Gỡ khó cho hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô

23/02/2022
Qua nghiên cứu Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ 13,Tổ chức Tài chính vi mô TNHH một thành viên Tình thương (TYM) đưa ra một số đề xuất về giải pháp tháo gỡ khó khăn, hạn chế trong hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô.
Tổng Giám đốc TYM Nguyễn Thị Thu Hiền (thứ ba từ phải sang) và các thành viên đạt giải cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2021

Là Tổng Giám đốc Tổ chức Tài chính vi mô TNHH một thành viên Tình thương (TYM) tôi và toàn thể cán bộ, nhân viên luôn xác định TYM là cánh tay nối dài của hoạt động Hội, là công cụ quan trọng để Hội thu hút, tập hợp Hội viên và thực hiện vai trò của Hội trong việc hỗ trợ, chăm lo cho chị em. 

Trong 30 năm đồng hành cùng chị em phụ nữ, chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều phụ nữ thoát nghèo, khởi sự thành công và đã có 7.000 phụ nữ trở thành doanh nhân vi mô.

Tổng Giám đốc TYM Nguyễn Thị Thu Hiền

Trong khởi nghiệp nói chung và phụ nữ khởi nghiệp nói riêng, vốn và kiến thức là những điều kiện hết sức quan trọng. Là đơn vị được Hội LHPN Việt Nam giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ tài chính và hỗ trợ nâng cao năng lực cho phụ nữ, TYM tự hào đã đóng góp quan trọng vào việc hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trong nhiều nhiệm kỳ qua. Để giúp chị em khởi sự, khởi nghiệp, chúng tôi tập trung đồng thời vào hỗ trợ vốn vay và nâng cao năng lực cho chị em.

Về hỗ trợ vốn vay, TYM cung cấp các sản phẩm vốn đa dạng, phù hợp với nhu cầu và điều kiện của nhiều nhóm phụ nữ khác nhau với thủ tục đơn giản, thuận tiện, không cần tài sản thế chấp… Đặc biệt, cơ chế trả dần từng tuần và từng kì của TYM giúp phụ nữ chủ động, linh hoạt trong việc quản lý tài chính gia đình. Chính vì vậy, thành viên vay vốn tại TYM hiếm khi có nợ xấu và dễ dàng vay tiếp các món vốn khác để mở rộng kinh doanh, sản xuất. Trong 30 năm qua, TYM đã giải ngân khoảng 1,7 triệu món vay cho phụ nữ và điều khiến chúng tôi luôn tự hào là TYM đã đồng hành với chị em phụ nữ từ những thời điểm mà cơ hội được tiếp cận vốn vay của họ còn rất khó khăn.

Với sự hỗ trợ của cán bộ TYM, các chị em đã từng bước biết xây dựng kế hoạch kinh doanh ngày càng bài bản và mang tính khả thi ngày càng cao

Bên cạnh việc cung cấp tín dụng, chúng tôi luôn quan tâm tới việc nâng cao năng lực cho chị em để đảm bảo chị em sử dụng vốn hiệu quả, có khả năng hoàn trả, đồng thời ổn định cuộc sống gia đình và tích luỹ cho tương lai. Hàng năm, TYM đều tổ chức nhiều lớp đào tạo để chị em biết cách quản lý tài chính trong gia đình cũng như trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh công nghệ số trở thành công cụ quan trọng trong mọi lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội như hiện nay, TYM đẩy mạnh hoạt động nâng cao năng lực công nghệ số cho phụ nữ. Từ đó, chị em có thể tận dụng các ứng dụng trên nền tảng thiết bị số để quảng bá sản phẩm, bán hàng, tìm kiếm khách hàng tiềm năng, học tập chia sẻ tìm kiếm thông tin. Trong năm 2020 – 2021, đã có hơn 81.000 chị em là thành viên của TYM cùng người thân được đào tạo về lĩnh vực này.

