Cô giáo nuôi mơ ước làm giàu từ nấm sò

06/08/2020
Với mong muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội và trở thành giáo viên tại tỉnh nhà Bắc Ninh, nhưng chị Nguyễn Thị Phương Dung vẫn quyết định “ôm đồm” khởi nghiệp với mô hình trồng nấm sò.
Cô giáo Nguyễn Thị Phương Dung quyết định khởi nghiệp với mô hình trồng nấm sò.

Từ đam mê kinh doanh

Vốn tính chịu khó và đam mê kinh doanh, thấy nấm sò là loại thực phẩm sạch, nhu cầu thị trường rất cần nên chị Phương Dung quyết tâm đầu tư sản xuất. Năm 2018, được sự giúp đỡ của ông xã từng tốt nghiệp Đại học Nông Nghiệp, tận dụng vốn hiểu biết về cây trồng để mở xưởng sản xuất nhỏ, vừa để phục vụ gia đình, vừa phục vụ nhu cầu của người dân quanh vùng.

Thời gian đầu mở trại nấm, anh chị gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn không nản chí, tiếp tục nghiên cứu khắc phục cách nhân giống, sử dụng dưỡng chất để nuôi cấy. Cuối cũng thành công cũng đã mỉm cười với chị Phương Dung và gia đình, sau hai năm chị đã thu hồi được vốn là tiếp tục sản xuất kinh doanh. 

Chị cho biết, thành công nào cũng phải trải qua nhiều thất bại. Khởi nghiệp là quá trình khó khăn đòi hỏi phải có nhiều kinh nghiệm, kiến thức và chịu khó. Có đợt nấm bị ế, phải bán rẻ, bán cho chung cư, chỉ để vài ngày trong ngăn mát tủ lạnh, tự làm nên không được như các công ty nấm.

Nấm sò là một loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, chi phí đầu tư ít nhưng mang lại giá trị kinh tế cao. Nấm trồng sạch sẽ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên được người tiêu dùng tin mua. 

Nấm trồng sạch sẽ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên được người tiêu dùng tin mua

Trong quá trình trồng nấm sò thì có hai giai đoạn chính là giai đoạn làm phôi và giai đoạn chăm sóc thu hoạch. Trong giai đoạn làm phôi, khi ủ mùn cần chú ý tỉ lệ trong đóng ủ và độ ẩm đống ủ. Quá trình hấp thì phải hấp đủ thời gian nhiệt độ. Trong quá trình cấy giống phải chọn giống sạch an toàn, có nguồn gốc rõ ràng, cấy trong môi trường thông thoáng không bị nấm bệnh. Quá trình chăm sóc cũng cần lưu ý nhiệt độ độ ẩm trong trại, quan sát sâu bệnh để có biện pháp phòng ngừa kịp thời...

Chính vì những công đoạn phức tạp và cần sự tỉ mỉ này, chị Phương Dung đã gần như "ăn, ngủ cùng nấm" để cho ra những sản phẩm tốt đến tay người tiêu dùng.

Thuận lợi lớn nhất đối với xưởng trồng trấm của chị Phương Dung chính là huyện Lương Tài ít bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường, có nguồn nước sạch, không khí đảm bảo, ba tháng đầu khởi nghiệp cơ sở đã cho ra 3.000 bịch/đợt thu hoạch.  

Mong muốn mở rộng sản xuất

Ban đầu, chị Dung chỉ làm nấm sò trắng để tích lũy thêm kinh nghiệm, khi cho ra sản lượng được nhiều hơn, chị bắt đầu mở rộng thêm một xưởng để sản xuất nấm sò tím. Loại này có nhiều dinh dưỡng hơn và cho doanh thu cao hơn.

"Sản lượng của nấm tím không nhiều bằng nấm trắng, nhưng phản hồi của khách hàng rất tốt, giá thành cao, bình quân 35 - 40 nghìn đồng/kg", chị Phương Dung cho biết.

Để sản xuất đảm bảo, chị Phương Dung còn dùng các công nghệ hiện đại để quan sát nuôi trồng như lắp đặt hệ thống camera tự động để giảm chi phí nhân công canh gác, quản lý… Chị cũng tận dụng nguồn nhân lực trong gia đình để sản xuất kinh doanh, mang lại thu nhập bình quân khoảng 9 triệu đồng/người/tháng.

Tuy nhiên, chị Phương Dung cũng cho rằng, hiện nay cơ sở sản xuất của gia đình vẫn thuộc diện nhỏ lẻ, cần phải đầu tư kỹ hơn và trau dồi thêm kiến thức, kỹ thuật nuôi trồng cũng như tìm hướng xuất sản phẩm đại trà. Việc đầu tư trên diện rộng mang lại doanh thu và nguồn tiêu thụ lớn hơn, nhưng cũng cần phải tính toán kỹ lưỡng. "Mặc dù hiện nay nhu cầu mua nấm khá cao, cơ sở của tôi không đủ cung cấp, nhưng nếu mở rộng sản xuất mà không tính kỹ sẽ dẫn đến thất bại. Vì vậy, tôi chọn hướng đi chậm mà chắc", chị Phương Dung cho biết.

Trong tương lai, sau khi đã tính toán hoạch định chiến lược kinh doanh, chị Phương Dung sẽ mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu của thị trường, đồng thời tìm mối phân phối rộng hơn. Tuy nhiên, chị cũng mong các cấp chính quyền tỉnh nhà quan tâm hơn đến đầu ra của sản phẩm để các cơ sở sản xuất nấm vừa và nhỏ mạnh dạn đầu tư và tăng sản lượng, tạo công việc cho nhiều nhân công trên địa bàn. 

Hiện tại, vừa quản lý xưởng sản xuất của gia đình, vừa tiếp tục công việc dạy học, chị Phương Dung vẫn nuôi dưỡng cả hai niềm đam mê này với quyết tâm và nhiệt huyết lớn, hy vọng từ đây sẽ có thêm nguồn thu nhập ổn định để phát triển kinh tế gia đình, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp cho địa phương.

PNVN

Video