Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ

27/05/2022
Sáng 27/5, TW Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ giai đoạn 2021 – 2030” nhằm làm cơ sở để Hội hoàn thiện nội dung Đề án trước khi trình Chính phủ. Hội thảo do Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương chủ trì.
TW Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ giai đoạn 2021 – 2030”, sáng 27/5

Ngay sau khi có Quyết định số 340/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2030, Hội LHPN Việt Nam đã chủ trì tham mưu thành lập Tổ soạn thảo và nhóm giúp việc xây dựng Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ giai đoạn 2021 – 2030”.

Mục tiêu tổng quát của Đề án nhằm thúc đẩy, phát triển các HTX, THT do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ thông qua phát huy nội lực, khơi dậy tinh thần hợp tác, khởi nghiệp sáng tạo của hội viên, phụ nữ, phát huy tài nguyên bản địa, giữ gìn bản sắc văn hóa, phát triển kinh tế góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương chủ trì hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Hội Trần Lan Phương cho biết: Hội LHPN Việt Nam và tổ soạn thảo đã thực hiện nhiều hoạt động xây dựng dự thảo Đề án như: tổ chức nghiên cứu đánh giá tình hình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể do phụ nữ tham gia quản lý giai đoạn 2017-2021 và đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy, nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ kinh tế tập thể giai đoạn 2022-2027; tham vấn các chuyên gia trong nước; xin ý kiến các ban, đơn vị TW Hội và các Bộ ngành...

Hiện nay, một số nước có khu vực kinh tế tập thể phát triển như Hà Lan, Đức, Canada… đều đã sớm có các chính sách, chương trình, đề án hỗ trợ và các khung pháp lý quy định quản lý nhà nước về lĩnh vực kinh tế tập thể, đặc biệt phù hợp với bộ phận người dân khu vực nông thôn, phụ nữ và các đối tượng dễ bị tổn thương trong quá trình phát triển của đất nước. Ở Việt Nam, kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX tại Việt Nam chưa thực sự phát triển so với tiềm năng và vẫn còn khoảng trống về giới.

Vì vậy, Phó Chủ tịch Hội mong muốn các đại biểu, chuyên gia sẽ góp ý, tham vấn tìm giải pháp hoàn thiện dự thảo đề án góp phần thực hiện chỉ tiêu bình đẳng giới trong mục tiêu thiên niên kỷ, tiếp tục hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, đặc biệt là tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn, vùng sâu, vùng xa đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ, người dân trong hợp tác kinh doanh với chi phí hợp lý và thu nhập ổn định.

Các đại biểu dành nhiều quan tâm với dự thảo đề án để có những ý kiến góp ý chất lượng nhất 

Tại hội thảo, đã có nhiều ý kiến tâm huyết, thiết thực được đại diện các đơn vị, bộ, ban ngành đóng góp nhằm hỗ trợ TW Hội LHPN Việt Nam hoàn thiện tốt nhất dự thảo Đề án. Đa số đại biểu đều đồng ý về bố cục, mục tiêu, chỉ tiêu chính được nêu trong dự thảo. Trong đó, một trong những nội dung trọng tâm, then chốt được các đại biểu nhất trí cao là nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhằm đẩy mạnh công cuộc bình đẳng giới trong phát triển kinh tế địa phương. Ở vùng dân tộc thiểu số, lực lượng lao động nông nhàn, phần lớn là nữ giới rất nhiều do đó, cần bổ sung cơ chế và có sự liên kết các HTX vùng, miền để hình thành chuỗi dịch vụ nhân công lao động. Từ đó, tận dụng thế mạnh để thúc đẩy bình đẳng giới, tạo ra bản sắc riêng thu hút sự quan tâm của các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Theo ông Nguyễn Tiến Định, Trưởng phòng Kinh tế hợp tác, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực tế cho thấy HTX do phụ nữ làm chủ hoạt động liên quan đến nông nghiệp sạch, thực phẩm hữu cơ đều phát triển rất tốt và có sự quản lý minh bạch. Doanh thu, lợi nhuận từ HTX do phụ nữ quản lý không hề thua kém mà thậm chí còn hiệu quả hơn nhiều so với các HTX khác. Chính vì vậy, việc triển khai đề án giúp phụ nữ tham gia HTX thúc đẩy mục tiêu trao quyền cho phụ nữ đẩy mạnh bình đẳng giới, phát triển kinh tế nông thôn và lan tỏa giá trị đạo đức ra cộng đồng, địa phương là rất cần thiết. Bên cạnh đó, ông Định cũng đưa ra một số ý kiến góp ý về nhiệm vụ, giải pháp như: cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các mô hình HTX do phụ nữ làm chủ; tập trung tư vấn, hỗ trợ và phối hợp với các đơn vị, bộ ngành khác để xây dựng mô hình điểm; hỗ trợ HTX do phụ nữ làm chủ tiếp cận thị trường bằng cách lồng ghép vào các chương trình kinh tế xã hội triển khai tại các địa phương; thúc đẩy các diễn đàn, hội thi thu hút sự tham gia của các nhà tài trợ.

Ông Nguyễn Tiến Định, Trưởng phòng Kinh tế hợp tác, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao hiệu quả, lợi ích mà các HTX do phụ nữ làm chủ mang lại

Các đại biểu cũng khẳng định sự cần thiết xây dựng các nội dung truyền thông phù hợp với từng địa phương, đối tượng; cần có các số liệu căn cứ sâu hơn nữa cho dự thảo Đề án; lồng ghép khuyến khích các đơn vị, ban ngành có chính sách hỗ trợ cho HTX đặc biệt là đối tượng phụ nữ quản lý; bổ sung chủ trương chính sách về vốn, hỗ trợ huy động vốn cho các HTX…

Các ý kiến đóng góp sẽ được TW Hội LHPN Việt Nam tiếp thu để hoàn thiện dự thảo Đề án trong đó, sẽ tập trung cân nhắc thêm đối tượng Tổ hợp tác để hoạt động hiệu quả hơn trong tương lai; cụ thể hóa các khái niệm; xây dựng những chỉ tiêu bám sát đối tượng, nhiệm vụ chỉ tiêu đề ra liên quan đến bình đẳng giới.

 

Trong những năm qua, các cấp Hội LHPN Việt Nam đã nỗ lực hỗ trợ thành lập gần 800 HTX do phụ nữ tham gia quản lý, vượt 100% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII đề ra.

Hiệu quả hoạt động hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ đã được các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đánh giá cao, góp phần thực hiện các chương trình xây dựng nông thôn mới, đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập, tạo cơ hội ly nông, bất ly hương cho hội viên, phụ nữ.

Minh Trang

Video