Chuyện “khởi nghiệp” của nữ doanh nhân Hà Thành xưa

21/10/2021
Sống cuộc đời hơn một thế kỷ, cụ Hoàng Thị Minh Hồ và chồng mình - nhà tư sản Trịnh Văn Bô - đã viết tên vào lịch sử với những đóng góp quan trọng, cho một giai đoạn đặc biệt quan trọng của đất nước.
Doanh nhân Trịnh Văn Bô và vợ - bà Hoàng Thị Minh Hồ

Câu chuyện về cặp vợ chồng doanh nhân yêu nước Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ là cơ sở nuôi giấu, bảo vệ Bác Hồ và Trung ương Đảng tại nhà riêng (số nhà 48 Hàng Ngang, Hà Nội) - nơi Hồ Chủ tịch viết bản Tuyên ngôn Độc lập, không còn là mới

Nữ lưu hào kiệt

Doanh nhân Hoàng Thị Minh Hồ (SN 1914, ở 21 Hàng Đào, Hoàn Kiếm), trong một gia đình giàu sang, quyền quý bậc nhất Hà Nội bấy giờ. Bà là con gái của Hoàng Đạo Phương, một thương gia, một nhà nho uyên bác.

Theo anh Trịnh Kiến Quốc, người con trai thứ tư đang ở cùng và trực tiếp chăm sóc cụ bà Minh Hồ, gia đình bố anh, cụ Trịnh Văn Bô vốn nổi tiếng giàu có ở đất Kinh kỳ với thương hiệu vải Phúc Lợi.

Cụ bà Minh Hồ sinh ra và lớn lên ở số 21 phố Hàng Đào, trong một gia đình có học thức và truyền thống buôn bán, cụ thân sinh của bà là nhà giáo Hoàng Đạo Phương, thành viên Trường Đông Kinh Nghĩa Thục, chú ruột là nhà giáo, nhà trí thức Hoàng Đạo Thúy - thủ lĩnh của phong trào Hướng đạo sinh Việt Nam. Đây là mối lương duyên do sự mai mối của hai dòng họ danh giá đất Kinh kỳ và rất “môn đăng, hộ đối”.

Thừa hưởng cốt cách nho nhã của cha và sự tháo vát, đảm đang của mẹ, cụ bà Minh Hồ đã chọn kế tục truyền thống kinh doanh của nhà chồng. “Gia đình chúng tôi bên nội tứ đại đều do nữ cầm trịch hết, mẹ tôi là đời thứ tư phụ nữ đảm trách nhiệm vụ kinh doanh” - anh Quốc chia sẻ.

Bởi vậy, về làm dâu nhà họ Trịnh, dù còn rất trẻ nhưng doanh nhân Hoàng Thị Minh Hồ đã “đứng mũi, chịu sào”, thay chồng chèo lái việc kinh doanh của gia đình trước sự chèn ép của các thương gia Pháp và thương nhân người Hoa. Tới đầu những năm 1940, Phúc Lợi đã trở thành một thương hiệu uy tín và có quy mô lớn nhất Hà Nội trong lĩnh vực kinh doanh vải sợi. Tuy nhiên, do thừa kế cửa hiệu và gia sản của gia đình nên với hai cụ, đây là sự “kế nghiệp” xuất sắc chứ không thể gọi là chặng đường “khởi nghiệp”.

“Thực sự, 9 năm tản cư theo kháng chiến đánh dấu cuộc “khởi nghiệp” của mẹ tôi. Có thể coi đây là lần “khởi nghiệp” đúng nghĩa với muôn vàn khó khăn, thử thách và điều anh em chúng tôi luôn khâm phục ở cụ là tinh thần bền bỉ, vươn lên, không đầu hàng hoàn cảnh, luôn tìm hướng để mở mang kinh doanh chính đáng”, anh Trịnh Kiến Quốc trầm ngâm.

Kế nghiệp một gia đình tiếng tăm, bằng tài năng bẩm sinh của mình, bà Hoàng Thị Minh Hồ lao động không một ngày ngưng nghỉ và đã đưa sản nghiệp của nhà chồng lên đến một đỉnh cao hiếm có.

Ông bà lao động rất vất vả. Sau một ngày mệt nhọc, xong bữa cơm người ta được nghỉ ngơi thì ông bà vẫn mải miết lo các đơn hàng. Những ngày lễ Tết, người ta thảnh thơi nhưng một tháng Tết nhà ông bà có tới 30 người làm cả đêm lẫn ngày. Ban đầu từ các hợp đồng trong nước từ Yên Bái, Lào Cai..., ông bà vươn ra thị trường nước ngoài. Họ làm ăn giao dịch với các nước Châu Á như Ấn Độ, các nước Châu Âu như Pháp, Anh. Mẹ tôi đảm đang nhanh nhẹn phụ trách phần giao dịch, ông Trịnh Văn Bô học rộng biết nhiều tiếng (Anh, Pháp), ông làm thông ngôn (phiên dịch) cho bà Minh Hồ.

