Hậu Giang: Người phụ nữ khuyết tật tạo việc làm cho phụ nữ cả xóm

24/04/2022
Bị khuyết tật từ nhỏ, bằng chính nghị lực vươn lên, bà Nguyễn Thị Mười (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) không chỉ phát triển nghề thủ công đan lục bình mà qua đó còn tạo công ăn việc làm cho nhiều chị em phụ nữ tại địa phương.
Bà Mười đi gom sản phẩm thủ công trong huyện.

Cơ duyên với nghề

Ở (ấp Đông Thuận, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang), nói đến bà Nguyễn Thị  Mười, ở đây ai cũng biết. Đó là một người phụ nữ 56 tuổi với đôi chân không đi được mà phải di chuyển bằng 2 cây tó.

Bà con ở chợ thỉnh thoảng thấy bà, ghé ăn vội vã tô bún vào buổi sáng sớm rồi đi ngay. Bởi, công việc của bà đầu tắt, mặt tối cả ngày. Đến chiều, bà Mười lại điều khiển chiếc xe máy ba bánh cải tiến cho người khuyết tật đi khắp huyện để thu gom sản phẩm đan lát từ cây lục bình.

Bà Nguyễn Thị Mười chia sẻ, lúc sinh ra bà cũng lành lặn như bao người khác. Vào năm 3 tuổi, bà bị sốt bại liệt, đôi chân ngày một teo lại, không đi được lại bình thường. Lớn lên, bà theo nghề thêu tay, nhưng nghề này cũng dần dần mai một nên bà không thể theo nghề.

12 năm trước, trong một lần tình cờ, nghe thông tin có công ty ở Cần Thơ tuyển công nhân đan lát sản phẩm mỹ nghệ từ lục bình, bà ứng tuyển vào làm. Đó cũng là cơ duyên đưa bà đến với nghề này.

Lục bình là nguyên liệu chính để làm sản phẩm.

Khi đã lành nghề, thấy nhiều chị em phụ nữ tuổi trung niên trong xóm không có công ăn việc làm, có người chỉ loay hoay trong nhà, bà Mười nảy nghĩ ra ý tưởng mở một điểm dạy nghề tại nhà mình. Chị em ở gần thì có thể đến làm trực tiếp, ai ở xa  thì nhận nguyên liệu về làm tại nhà, bà tự đến tận nơi thu gom thành phẩm.

"Tôi thấy nghề này dễ làm, rảnh giờ nào làm giờ đó, có thể phát triển lâu dài, tạo việc làm cho chị em tuổi trung niên vì độ tuổi đó họ khó kiếm được việc làm. Cho dù việc đi lại của tôi khó khăn không như người bình thường, nhưng có việc làm đó là niềm vui” - bà Mười chia sẻ.

Nhân rộng mô hình

Bà Mười cho biết thêm, thời điểm mới bắt đầu cũng gặp không ít khó khăn. Nhân công lúc đầu cũng không có nhiều như bây giờ. Phương tiện để thu gom của bà lúc đó chỉ là chiếc xe lắc tay cho người khuyết tật nên mất rất nhiều thời gian và sức lực.

Những người thợ làm việc xưởng thủ công của bà Mười chia sẻ, để sản phẩm hoàn thiện cần phải qua 3 công đoạn: Đầu tiên là dán băng keo lên khung sắt do công ty đối tác cung cấp; kế tiếp là bắt công bằng dây lát làm điểm cố định, cuối cùng là đan lục bình.

Nhân công làm việc tại xưởng của bà Mười.

Chị Nguyễn Thị Hạnh - nhân công làm việc tại đây - cho biết, chị làm công việc này được 5 năm từ lúc được bà Mười dạy nghề đến nay. Bình quân mỗi ngày đan được 20 sản phẩm, rảnh giờ nào làm giờ đó, thu nhập mỗi ngày cũng được 100.000 đồng.

“Lúc trẻ, tôi làm công ty đông lạnh mười mấy năm, do sinh con với lại đã có tuổi, làm trong môi trường lạnh hay bệnh lặt vặt nên không làm nổi nữa. Cũng may có cô Mười tạo công ăn việc làm cho chị em phụ nữ chúng tôi” - chị Hạnh nói.

Sản phẩm hoàn thiện tại xưởng của bà Mười.

“Công việc này nhẹ nhàng, vừa chăm con, quét nhà nấu nướng, giặt giũ... xong mình làm tại nhà. Lúc rảnh rỗi, chồng cũng có thể phụ vợ, trẻ con cũng có thể phụ ở những công đoạn đơn giản như dán băng keo khung. Nhờ vậy mà chị em trong xóm có thêm thu nhập, chứ lớn tuổi như tụi tôi xin vào công ty đâu ai nhận” - chị Lê Thị Bích Ngân, hàng xóm bà Mười, cho biết.

Ông Võ Văn Đến - Phó chủ tịch UBND xã Đông Thạnh - cho biết: “Mô hình đan lát lục bình của bà Nguyễn Thị Mười hiệu quả cao. Với mô hình này hàng tháng bà Mười cung cho công ty đối đối tác hàng nghìn sản phẩm đan lát từ lục bình để xuất khẩu ra các nước trên thế giới. Mô hình đan lát lục bình được UBND huyện Châu Thành khuyến khích nhân rộng toàn huyện. Bà Mười là người rất nhiệt tâm, hiện nay bà tạo công ăn việc làm cho nhiều phụ nữ trung niên trong xã”.

Bằng khen, giấy khen các cấp khen thưởng bà Mười

Ông Đến thông tin thêm, bà Nguyễn Thị Mười cũng vừa mới nhận được giấy chứng nhận của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Trước đó, bà Mười cũng nhận được nhiều giấy khen của UBND huyện, xã.
laodong.vn

Video