Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tập thể

25/05/2020
- Bình Định: Ra mắt hợp tác xã sản xuất nấm Anvies An Nhơn
-Thanh Hóa: Xây dựng 12 chuỗi giá trị sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thông qua thành lập Hợp tác xã/ Tổ hợp tác năm 2020
- Đắk Lắk: Khai giảng lớp trồng và khai thác nấm cho 57 học viên
Hợp tác xã sản xuất nấm Anvies do phụ nữ làm chủ được thành lập tại xã Nhơn Thọ, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định

- Bình Định: Ra mắt hợp tác xã sản xuất nấm Anvies An Nhơn

Hợp tác xã  sản xuất nấm Anvies do phụ nữ làm chủ được thành lập tại xã Nhơn Thọ, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định với 07 thành viên tham gia, số vốn điều lệ là 700 triệu đồng, do chị Phan Kim Nhật Quỳnh làm Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Đây là HTX thứ hai trên địa bàn thị xã An Nhơn do nữ làm lãnh đạo, quản lý kể từ khi triển khai đề án  Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp (đề án 939) năm 2018 đến nay.

Hợp tác xã sản xuất nấm Anvies An Nhơn được thành lập theo Luật Hợp tác xã năm 2012, dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của Hội LHPN tỉnh và Hội LHPN thị xã An Nhơn.

Với mục tiêu cung cấp ra thị trường các sản phẩm từ nấm (các sản phẩm chay) đảm bảo dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm, HTX góp phần giúp các thành viên phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng, giải quyết lao động nhất là đối tượng phụ nữ, góp phần thúc đẩy kinh tế, du lịch và nông nghiệp của địa phương

Sự ra đời của hợp tác xã sẽ là đòn bẩy trong công tác huy động chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các nguồn lực từ bên ngoài để tạo động lực phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án 939 và hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh về thành lập hợp tác xã do nữ làm chủ đề ra.

-Thanh Hóa: Xây dựng 12 chuỗi giá trị sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thông qua thành lập Hợp tác xã/ Tổ hợp tác năm 2020

Để vận động, hỗ trợ hội viên phụ nữ xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm an toàn trong chăn nuôi, trồng trọt thông qua thành lập mô hình Hợp tác xã/ Tổ hợp tác nhằm cung cấp các sản phẩm an toàn đối với sức khỏe của cộng đồng, năm 2020, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng kế hoạch, đề xuất UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí 1,3 tỷ đồng hỗ trợ thành lập 12 mô hình HTX, tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ trong đó thành lập được 9 hợp tác xã và 3 tổ hợp tác (6 mô hình trồng trọt và 6 mô hình chăn nuôi) tại 11 huyện. Các mô hình được thành lập và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, có sự tham gia của cộng đồng và xã hội trong tổ chức thực hiện, quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động và chất lượng sản phẩm.

Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa trao con giống cho Tổ hợp tác chăn nuôi gà đồi xã Thọ Tân, huyện Triệu Sơn

Mô hình ra đời sẽ góp phần khắc phục được những yếu kém của kinh tế hộ gia đình như thiếu vốn, thiếu công cụ sản xuất, hạn chế các mối liên hệ. Phát huy được trí tuệ sáng tạo của tập thể, hỗ trợ, giúp nhau phát triển kinh tế gia  đình, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập.

Để duy trì mô hình hoạt động có hiệu quả, các cấp Hội sẽ  phối hợp với các ngành chức năng trong việc liên kết với doanh nghiệp ở từng lĩnh vực ngành nghề khác nhau để cung ứng các dịch vụ đầu vào như: vật tư, thuốc thú y, giống cây trồng, vật nuôi, dịch vụ vốn, nguồn lao động có tay nghề; chủ động cung cấp thông tin về thị trường lao động có tay nghề, về khoa học công nghệ mới tới hội đồng quản trị Hợp tác xã hoặc Ban quản lý tổ hợp tác; lựa chọn một số sản phẩm đặc trưng đề xuất với chính quyền, các ban ngành từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm của Hợp tác xã/ Tổ hợp tác do Hội hỗ trợ thành lập.

- Đắk Lắk: Khai giảng lớp trồng và khai thác nấm cho 57 học viên

Nằm trong chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Hội LHPN huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện và UBND xã Cư Né tổ chức lớp trồng và khai thác nấm cho 57 hội viên phụ nữ trên địa bàn buôn Mùi 2, xã Cư Né.

Khai giảng lớp trồng và khai thác nấm cho 57 học viên

Trong thời gian 2 tháng các học viên sẽ được học cách nhân giống nấm; trồng nấm rơm; trồng nấm sò; trồng nấm mộc nhĩ; trồng nấm linh chi... Đồng thời được trang bị các kỹ năng về thực hiện bố trí nhà xưởng, lựa chọn, vệ sinh, sử dụng các thiết bị, dụng cụ, vật tư, nguyên liệu nhân giống và nuôi trồng nấm đúng yêu cầu kỹ thuật, chuẩn bị môi trường và cấy chuyền giống nấm theo đúng trình tự, thực hiện các bước làm giá thể, cấy giống, theo dõi điều khiển sự phát triển sợi nấm, chăm sóc, thu hái nấm và sơ chế, bảo quản các loại nấm theo đúng trình tự, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật; phát hiện kịp thời bệnh sinh lý, bệnh nhiễm ở nấm và tìm được biện pháp khắc phục; xây dựng và thực hiện được kế hoạch sản xuất kinh doanh nấm. Kết thúc khóa học, các học viên đạt yêu cầu sẽ được Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện cấp chứng chỉ hoàn thành lớp đào tạo trình độ sơ cấp nghề trồng nấm và nhân giống nấm.

Châu Lệ, VP Thanh Hóa, Phạm Thị Len

Video