Cô gái Việt lãnh đạo quỹ đầu tư Mỹ

03/07/2021
Rời nhóm nhạc Tymyty tới Mỹ du học, Vũ Võ Thùy My (Maggie Vo, SN 1987) đã vươn lên trở thành lãnh đạo quỹ đầu tư mạo hiểm Fuel Venture Capital có tổng số vốn khoảng 150 triệu đô la Mỹ, chuyên rót vốn cho các startup.
Võ Vũ Thùy My hiện là General Partner (người đồng sở hữu chịu trách nhiệm quản lý và điều hành quỹ) của Fuel VC.

Võ Vũ Thuỳ My từng là ca sỹ trong nhóm nhạc tuổi teen Tymyty (gồm Thuỳ My, Nguyệt Anh, Thu Hà và Thuỳ Lâm - Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam năm 2008). Đến năm lớp 12, cô quyết định đi Mỹ du học. Sau đó, cô nhận được học bổng toàn phần tại Centre College – đại học tư thục duy nhất ở Kentucky.

Hiện, Võ Vũ Thùy My là General Partner (đồng sở hữu chịu trách nhiệm quản lý và điều hành quỹ) của Fuel VC - quản lý hàng trăm triệu USD và chuyên rót vốn trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, thực tế ảo, robot…

Thành công nơi xứ người

Trước khi làm ở Fuel, My từng làm nhiều năm ở các quỹ và thị trường niêm yết. Nhưng từ sau khủng hoảng tài chính năm 2009, các kênh đầu tư như cổ phiếu hay trái phiếu ở Mỹ dần mất hấp dẫn. Mọi người chú ý nhiều hơn tới thị trường tư và thấy rằng, các công ty công nghệ ngày càng lớn mạnh với tốc độ quá nhanh.

Ví dụ, Amazone năm 1997 bước vào thị trường niêm yết khi mới 3 tuổi và định giá công ty chỉ khoảng 3 triệu đô. Nhưng sau này, những công ty như Facebook, Google hay Uber tới lúc chào bán chứng khoán công khai (IPO) đã có tuổi đời 10 năm và đạt giá trị tới cả tỷ đô.

Các nhà đầu tư hiểu rằng, muốn thu được lợi nhuận cao, phải đầu tư vào startup từ rất sớm, chứ nếu đợi các công ty này IPO thì đã quá trễ. Vì thế, lĩnh vực đầu tư mạo hiểm dần phát triển. Những người có khả năng đầu tư từ sớm đã nói với My rằng, họ muốn My đi tìm giúp những cơ hội mới hấp dẫn như thế.

Chính điều đó thúc đẩy My rời thị trường niêm yết và tìm tới quỹ Fuel. Trước đó, My cũng làm phân tích tài chính và có bằng CFA (một chứng chỉ 3 cấp độ do Hiệp hội quốc tế dành cho các nhà quản lý đầu tư chuyên nghiệp). Nên khi tới Fuel, My cũng bắt đầu với vị trí chỉ là chuyên viên phân tích tài chính.

Nhưng bằng sự nỗ lực, kinh nghiệm đã có, chỉ trong vòng 2,5 năm, My trở thành người quản lý quỹ về mặt đầu tư và cũng là người phụ nữ đầu tiên đảm nhiệm chức vụ này tại đây.

Giấc mơ về hệ sinh thái hỗ trợ startup tại Việt Nam

My thường chọn rót vốn ở vòng Seed Round hoặc Seri A (hai vòng gọi vốn đầu tiên), nhưng không bao giờ rót một khoản quá lớn. Bởi vì My coi khoản vốn ban đầu chỉ là cơ hội giúp quỹ đầu tư và founder được làm việc sâu với nhau. Chỉ khi được đứng ở góc nhìn bên trong như thế, mình mới có cơ hội hiểu rõ nội tình hoặc những rắc rối mà doanh nghiệp đang vướng phải. Cách làm này giúp quỹ kiểm soát được rủi ro, đồng thời cũng giúp founder có động lực hoàn thành mục tiêu để nhận được những khoản vốn tiếp theo.

Ngoài ra, My rất linh hoạt trong các khoản đầu tư. Ví dụ, có những khoản đầu tư cho công ty có khả năng thành kỳ lân (unicorn), nhưng cũng có những khoản sẽ rót cho các công ty chỉ để nó tăng tốc, phát triển và exit (bán lại cho các công ty lớn). Nhờ mối quan hệ trong thị trường niêm yết, My có thể định giá tốt các công ty, biết được nó có khả năng phát triển tới đâu, nên exit ở khoảng nào... hoặc nếu muốn đi ra thị trường niêm yết thì phải làm sao, muốn bán lại thì nên gặp đối tác nào có thể mua.

Có rất nhiều startup có công nghệ lõi rất hay mà My rất muốn đưa về Việt Nam. Ví dụ như Curve, một công ty fintech (công nghệ tài chính) ở UK đang scale up (tăng trưởng) rất nhanh. Công ty này sở hữu plat form (nền tảng) cho phép người dùng đưa 5-6 tài khoản ngân hàng của mình lên trên đó. Khi quẹt thẻ, họ có thể chọn lựa tài khoản ngân hàng mình muốn thông qua ứng dụng trên điện thoại.

