Khánh Hòa: Dòng nấm sạch của Hội Phụ nữ Ba Ngòi

21/12/2019
Tổ hợp tác phụ nữ trồng nấm phường Ba Ngòi (Hội Phụ nữ phường Ba Ngòi, TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) thành lập từ năm 2018, đến nay đã sản xuất thành công và cung cấp nhiều dòng nấm sạch ra thị trường.
Thành viên tổ hợp tác đang thu hoạch nấm linh chi đỏ.

Liên kết trồng nấm

Bà Nguyễn Thị Diễm Duyên - Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Ba Ngòi cho biết, tháng 6-2017, Hội Phụ nữ phường đã thành lập Tổ phụ nữ liên kết trồng nấm sạch Ba Ngòi với 6 thành viên tham gia. Sau 1 năm hoạt động hiệu quả, đến tháng 6-2018, tổ liên kết phát triển thành Tổ hợp tác phụ nữ trồng nấm phường Ba Ngòi với 9 thành viên, tổng vốn đầu tư 100 triệu đồng.

Thành viên tổ hợp tác đang thu hoạch nấm linh chi đỏ.

Sản phẩm chủ yếu của tổ hợp tác là nấm bào ngư và nấm linh chi. Các thành viên tham gia tổ hợp tác đều được đào tạo và có chứng chỉ về kỹ thuật trồng nấm sạch. Năm đầu tiên, tổ hợp tác trồng khoảng 12.000 bịch phôi nấm bào ngư và 3.000 phôi nấm linh chi đỏ. Với giá bán nấm bào ngư 50.000 đồng/kg lẻ (sỉ 35.000 đồng/kg); nấm linh chi đỏ từ 900.000 đồng đến 1,1 triệu đồng/kg khô, 450.000 đồng/tươi, mỗi thành viên thu nhập tăng thêm từ 1 đến 3 triệu đồng/người/tháng, tùy thuộc vào diện tích trồng tại nhà.

Hiện nay, tổ hợp tác đã liên kết với Hợp tác xã Nấm Nha Trang để cung ứng nguyên liệu, vật liệu đầu vào (giống) và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho các thành viên. Bên cạnh đó, nhằm hưởng ứng phong trào phòng, chống rác thải nhựa, tổ hợp tác sử dụng bao bì đóng gói sản phẩm nấm toàn bộ bằng túi giấy nhằm đảm bảo an toàn, vệ sinh, thân thiện môi trường. “Điểm mạnh là nấm của chúng tôi sản xuất sạch, không dùng chế phẩm sinh học kích thích tăng trưởng nên nấm mọc đẹp, đảm bảo về độ tươi, dai, ngon, để được lâu. Vả lại, nấm được trồng ngay tại địa phương, người dân nhìn thấy nên thích mua dùng hơn. Tuy giá thành có cao hơn một chút nhưng khách hàng đều chấp nhận”, bà Duyên nói.

Tăng thu nhập

Bà Phan Thị Kim Ngân (tổ dân phố Trà Long 2) cho biết: “Tôi tham gia tổ hợp tác và trồng nấm tại nhà hơn 1 năm nay. Với diện tích 24m2, trồng 2 loại nấm bào ngư và linh chi, tôi có thu nhập mỗi tháng từ 2 đến 3 triệu đồng. Công việc thuận lợi nên tôi chuẩn bị phát triển thêm trong thời gian tới”. Bà Võ Thị Hồng Mận (tổ dân phố Khánh Cam 2), thành viên tổ hợp tác cũng cho hay, với diện tích 30m2 để trồng nấm bào ngư tại nhà, mỗi tháng, bà có thêm thu nhập từ 1 đến 2 triệu đồng.

Mặc dù quy mô sản xuất của tổ hợp tác còn nhỏ, sản lượng còn ít, nhưng giá cả và chất lượng nấm đã được người tiêu dùng chấp nhận. Hiện nay, nấm của tổ hợp tác có ngày không đủ cung cấp cho khách hàng. Bà Nguyễn Thị Thanh, khách hàng ở phường Ba Ngòi cho hay: “Xu thế hiện nay, nhiều người đã giảm ăn thịt và chuyển sang các thực phẩm sạch có nguồn gốc từ thực vật để cải thiện sức khỏe, bảo vệ môi trường. Tôi mua nấm nhiều nơi nhưng thấy nấm của tổ hợp tác chất lượng khá tốt, để ngăn mát tủ lạnh cả 10 ngày không hư, còn nấm ở chợ mua về để chỉ được vài ngày, ăn lại không ngon bằng”.

Trong các năm tiếp theo, tổ hợp tác dự tính tăng 30% sản lượng/năm thì mới đảm bảo được nguồn cung cho khách hàng. So với trồng rau màu khác thì mô hình tổ hợp tác trồng nấm hiệu quả hơn nhiều, tiết kiệm nước và không tốn nhiều nhân lực. Hơn nữa, tùy vào điều kiện tài chính của từng thành viên, có thể tận dụng tối đa các khoảng không gian và vật dụng trong nhà để trồng nấm. Giá đầu tư ban đầu cho mỗi hộ trong tổ hợp tác chỉ dao động từ 5 đến 30 triệu đồng. Vì vậy, đây là mô hình có thể linh động áp dụng cho các vùng biến đổi khí hậu, khô hạn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hỗ trợ nhau sản xuất, giải quyết lao động nhàn rỗi nhằm cải thiện thu nhập gia đình, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường. Mô hình tổ hợp tác này đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa đánh giá cao và là 1 trong 7 ý tưởng được khen tưởng tại vòng chung khảo "Ngày phụ nữ khởi nghiệp 2019"

baokhanhhoa

Video