Cơ hội khởi nghiệp với bếp “trên mây”

24/05/2022
Bếp “trên mây”, mô hình nhà hàng không đón khách trực tiếp, đang phát triển ở Việt Nam hứa hẹn mang đến cơ hội kinh doanh cho nhiều người, đặc biệt là các “mẹ bỉm sữa”.
Ảnh minh họa

Tiết kiệm chi phí vận hành

Chị Hoàng Ngân (TPHCM), nhà sáng lập Chef Station, chia sẻ, trong mô hình của chị, mỗi đơn vị tham gia sẽ có một gian bếp riêng, được trang bị nội thất cơ bản kèm máy nhận đơn. Các dụng cụ chế biến do nhà hàng tự lắp đặt. Ở nhà bếp trung tâm này, các đầu bếp, chuyên gia ẩm thực có thể tập trung vào việc nấu ăn, còn Chef Station sẽ lo việc thiết lập, điều hành nhà hàng cũng như tìm kiếm khách hàng, đối tác. Sản phẩm của trạm ẩm thực này được phân phối qua hình thức giao hàng (hoặc khách mua mang đi), với mục tiêu tiết kiệm các chi phí vận hành.

Còn anh Hoàng Tùng (Hà Nội), nhà sáng lập mô hình bếp tập trung Cloud Cook, cho biết, với số vốn chỉ vài chục triệu đồng, các nhà bán hàng tham gia Cloud Cook có thể khởi tạo khu bếp và bán hàng qua các ứng dụng… Lợi thế cạnh tranh của Cloud Cook so với các bếp trung tâm riêng của các ứng dụng giao đồ ăn là không bị độc quyền, không bị giới hạn tại một ứng dụng duy nhất. Bên cạnh đó, khách hàng có thể đặt online cùng lúc món ăn, đồ uống của nhiều thương hiệu ẩm thực trong cùng một giỏ hàng. Đây là một ưu điểm so với đặt hàng trên các ứng dụng giao đồ ăn hiện nay.

Thuận lợi và thách thức

Khi cuộc sống ngày càng bận rộn, đặc biệt trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19 như hai năm vừa qua, mua sắm online ngày càng phổ biến. Với ẩm thực cũng vậy. Đặt món ăn trên các nền tảng online đã trở thành nhu cầu của nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ, giới văn phòng không muốn mất nhiều thời gian, công sức cho việc nấu nướng. Sự ra đời của những mô hình như bếp "trên mây" với tính tiện dụng, đa dạng thực đơn có thể dễ dàng tiếp cận với khách hàng.

Ảnh minh họa

Mô hình kinh doanh này được đánh giá có nhiều ưu điểm như: Chi phí mặt bằng thấp; tiết kiệm chi phí trang trí quán ăn, bàn ghế; phục vụ được nhiều khách hàng hơn; có thời gian tập trung cho chất lượng món ăn. Những người tham gia mô hình này cũng được hỗ trợ về marketing. Điều này rất hữu ích với những người muốn mở nhà hàng nhưng chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh ẩm thực. Tuy nhiên, bất kỳ mô hình kinh doanh mới nào cũng phải đối diện với không ít thách thức. Đặc biệt, khi kinh doanh không tiếp xúc trực tiếp để giao lưu, chia sẻ với khách hàng, các bếp "trên mây" không chỉ cần đầu tư về chất lượng theo đúng chuẩn của các nhà cung cấp dịch vụ ẩm thực mà còn phải hoàn thiện cả về thương hiệu, chính sách hậu mãi…

Có thể kể đến những thách thức chính của mô hình kinh doanh này như hệ thống quản lý đơn hàng, sắp xếp đơn hàng, giao hàng, trình độ của đầu bếp và chất lượng món ăn vì đây chính là những yếu tố chính làm nên thành công của bếp. Bên cạnh đó, cần xây dựng thương hiệu, có nhiều chính sách chăm sóc, ưu đãi với khách hàng vì không có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Hiện nay, mô hình bếp "trên mây" đang được triển khai tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM… và hứa hẹn sẽ còn phát triển, mở ra cơ hội kinh doanh mới cho phụ nữ khởi nghiệp với số vốn cũng như kinh nghiệm ít.

Bếp "trên mây" là mô hình kinh doanh ẩm thực dựa trên đặt hàng trực tuyến, bao gồm một hoặc nhiều nhà hàng online. Cụ thể, nếu như nhà hàng online là nhà hàng không có bàn ghế, không có nhân viên phục vụ, không có thực khách ăn uống tại chỗ, chỉ đơn giản là có một căn bếp hoàn hảo để nấu các món ăn theo đơn hàng được đặt online và giao đến tận nơi cho khách hàng thì bếp "trên mây" là địa chỉ tập trung nhiều nhà hàng online như vậy. Phát triển bùng nổ tại nhiều quốc gia châu Á, mô hình này mang đến nhiều sự lựa chọn hơn cho khách hàng cũng như những người làm trong lĩnh vực nhà hàng, dịch vụ.

PNVN

Video