Từ số vốn 30 ngàn đồng Đông Dương được mẹ cho khi ra ở riêng, vợ chồng doanh nhân Trịnh Văn Bô đã trở thành thương gia giàu có nức tiếng đất Hà thành khi đó.

Nữ doanh nhân với tấm lòng nhân hậu

Những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám 1945 và những ngày đầu thành lập nước, gia đình doanh nhân Trịnh Văn Bô có những đóng góp to lớn cho cách mạng. Thời điểm đó, hưởng ứng Tuần lễ vàng do Chính phủ phát động, gia đình cụ Hoàng Thị Minh Hồ đã ủng hộ gần 5.150 lượng vàng, đồng thời vận động giới doanh nhân Hà Nội ủng hộ trên 1.000 lạng nữa. Nạn đói năm 1945, gia đình cụ còn mang tiền đi cứu trợ người dân, mua 1.000 vé phát cháo cho người đói ngoài đường. Với số tài sản lớn ủng hộ cho cách mạng, cụ Hoàng Thị Minh Hồ chỉ có một tâm nguyện để giữ được chính quyền, đất nước mới được độc lập, nhân dân mới được tự do. Cụ Hoàng Thị Minh Hồ từng chia sẻ: “Vàng cũng quý thật nhưng tấm lòng của Bác vì dân, vì nước còn quý hơn vàng”.

Căn biệt thự 34 Hoàng Diệu của gia đình cụ Minh Hồ.

Với lượng vàng như vậy đã cứu nguy tình hình vô cùng khó khăn của cuộc cách mạng. Không chỉ vậy, suốt cả quá trình sau này cụ còn vận động người dân tham gia hoạt động yêu nước. Giáo sư Vũ Dương Ninh chia sẻ: "Gia đình cụ là gia đình tư sản yêu nước, có cả quá trình kinh doanh lâu đời và đã đóng góp vào sự phát triển nền kinh tế đất nước. Đó là tấm gương về kinh doanh, xây dựng nền kinh tế dân tộc. Ngay bây giờ chúng ta đang khuyến khích các nhà doanh nghiệp phát triển kinh tế công nghiệp, thương nghiệp để hòa vào nền kinh tế thế giới, thì nên lấy tấm gương của gia đình cụ Trịnh Văn Bô động viên, khuyến khích các nhà doanh nghiệp để mang hết công sức xây dựng một nền kinh tế vững vàng Việt Nam trong hội nhập quốc tế".

"Mẹ tôi từng kể, mùa đông năm 1956 trời rét cắt da cắt thịt, bà đi sang Đình Bảng - Chợ Giàu, thấy mình mặc áo len ấm áp mà trẻ con chỉ có manh áo mỏng, trần truồng, môi tím tái vì rét. Bà quyết định về may áo mang đi phát cho các cháu bé”, con trai cụ Minh Hồ kể lại.

Tháng 11/2017, do tuổi cao, Cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ, quả phụ nhà tư sản dân tộc yêu nước Trịnh Văn Bô từ trần, hưởng thọ 104 tuổi.

Nói về tấm lòng nhân hậu của hai cụ, thời đó, nhiều gia đình giàu có cư xử với gia nhân rất khắt khe nhưng vợ chồng doanh nhân Trịnh Văn Bô chưa bao giờ to tiếng quở trách gia nhân một lời.

Trong khi nhiều cửa hiệu gia nhân ăn bớt tiền, ăn cắp vải mang đi bán nhưng chẳng bao giờ có chuyện đó trong cửa hiệu vải Phúc Lợi.

Gia đình nào khó khăn, cuối năm ngoài tiền lương, vợ chồng doanh nhân Trịnh Văn Bô còn thưởng thêm tiền để họ về ăn Tết với gia đình.

Rồi toàn quốc kháng chiến, từ một gia đình doanh nhân giàu có hàng đầu của Thủ đô, có hàng loạt cửa hiệu kinh doanh uy tín, có nhà máy với 120 công nhân nhưng gia đình cụ vẫn bỏ lại tất cả, thực hiện “Tiêu thổ kháng chiến” theo lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lên chiến khu.

Sự tin tưởng vào cách mạng, tin yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh của gia đình cụ vẫn trước sau như một, dù biết ở chiến khu là những năm tháng đầy vất vả. Sau này, ngôi nhà 48 Hàng Ngang được gia đình cụ Hoàng Thị Minh Hồ hiến cho Nhà nước làm di tích lịch sử quốc gia, trưng bày lưu niệm những ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc tại đây.

Cụ Hoàng Thị Minh Hồ ra đi đêm 5/11/2017 vừa qua, thọ 104 tuổi để lại niềm tiếc thương cho rất nhiều người yêu quý cụ và gia đình cụ. Xin được thắp nén tâm nhang thành kính dâng lên cụ như lời tri ân vì những đóng góp lớn lao cho dân tộc với một tinh thần ngời sáng.

DIENDANDOANHNGHIEP.VN

Video