Hơn 8000 phụ nữ dân tộc Lào Cai và Sơn La được tăng thu nhập

14/04/2021
8.124 phụ nữ dân tộc tăng thu nhập và tạo thêm 834 việc làm mới cho phụ nữ là những kết quả dự án “Thúc đẩy Bình đẳng giới thông qua Nâng cao hiệu quả kinh tế Sản xuất Nông nghiệp và Phát triển Du lịch tại Lào Cai và Sơn La” đạt được.
Chị Hà Thị Huế và chị Lò Thị Hà đến từ HTX măng sạch Xuân Nha (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La)

Sự kiện "Nâng quyền cho phụ nữ dân tộc thiểu số: Hương vị Lào Cai và Sơn La" được tổ chức tại Hà Nội ngày 14/4 là dịp để đánh giá, nhìn nhận những kết quả dự án "Thúc đẩy Bình đẳng giới thông qua Nâng cao hiệu quả kinh tế Sản xuất Nông nghiệp và Phát triển Du lịch tại Lào Cai và Sơn La" đạt được trong thời gian qua.

 

Dự án "Thúc đẩy Bình đẳng giới thông qua Nâng cao hiệu quả kinh tế Sản xuất Nông nghiệp và Phát triển Du lịch" (gọi tắt là GREAT) là một sáng kiến hàng đầu trong chương trình Aus4Equality do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) tài trợ.

Dự án được thực hiện đến 31/12/2021, với tổng đầu tư 33,7 triệu đô la Úc ( tương đương khoảng 600 tỷ đồng ) trong hơn 4 năm. Ban chỉ đạo của Dự án là Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La và Lào Cai hướng tới đối tượng là phụ nữ và các cộng đồng dân tộc thiểu số, giúp họ phát triển kinh tế và nâng cao nhận thức về bình đẳng giới.

Giúp phụ nữ dân tộc phát triển kinh tế

Ông Phil Harman, Cố vấn trưởng dự án GREAT chia sẻ: Dự án đã và đang áp dụng cách tiếp cận đa dạng, thông qua nhiều hoạt động như: nâng quyền kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy phát triển hệ thống thị trường bao trùm; thấu hiểu, thích ứng và đổi mới. 

Dự án cũng nỗ lực giúp phụ nữ tiếp cận các cơ hội kinh tế, tự quyết định sự tham gia của họ, được công nhận cho những đóng góp và nhận được lợi ích kinh tế công bằng. Đồng thời, dự án hướng tới giải quyết các nguyên nhân tiềm ẩn của thị trường kém hiệu quả và nghèo đói, thay vì chỉ giải quyết các vấn đề nổi bề ngoài.

Ông Phil Harman, Cố vấn trưởng dự án GREAT chia sẻ về các hoạt động dự án đang triển khai nhằm tiếp cận, mang lại lợi ích và nâng quyền cho phụ nữ dân tộc.

Với những nỗi lực đó, mặc dù chịu tác động từ dịch Covid-19, song thực tế đã chứng minh Dự án vẫn tạo ra những thay đổi tích cực trong đời sống của phụ nữ. Đến nay, Dự án đã giúp 8.124 phụ nữ tăng thu nhập và tạo thêm 834 việc làm mới cho phụ nữ", ông Harman chia sẻ thêm.

Đại diện cho phụ nữ dân tộc thiểu số Lào Cai và Sơn La tham gia dự án, chị Hà Thị Huế và chị Lò Thị Hà, đến từ HTX măng sạch Xuân Nha (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) cho biết: Nhờ sự hỗ trợ của dự án, HTX đã được thành lập, mang lại công ăn việc làm cho nhiều chị em dân tộc thiểu số xã Xuân Nha, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao tiềm năng kinh tế, đưa sản phẩm địa phương được phát triển và tiêu thụ rộng khắp cả nước.

Câu chuyện của các phụ nữ dân tộc tham gia dự án được kể lại qua những bức ảnh trưng bày tại sự kiện

Tăng cường kỹ năng lãnh đạo cho phụ nữ dân tộc

Không chỉ giúp phụ nữ dân tộc nâng cao đời sống kinh tế, mà thông qua các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới được lồng ghép, Dự án còn giúp chị em tăng cường sự tự tin, kỹ năng lãnh đạo và khả năng ra quyết định của phụ nữ.

Ông Nguyễn Như Thanh Hải - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án GREAT tỉnh Sơn La, chia sẻ: Tính đến nay, đã có 1.194 phụ nữ được bầu vào các vị trí lãnh đạo tổ nhóm. Trong đó phần lớn ( 77 % ) có ý định vẫn sẽ tiếp tục giữ vị trí lãnh đạo. 

Dự án cũng tạo được ảnh hưởng tích cực trong nhận thức về vai trò của phụ nữ thông qua các khóa đào tạo. Nhiều phụ nữ chia sẻ, họ đã tham gia nhiều hơn trong việc ra quyết định chi tiêu trong gia đình, bao gồm các khoản chi hàng ngày và những chi tiêu lớn.

Tại sự kiện, GREAT có dịp giới thiệu sản phẩm của các tiểu dự án thông qua gian hàng trưng bày sản phẩm chè, rau, gia vị, dược liệu, thổ cẩm...

Với những kết quả đã đạt được, Dự án góp phần nâng cao đời sống kinh kế cho phụ nữ, giúp họ tăng sự tự tin và cải thiện môi trường kinh doanh cho phụ nữ vùng cao.

https://phunuvietnam.vn/

Video