tế và thương mại quốc tế, bà mẹ này cũng trở thành nghiên cứu viên chính ở CIEM, rồi được bổ nhiệm vào vị trí Phó Giám đốc Trung tâm thông tin. Năm 2003, cô được UNDP tặng một học bổng của dự án trao quyền cho phụ nữ khi nghiên cứu về vấn đề chống bán phá giá.

Sự miệt mài ấy vẫn được giữ gìn ngay cả khi cô chuyển sang vị trí mới ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trong thời gian đó, Vụ trưởng – Chủ tịch Công đoàn MPI Trần Thị Hồng Minh đã hoàn thành luận án tiến sĩ chuyên ngành kinh tế quốc tế vào năm 2013, đồng thời vẫn tham gia đóng góp cho các đề tài nghiên cứu cấp bộ, các đề án…

Hệ thống cơ sở dữ liệu đầu tiên của Chính phủ điện tử

Tháng 4/2014, việc Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư bổ nhiệm TS. Trần Thị Hồng Minh làm Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cũng gây ra một bất ngờ.

Tuy nhiên, những con số và bảng xếp hạng về chỉ số hài lòng của doanh nghiệp mà Cục Quản lý đăng ký kinh doanh sau 5 năm bà Minh làm Cục trưởng là câu trả lời rõ ràng nhất.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam tăng 21 bậc từ năm 2014 đến 2018. Cũng trong thời gian đó, chỉ số khởi sự kinh doanh cũng được Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) xếp vị trí số 1 trong các chỉ số về sự hài lòng của doanh nghiệp đối với các lĩnh vực hành chính của Chính phủ.

Đặc biệt, thời gian làm Cục trưởng của TS. Trần Thị Hồng Minh cũng gắn với xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Đây là hệ thống đầu tiên trong 6 hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia làm nền tảng cho việc xây dựng chính phủ điện tử, đã đi vào hoạt động.

Những năm trước đó, việc số hóa không thuận lợi như bây giờ vì tất cả các hồ sơ về doanh nghiệp đều bằng giấy. Trong khi đó, mỗi tỉnh, địa phương lại có đặc thù kinh tế - xã hội khác nhau nên số lượng hồ sơ, thời gian cần để cán bộ các Phòng đăng ký kinh doanh số hóa hồ sơ cũng có sự khác biệt.

"Để đẩy nhanh tiến độ số hóa và hỗ trợ các địa phương hoàn thành nhanh, Cục phải hỗ trợ các Phòng đăng ký kinh doanh để họ chuẩn hóa hồ sơ và scan đưa lên hệ thống", TS Minh tiết lộ.

Còn hiện tại, các hồ sơ đều đã được số hóa từ đầu và tỷ lệ đăng ký doanh nghiệp qua mạng ở những địa phương như Hà Nội, Huế có thể đạt tới gần 100% (đạt thủ tục hành chính công cấp độ 4 - không cần sự can thiệp của con người).

Nữ chuyên gia vẫn nhớ như in kỷ niệm lúc đến cơ quan mới hơn 7h sáng đã có doanh nghiệp đứng đợi để phản ánh bức xúc. Trong một lần khác, một doanh nghiệp nói với bà Minh dịp cận Tết nguyên đán: "Tôi định sau Tết mới phản ánh nhưng mà sau ông Công ông Táo phải đến ngay rồi vì không chịu được…".

Chia sẻ về thời gian làm Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, TS. Trần Thị Hồng Minh cho biết: "Điều làm tôi vui nhất là những nỗ lực của mình cùng các anh em đã góp phần tạo dựng được niềm tin nơi doanh nghiệp, và cảm nhận được họ coi mình là chỗ dựa khi gặp những khó khăn vướng mắc về thủ tục trong đăng ký kinh doanh".

Thách thức của nữ viện trưởng đầu tiên

Trở về "mái nhà xưa" vào cuối năm 2019, TS. Trần Thị Hồng Minh trở thành nữ viện trưởng đầu tiên trong lịch sử của CIEM. Không giống với những người tiền nhiệm vốn là các chuyên gia kinh tế nổi tiếng, hoạt động nghiên cứu chính sách của TS. Trần Thị Hồng Minh có phần "thầm lặng" hơn.

