Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp: Cần thêm sự đồng hành

18/11/2020
Sau hơn 3 năm thực hiện Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp (PNKN) giai đoạn 2017 – 2025”, tỉnh Lạng Sơn đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, để phụ nữ tích cực phát triển kinh tế, hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp cần thêm sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp chính quyền, ban ngành, doanh nghiệp.
Mô hình nuôi trâu sinh sản của hội viên phụ nữ thôn Nà Yêu, xã Tân Lập, huyện Bắc Sơn

Hiện nay, phụ nữ chiếm khoảng 60% lực lượng lao động, và làm chủ khoảng 30% doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Để thiết thực hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, thời gian qua, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động như: tuyên truyền, vận động phụ nữ phát triển kinh tế, khởi sự kinh doanh, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhận ủy thác vốn vay với ngân hàng chính sách xã hội, hỗ trợ cây, con giống, giúp đỡ ngày công lao động, hướng dẫn thành lập các mô hình kinh tế tập thể… Từ năm 2017 đến nay, trung bình mỗi năm, các cấp hội giúp đỡ 150 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và phối hợp đào tạo nghề cho hơn 1.200 lao động nông thôn. Mặc dù, công tác này được thực hiện tích cực nhưng thực tế, phong trào phụ nữ khởi nghiệp vẫn còn gặp những khó khăn nhất định và chưa tạo được động lực cho các tập thể, cá nhân hội viên, phụ nữ tham gia Ngày phụ nữ khởi nghiệp, các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: thiếu vốn đầu tư, thiếu sự kết nối hỗ trợ chuyên môn, tìm kiếm nhà đầu tư, hỗ trợ về chính sách kinh doanh… là những rào cản, gây khó trong việc thúc đẩy phong trào phụ nữ khởi nghiệp. Để thực hiện Đề án 939, từ năm 2017 đến nay, trung bình mỗi năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh được cấp 200 triệu đồng để triển khai. Kinh phí này chủ yếu được sử dụng để tổ chức hoạt động tập huấn khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; tổ chức ngày phụ nữ khởi nghiệp, cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp. Còn tại cấp huyện, trong năm 2019 chỉ có 4/11 và năm 2020 chỉ có 6/11 hội LHPN cấp huyện được UBND cấp huyện cấp kinh phí thực hiện đề án với số tiền hạn chế từ 10 đến 30 triệu đồng/1 đơn vị. Các huyện không được cấp kinh phí, chủ yếu phối hợp, lồng ghép nội dung của đề án vào các chương trình khác nên chưa có nguồn kinh phí dồi dào để tổ chức các hoạt động thu hút, tạo động lực cho hội viên tham gia khởi nghiệp.

Cùng với đó, hội viên phụ nữ còn chưa mạnh dạn xây dựng, phát triển mô hình kinh tế hoặc  phụ thuộc vào gia đình, thiếu kiến thức, kỹ năng sản xuất, tổ chức kinh doanh; chủ yếu tập trung mô hình nhỏ lẻ, kinh tế hộ, manh mún, chưa có hướng phát triển mới; chưa đầu tư công nghệ, kỹ thuật hiện đại vào sản xuất… Chị Lèo Thị Thim, Chi hội phụ nữ thôn Làng Bên, xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng cho biết: Hiện nay, gia đình tôi có mô hình kinh doanh dịch vụ “Homestay Rừng xanh” với lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng/tháng. Để thu hút nhiều hơn nữa khách du lịch, tôi có nhu cầu nâng cấp cơ sở vật chất, chất lượng các dịch vụ. Tuy nhiên do thiếu vốn đầu tư, không có sự kết nối với các công ty du lịch nên hiện tại tôi gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển mô hình.

Bà Vũ Thị Huyền Trang, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh cho biết: Để phong trào phụ nữ khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển, rất cần sự chung tay, quan tâm hỗ trợ của các cấp chính quyền, doanh nghiệp. Thời gian tới, các cấp hội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện hiệu quả Đề án 939. Cùng đó là tăng cường kết nối giữa nữ doanh nhân, doanh nghiệp với phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp; tăng cường phối hợp, tìm kiếm nguồn lực để hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ… nhằm giúp hội viên vươn lên phát triển kinh tế, khẳng định vị thế trong đời sống xã hội.

Trước những khó khăn trong triển khai đề án, các cấp hội phụ nữ đã tận dụng triệt để các nguồn vốn vay cho phụ nữ phát triển kinh tế, khởi nghiệp như: nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ toàn tỉnh hiện nay khoảng hơn 1.130 tỷ đồng cho hơn 25 nghìn hộ vay; Quỹ quốc gia giải quyết việc làm (vốn 120) do Trung ương Hội LHPN Việt Nam ủy quyền với tổng số vốn 850 triệu đồng; hỗ trợ các mô hình sinh kế, cây, con giống thông qua chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, phong trào “Phụ nữ giúp nhau giảm nghèo có địa chỉ”… Đồng thời đẩy mạnh  tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia các mô hình kinh tế tập thể tổ hợp tác, hợp tác xã.  Đến nay, toàn tỉnh có 65 tổ hợp tác, 11 hợp tác xã do phụ nữ làm chủ. Nhờ đó mỗi năm, các cấp hội đã giúp đỡ được 200 đến 300 phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo, trong đó có một số phụ nữ đã có ý tưởng, mô hình khởi nghiệp

baolangson

Video