Ví dụ, nếu bạn mời đối tác đi ăn trưa bằng tiền của cơ quan, nhưng lại quẹt nhầm bằng thẻ cá nhân, thì chỉ cần thao tác trên app này để điều chỉnh. Hoặc khi bạn đi mua ti vi và đã trả hết tiền ở cửa hàng, nhưng sau đó lại đổi ý, muốn trả góp hàng tháng thì ứng dụng cũng có thể trả tiền lại tiền cho bạn và hàng tháng sẽ đều đặn trừ đi khoản phải trả góp.

Trong danh mục đầu tư của Fuel VC có startup về robot OhmniLabs do Tiến sĩ Thức Vũ đồng sáng lập. Thức Vũ từng được Silicon Valley Business Journal, tạp chí kinh doanh uy tín tại Mỹ, vinh danh là một trong 40 nhân vật dưới 40 tuổi có ảnh hưởng nhất tại Thung lũng Silicon.

Thức Vũ - người ngoài cùng bên trái, Thuỳ My và Jeff Ransdell

Khi kết nối với Thức Vũ và tìm hiểu về startup của anh, Thùy My nhận thấy tiềm năng ở sản phẩm robot vận hành bằng trí tuệ nhân tạo của OhmniLabs trên thị trường thế giới. Nhưng trên hết, quyết định đầu tư của cô đến từ chính con người của Thức Vũ, một người Việt thực sự đam mê với robot, AI, một tài năng mà cô đã dõi theo trong nhiều năm.

“Đầu tư vào startup cũng là đầu tư vào nhà sáng lập. Tôi muốn biết nhà sáng lập của startup đó đã có hành trình xây dựng công ty như thế nào trước khi đầu tư, họ đã vượt qua những khó khăn trong cuộc sống ra sao”, nữ lãnh đạo của Fuel VC chia sẻ.

Trên cương vị của nhà đầu tư, Thùy My cho rằng mỗi startup lại có một bài toán riêng ở từng giai đoạn cần tìm lời giải. Khi còn ở giai đoạn tạo ra sản phẩm, startup cần những nhà đầu tư có thế mạnh về sản phẩm hay công nghệ để đưa ra những góp ý. Đến vòng gọi vốn series A, series B, khi đã có những kiểm chứng về sản phẩm, startup cần tiếp thị thương hiệu rộng rãi hơn tới thị trường, lúc này bạn cần những nhà đầu tư có thể hỗ trợ để mở rộng mối quan hệ hợp tác để phục vụ được nhóm khách hàng mới. Thùy My cho rằng một trong những lý do startup thường “rạn nứt” là bởi những kỹ sư đã đặt những viên gạch đầu tiên bỗng một ngày không còn tìm được tiếng nói chung để xây tiếp “ngôi nhà” của mình nữa. Trong khi đó, các cofounder của OhmniLabs đã gắn bó một thời gian khá dài. Ngoài ra, cô cũng nhấn mạnh rằng ưu điểm khác biệt trong thị trường cũng là một yếu tố quyết định để Fuel Venture Capital rót vốn cho công ty này.

“Hiện nay ở Mỹ, tôi đang phát triển một hệ sinh thái bao gồm tất cả các nhà đầu tư có thể giúp đỡ cho startup từ vấn đề công nghệ, tiếp thị-bán hàng, truyền thông, luật pháp hay thoái vốn”, Thùy My nói.

“Mỗi công ty lại cần sự giúp đỡ khác nhau ở những thời điểm khác nhau. Do đó, tôi muốn trở về Việt Nam và tạo thêm nhiều kết nối với những nhà đầu tư như vậy để tìm kiếm sự hỗ trợ cho các startup và xây dựng một hệ sinh thái tương tự ở Việt Nam”, cô nhấn mạnh.

Vì vậy, My và anh Thức đang lên kế hoạch thành lập một quỹ đầu tư ở Việt Nam hoặc ở khu vực Đông Nam Á, giúp kết nối các nhà đầu tư, các chuyên gia ở Mỹ với các doanh nghiệp Việt Nam hoặc ngược lại.

Anh Thức là người rất giỏi về công nghệ còn My lại có năng lực về tài chính, kinh doanh... Khi kết hợp như vậy, anh Thức có thể đánh giá về phần công nghệ, còn My sẽ lo các phần khác.

Chuyện đưa nền tảng công nghệ từ Mỹ về Việt Nam, Mỹ nghĩ là điều rất khả thi, miễn sao công nghệ đó phù hợp với thị trường, nhu cầu của người Việt. Chẳng hạn, ứng dụng Elsa Speak (dạy nói tiếng Anh) của chị Vũ Văn (Văn Đinh Hồng Vũ) xây dựng và gọi vốn tại Mỹ cũng đang phát triển rất tốt ở thị trường Việt.

Ở chiều ngược lại, My nghĩ rằng rất nhiều startup Việt đang rất cần vốn cũng như hệ sinh thái tốt để phát triển. Vì thế, My rất muốn xây dựng hệ sinh thái đó ở Việt Nam, bao gồm các yếu tố hỗ trợ về luật, marketing, làm sản phẩm... cũng như kết nối các nhà đầu tư ở Mỹ mà mình có mối quan hệ với các founder Việt.

baophapluat.vn

Video