Gia Lai: Đào tạo nghề cho lao động vùng quê tăng thu nhập

13/06/2020
Một số HTX ở tỉnh Gia Lai là cầu nối để đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm ổn định để lao động vùng quê nâng cao thu nhập. Việc đào tạo nghề trong tỉnh cũng đang theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo cho lao động nông thôn.
HTX May gia công An Phú tạo việc làm cho nhiều phụ nữ nông thôn

Thời gian qua, HTX May gia công An Phú (TP Pleiku) đã xây dựng thành công mô hình HTX may gia công đầu tiên trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Hiện tại, HTX đang giải quyết việc làm cho 60 lao động, chủ yếu ở xã An Phú, phường Thắng Lợi của TP Pleiku và huyện Đak Đoa. Trong số này có 21 công nhân may, còn lại được bố trí, sắp xếp đều ở các khâu: cắt, in, ủi, ép nhãn...

HTX là cầu nối

Chị Nưn (làng Ring Rai, xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa) chia sẻ: “Lúc trước, mình chỉ ở nhà phụ giúp cha mẹ làm những công việc vặt. Từ khi được người quen giới thiệu đến HTX làm, mình rất vui. Mình thấy công việc này nhẹ nhàng, phù hợp với bản thân và có thu nhập cao".

Hiện tại, mỗi ngày chị Nưn có thể ráp được 200-300 bo tay áo. Mỗi tháng, chị nhận được tiền công hơn 3 triệu đồng. Chị cũng mới giới thiệu 2 người bạn cùng làng vào làm trong HTX.

Ngoài giải quyết việc làm cho 60 lao động tại chỗ, HTX còn liên kết với 8 tổ, nhóm hợp tác ở các xã: Tân Sơn, Biển Hồ và phường Thống Nhất (TP Pleiku), xã Nam Yang, xã Kdang (huyện Đak Đoa) và cả TP Kon Tum, giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động.

Chị Bùi Thị Lam (nhóm liên kết ở xã Biển Hồ) cho hay: HTX chính là cầu nối giúp chị em có công việc ổn định, nâng cao thu nhập và xây dựng gia đình hạnh phúc. 22 công nhân trong nhóm đa phần là những người chưa biết may, nhưng chỉ sau 6 tháng vừa học vừa làm nay đều đảm đương tốt các công đoạn được giao. Hiện tại, thu nhập bình quân của mỗi người dao động khoảng 4 triệu đồng/tháng.

Hoặc như HTX Thương mại và Dịch vụ xã Tơ Tung (huyện Kbang) vào hồi tháng 10 năm ngoái đã khai trương làng nghề đan truyền thống. Làng nghề có trên 30 thành viên, vừa khôi phục, phát triển nghề đan lát truyền thống, vừa gia công sản phẩm ghế nhựa giả mây.

Trước khi thành lập làng nghề, HTX đã tạo điều kiện cho 20 học viên đi đào tạo nghề gia công ở TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định). Sau đó, các học viên này về truyền đạt, hướng dẫn kỹ thuật cho các thành viên còn lại. Làng nghề sẽ giúp tận dụng công lao động nhàn rỗi của các thành viên HTX và nhân dân trên địa bàn để có công ăn việc làm, tăng thu nhập.

Ngoài 2 HTX này, việc đào tạo nghề, giải quyết công ăn việc làm cho lao động nông thôn đang được các HTX và nhiều địa phương khác ở tỉnh Gia Lai chú trọng. Như hồi năm ngoái, các HTX trong tỉnh đã giải quyết việc làm cho 1.822 lao động địa phương.

Đổi mới hướng dạy nghề

Trong việc đào tạo nghề cho lao động ở huyện Đak Đoa, bà Võ Thị Hoài Ân, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện cho biết: Từ năm 2016 đến nay, Trung tâm được UBND huyện giao nhiệm vụ trực tiếp dạy nghề cho lao động nông thôn và ký kết hợp đồng giáo viên cơ hữu để dạy nghề.

“Trên cơ sở yêu cầu nghề nghiệp của bà con mà Trung tâm lựa chọn nghề dạy. Hiện, Đak Đoa có mô hình học nghề nề là hiệu quả nhất. Đặc biệt, xã Glar đã thành lập được tổ liên kết xây dựng cho những lao động đã qua đào tạo nghề nề”, bà  Ân nói.

Gia Lai đang đổi mới đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Qua 10 năm (2009 - 2019) triển khai Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỉnh Gia Lai đã đào tạo nghề miễn phí cho gần 30.000 lao động ở 2 nhóm nghề: nông nghiệp và phi nông nghiệp. Trong đó, hơn 80% là lao động người dân tộc thiểu số và người nghèo. Sau khi học nghề, 86% người lao động đã có việc làm.

Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2020 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, sẽ đổi mới và phát triển đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo.

Tỉnh dự toán nhu cầu 7,563 tỷ đồng để hỗ trợ đào tạo nghề cho 3.200 người. Chỉ tiêu đặt ra là đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho khoảng 3.200 người, trong đó lao động là người dân tộc thiểu số chiếm ít nhất 80%; lao động nữ chiếm ít nhất 35%; tỷ lệ có việc làm sau đào tạo đạt tối thiểu 80%.

Hơn nữa, tỉnh Gia Lai sẽ tạo điều kiện thuận lợi để lao động nông thôn tham gia các chương trình đào tạo phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế đáp ứng yêu cầu hội nhập và từng bước tiếp cận trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới.

thoibaokinhdoanh.vn

Video