Dù vậy, TS. Trần Thị Hồng Minh có cái nhìn rất tích cực về công việc mới. Trong buổi trò chuyện đầu năm 2020 với Trí thức trẻ, TS. Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh: "Làm một cán bộ lãnh đạo thì khi được giao nhiệm vụ nào cũng phải cố gắng hoàn thành thật tốt; không ai được chuẩn bị sẵn mọi thứ cho một vị trí mới cả mà phải học hỏi và cùng anh em gây dựng".

Nữ Viện trưởng bổ sung: "Trước đây, khi làm Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, tôi cũng gặp nhiều thách thức lắm. Nhưng một khi mình kiên tâm và được sự ủng hộ của anh em, huy động được chất xám của mọi người thì sẽ làm được, sẽ tiến xa được".

Ngoài kinh nghiệm nghiên cứu, TS. Trần Thị Hồng Minh còn có nhiều trải nghiệm thực tế với cộng đồng doanh nghiệp sau 5 năm làm Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh. Đối với một think-tank hàng đầu như CIEM, những trải nghiệm ấy có rất nhiều ý nghĩa.

Năm 2020, vào ngày lễ 8/3 đầu tiên tại CIEM trên cương vị Viện trưởng, TS. Trần Thị Hồng Minh cảm thấy được động viên rất lớn khi được nghe một câu chúc mừng gián tiếp từ bà Hoàng Thị Ái Nhiên, Phó Chủ tịch thường trực Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Hôm đó, bà Ái Nhiên nói với Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: "Chúc mừng Bộ trưởng đã có một nữ Viện trưởng CIEM đầu tiên – vị trí mà người ta nghĩ chỉ nam giới mới làm được".

Nhận xét về TS. Trần Thị Hồng Minh, ThS. Nguyễn Anh Dương – Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM nói: "Một nữ viện trưởng sẽ khó có những gai góc như các nam viện trưởng. Ngược lại, cách làm uyển chuyển nhưng không kém phần kiên định của chị Minh sẽ phù hợp để đẩy nhiều công việc đi được xa hơn".

Bình luận về việc TS. Trần Thị Hồng Minh đảm nhận vị trí viện trưởng tại CIEM, lãnh đạo một doanh nghiệp lớn nhận xét: "Khác với những think tank khác, CIEM không đơn thuần tập trung vào các nghiên cứu học thuật. Rất nhiều nghiên cứu của CIEM sẽ đi luôn vào cuộc sống thông qua các quy định của pháp luật. Vì thế, người đứng đầu am hiểu thực tiễn sẽ là một điểm cộng lớn khi thể chế hóa những kiến nghị chính sách trên cơ sở kết quả nghiên cứu phù hợp".

Doanh nhân này cũng nói thêm: "Trong những năm gần đây, nhiều người đã quen với việc Viện trưởng CIEM phải phát ngôn gai góc về những vấn đề kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, có thể họ sẽ cần quen với việc nữ viện trưởng thích tập trung hơn vào việc đưa các nghiên cứu phù hợp trở thành chính sách, rồi đi vào cuộc sống nhanh chóng".

Trong năm 2020 – năm đầu tiên trên cương vị Viện trưởng CIEM, TS. Trần Thị Hồng Minh chỉ đạo và trực tiếp tham gia hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó có 2 đề án được Chính phủ thông qua: Chiến lược quốc gia về thực hiện Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, và Đề án phát triển kinh tế ban đêm.

Rất vui với những thành quả ấy ở CIEM, nhưng nữ Viện trưởng này chia sẻ: "Thách thức lớn nhất đối với chúng tôi trong thời gian tới là nguồn nhân lực. Rõ ràng, việc chuyển dịch nhân sự liên quan đến vấn đề kinh tế đang và sẽ còn nhiều điều cần lưu tâm. Chính vì vậy, cá nhân tôi và tập thể CIEM sẽ dành ưu tiên xây dựng được đội ngũ cán bộ nghiên cứu có năng lực, tâm huyết. Và tôi tin, chúng tôi sẽ trình làng thêm những nữ nghiên cứu viên đúng ‘chất’ CIEM".

doanhnhan.vn

Video