Có thể nói, bằng việc hỗ trợ vốn và kiến thức, TYM đã đồng hành với nhiều chị em trong quá trình khởi sự, khởi nghiệp, trong số đó, nhiều chị em đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Những thay đổi đó là minh chứng rõ ràng nhất cho sự phát triển của người phụ nữ và chúng tôi thật tự hào vì đã đồng hành, tiếp bước cho các chị em trên con đường phát triển này.

TYM tặng máy tính và tập huấn cho thành viên sử dụng để áp dụng vào hoạt động kinh doanh

Hiện nay, TYM đã xác định ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là một trụ cột quan trọng. Việc trang bị phần mềm ngân hàng lõi là tiền đề cho việc số hóa hoạt động của TYM trong thời gian tới. TYM sẽ nghiên cứu một số ứng dụng kết nối với phần mềm này để nâng cao chất lượng phục vụ cho thành viên, đồng thời cải tiến năng suất lao động cho cán bộ.

Đặc biệt, trong những năm tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tham gia Đề án "Hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025" do Hội LHPN Việt Nam chủ trì thực hiện với một số hoạt động thiết thực như: khuyến khích, hỗ trợ thành viên TYM tham gia Cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp; đào tạo nâng cao năng lực cho phụ nữ, các hoạt động giới thiệu, kết nối sản phẩm cho thành viên TYM,... Đây sẽ là cơ hội rất tốt để các chị em học hỏi, trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng cũng như giới thiệu về dự án và tìm kiếm đối tác trong kinh doanh.

Tổng Giám đốc TYM Nguyễn Thị Thu Hiền (ngoài cùng bên trái) thăm gian hàng của phụ nữ khởi nghiệp năm 2020

3 đề xuất của TYM với Hội LHPN Việt Nam trong triển khai "Hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ"

Dự thảo Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ 13 đã xác định "Triển khai có chất lượng kế hoạch thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia trong hệ thống Hội, trọng tâm là giáo dục tài chính; hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ tài chính (tín dụng, tiết kiệm, bảo hiểm) cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ khó khăn; phát triển bền vững các chương trình tài chính vi mô trong hệ thống Hội hoạt động chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật. Mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ chức Tài chính vi mô TNHH một thành viên Tình thương (TYM): phấn đấu đến hết nhiệm kỳ, TYM triển khai hoạt động tới 18 tỉnh/thành phố". Điều đó khẳng định vị trí quan trọng của tài chính vi mô trong việc hỗ trợ phụ nữ, đặc biệt trong việc nâng cao quyền năng kinh tế.

Tuy nhiên, hiện nay hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô còn gặp một số khó khăn, bất cập mà nếu tháo gỡ được thì hoạt động trong lĩnh vực này sẽ có bước phát triển mới và đóng góp nhiều hơn vào công cuộc hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế.

Bước vào nhiệm kỳ mới, chúng tôi có một số đề xuất với Hội LHPN Việt Nam như sau:

- Trong lĩnh vực tài chính vi mô, các văn bản pháp lý còn tồn tại một số hạn chế. Chúng tôi mong rằng TW Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp tục có ý kiến với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, xây dựng hành lang pháp lý trong lĩnh vực này, giúp các hoạt động tài chính vi mô của Hội LHPN Việt Nam được phát triển mạnh mẽ hơn và góp phần thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. 

- Hội LHPN các cấp tiếp tục phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện để TYM được mở rộng, phát triển địa bàn, đặc biệt trên các tỉnh chưa có hoạt động của TYM; thu hút thêm thành viên tham gia từ đó giúp cho nhiều chị em phụ nữ được tiếp cận với dịch vụ. 

- Các cấp Hội tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án "Hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2027-2025", theo đó tổ chức các diễn đàn, cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp, hoạt động nâng cao năng lực, mở rộng kết nối cho phụ nữ, khuyến khích ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ để chị em được tham gia các hoạt động, nâng cao năng lực và tìm kiếm các cơ hội kinh doanh, từ đó khẳng định vị thế của mình.

Báo PNVN/Tổng Giám đốc TYM Nguyễn Thị Thu Hiền

Video