Gia Lai: Làm giàu từ cây nghệ ở vùng đất Chư Prông

02/05/2022
Nhận thấy tiềm năng phát triển của tinh bột nghệ, chị Phạm Thị Nguyệt quyết định bắt tay sản xuất. Sau 4 năm miệt mài, sản phẩm tinh bột nghệ Nguyệt Long của chị đã được cấp chứng chỉ OCOP 3 sao.
Chị Phạm Thị Nguyệt và các sản phẩm của mình

Chia sẻ với chúng tôi, chị Phạm Thị Nguyệt cho biết, nhận thấy sản phẩm có nhiều công dụng và thấy thị trường của mặt hàng này khá tiềm năng, chị đã bắt tay thử nghiệm các loại tinh bột, đầu tư bài bản từ khâu thu mua đến khâu sản xuất. Sau khi đạt được kết quả khả quan, năm 2021, chị đăng ký thương hiệu tinh bột nghệ Nguyệt Long tại thôn Hoàng Yên, xã La Phìn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai. Sau đó, chị đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy xác nhận kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm, mở cơ sở sản xuất tinh bột nghệ để cung ứng ra thị trường.

Từ nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, chị Nguyệt đã tự học hỏi và tìm cách thức làm ra sản phẩm từ bột nghệ. Mới đầu, chị thử làm bằng máy xay sinh tố, tỉ mỉ gọt, rửa, rồi băm nhỏ củ nghệ, cho vào xay. Chị đã làm thành công ngay từ mẻ tinh bột nghệ đầu tiên. "Cảm giác lúc đó rất hạnh phúc bởi chính tay mình đã làm ra được sản phẩm. Cứ thế tôi làm hết cả sào nghệ và bắt đầu chào khách mua. Sản phẩm làm ra bao nhiêu, khách mua hết bấy nhiêu và còn quay lại hỏi mua thêm. Lúc đó, tôi mới nghĩ đến việc đầu tư máy móc, bắt đầu thu mua nghệ từ các hộ gia đình trong xã", chị Nguyệt chia sẻ.

Với mong muốn duy trì thế mạnh của địa phương, tạo sản phẩm phong phú, an toàn cho thị trường, chị Nguyệt đã mua máy móc và tiếp tục xay bột nghệ tươi, sau đó lọc bã chế biến thành tinh bột nguyên chất. Hộ sản xuất tinh bột nghệ Nguyệt Long được sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nguyên liệu cũng được chị Nguyệt trồng trực tiếp tại trang trại rộng 1ha và thu mua thêm của bà con ở Chư Prông.

Thấy được hiệu quả kinh tế từ mô hình, người dân trong xã rất quan tâm đến trồng nghệ để cung cấp nguyên liệu cho cơ sở của chị Nguyệt. Khi trồng, chị Nguyệt cũng hướng dẫn các hộ trồng đúng kỹ thuật, cách chăm sóc, không để nghệ bị nấm, chất lượng nghệ mới đáp ứng để cho ra sản phẩm đạt yêu cầu. Ngoài tinh bột nghệ, chị còn sản xuất tinh bột nghệ đen, bột sắn dây… Không chỉ đầu tư cho chất lượng sản phẩm, chị Nguyệt còn nhanh chóng nắm bắt được các phương pháp kinh doanh nhiệu quả, mở rộng kênh bán hàng online, tham gia các sàn thương mại điện tử để giới thiệu sản phẩm tới đông đảo người tiêu dùng.

Hiện nay, cơ sở sản xuất tinh bột nghệ Nguyệt Long là một trong những mô hình kinh tế mới trên địa bàn xã La Phìn. Trong thời gian qua, mô hình này đã khuyến khích người trồng nghệ mở rộng diện tích vùng nguyên liệu trên địa bàn xã, cung cấp giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng nghệ cho bà con.

PNVN

Video