Giữ hồn nón lá Nam Hà

04/06/2020
Với nỗ lực của HTX sản xuất kinh doanh nón lá Nam Hà (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình), nghề truyền thống không những không bị thất truyền, mà nón lá còn có cơ hội “chu du” đến nhiều nơi.
Nón lá Nam Hà do HTX sản xuất kinh doanh nón lá Nam Hà sản xuất

HTX sản xuất kinh doanh nón lá Nam Hà phát triển tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao thu nhập, tạo thêm việc làm cho người dân, từ đó thúc đẩy xã hoàn thành 19/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Lưu giữ nghề truyền thống

Nghề làm nón được lưu truyền ở Nam Hà từ bao đời và vẫn tồn tại phát triển đến này hôm nay. Nón lá Nam Hà giờ đây đã hòa quyện giữa tryền thống và hiện đại để hòa cùng dòng chảy hội nhập kinh tế xã hội.

Để làm ra một chiếc nón đẹp, bắt buộc người làm nón không được cẩu thả ở bất kỳ công đoạn nào, từ là cho phẳng lá, làm vành đến khi khâu nón và xỏ quai, đường khâu phải đều mũi, lỗ chỉ không to.

Ngoài yếu tố kỹ thuật, nguyên liệu cũng đóng vai trò quan trọng. Chính vì vậy, các thành viên HTX Nam Hà đã phải đến tận các tỉnh miền núi, trung du lựa chọn kỹ tre làm vành nón, lá cọ, bẹ tre… Nguyên liệu sau khi được xử lý đúng kỹ thuật sẽ được cung ứng cho các hộ dân làm nón tại địa phương.

Nghề làm nón giúp hàng trăm hộ gia định trong xã có việc làm và nâng cao thu nhập

Bà Trương Thị Ngoãn, Giám đốc HTX, cho biết: Lá cọ phơi làm sao cho lá chuyển màu trắng bạc, mỏng nhưng vẫn bền, dai, phẳng mà không rách. Còn tre phải dẻo, mềm thì mới bảo đảm được chất lượng.

Trung bình mỗi năm, HTX cung ứng hàng chục tấn lá cọ, tre, nứa, bảo đảm cho các hộ thành viên và người dân sản xuất ra hàng vạn chiếc nón bán ra thị trường.

Nón lá Nam Hà được nhiều người tiêu dùng đánh giá cao về mẫu mã cũng như chất lượng. Thị trường tiêu thụ rộng khắp trong và ngoài tỉnh, một phần được xuất khẩu sang Trung Quốc.

HTX Nam Hà hiện là đầu mối giao thương sản phẩm nón lá của địa phương. HTX đứng ra cung cấp nguyên liệu đầu vào, hỗ trợ thu mua nón của các thành viên để xuất bán. HTX cũng chia thành các tổ, mỗi tổ chuyên làm một công đoạn nhất định nhằm bảo đảm đồng nhất chất lượng và thuận lợi cho việc quản lý.

Góp phần xây dựng nông thôn mới

Hoạt động theo Luật HTX 2012, HTX Nam Hà đang tập trung sức mạnh của người dân, đưa việc sản xuất nón lá vào tổ chức chuyên nghiệp và theo một quy trình thống nhất. Từ đó vừa bảo đảm chất lượng sản phảm, vừa bảo đảm được đầu ra.

Tuy làm nón chỉ là nghề thủ công nghiệp và làm lúc nông nhàn nhưng vẫn giúp hàng chục thành viên và hàng trăm người dân có thu nhập khoảng 2 - 3 triệu đồng/người/tháng. Không dừng lại ở đó, HTX chính là nơi giúp người dân tiếp tục gắn bó với nghề truyền thống, giúp họ có thể tự tin “thổi hồn” vào từng chiếc nón.

Nhờ có nghề làm nón lá, diện mạo nông thôn xã Nam Hà đã không ngừng đổi mới, đời sống người dân ngày một nâng cao. Xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,43%, thu nhập bình quân trên 41 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 95%.

Xác định nghề truyền thống luôn có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương, vì vậy UBND xã tiếp tục mở rộng và phát triển các nghề, trong đó trọng tâm phát triển nghề làm nón lá. Song song với đó là tạo điều kiện để HTX nón lá Nam Hà phát triển theo hướng bền vững.

Hàng năm, HTX phối hợp với Hội Phụ nữ xã và các đoàn thể thường xuyên tổ chức lớp đào tạo nghề nhằm nâng cao tay nghề cho các thành viên, người lao động. Ngoài ra, HTX cùng Hội Phụ nữ cũng thường xuyên đứng ra tín chấp cho người làm nghề vay vốn của các quỹ tín dụng để mở rộng và phát triển ngành nghề nón lá.

Nghề làm nón không cần nhiều sức khỏe, chỉ cần cần mẫn, tỉ mỉ và khéo léo từ các khâu xâu chuỗi. Đây chính là nghề phù hợp với phụ nữ và người cao tuổi, từ đó giúp nhiều gia đình có thu nhập tạm ổn. Chính vì vậy, theo Giám đốc Trương Thị Ngoãn, thời gian tới, HTX tiếp tục đầu tư máy móc để hỗ trợ một số công đoạn sản xuất nguyên liệu để nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy nghề phát triển. Mục tiêu của HTX là tiếp tục đổi mới và liên kết để nghề truyền thống không bị mai một.

thoibaokinhdoanh.vn

Video