Khởi đầu xu hướng tự may nội y tại Việt Nam

07/09/2021
Với Maya Bùi, nội y không đơn thuần chỉ là thứ phụ kiện thời trang nhỏ bé ẩn giấu bên trong cơ thể. Đó còn là món quà để người phụ nữ nâng niu bản thân, chăm chút và nuông chiều cơ thể mình.
Bùi Thị May – Giám đốc CT TNHN thương mại và dịch vụ Maya DIY

Maya Bùi hiện đang là admin của group "Hội đam mê may vá nội y cùng Maya", nơi quy tụ tới gần 24.000 thành viên đam mê may vá nội y trong và ngoài nước. Cô được nhiều chị em ưu ái gọi là "cô giáo quốc dân" "bà trùm may vá nội y"…Thay vì mua sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng, những thành viên trong hội có thể tự may đo, thiết kế những bộ đồ lót theo đúng số đo và thế mạnh cơ thể của họ.

Maya Bùi đã trải qua một chặng hành trình dài để thỏa mãn đam mê của cô cũng như thay đổi những quan niệm về nội y

Để tạo ra một cộng đồng đặc biệt như thế là điều không hề đơn giản, Maya Bùi đã trải qua một chặng hành trình dài để thỏa mãn đam mê của cô cũng như thay đổi những quan niệm về nội y vốn đã có phần cũ kĩ và cổ hủ.

Bỏ thi Đại học vì quá mê kim chỉ

Maya Bùi tên thật là Bùi Thị May, sinh năm 1993 tại Thái Bình. Sinh ra trong một gia đình có mẹ và các dì đều làm nghề may, cô được tiếp xúc với kim chỉ, vải vóc từ khi còn rất nhỏ: "Nhiều lúc tôi nghĩ dường như cái tên đã quyết định số phận của mình. Tôi như được nghe tiếng máy may từ khi còn trong bụng mẹ. Lúc chào đời và khôn lớn, dáng mẹ ngồi may, cắt áo, khâu quần đều vô cùng quen thuộc với tôi. Ngày xưa mẹ cũng dạy may cho nhiều người tại nhà, tôi cứ lân la học lỏm rồi tập may vá. Cấp 1 tôi đã biết sửa đồ, cấp 2 đã may vá thành thạo 1 số đồ quần áo phụ mẹ. Ngày đó việc nhận đồ của các bạn về sửa như cắt gấu, thay khóa quần hay vá quần áo cũng giúp tôi kiếm chút tiền nho nhỏ".

Một trong những sản phẩm của Maya DIY

Tình yêu may vá ấy được nuôi lớn dần theo thời gian cho đến khi học hết THPT, đến ngày các bạn lên đường đi thi Đại học cũng là ngày cô xách balo vào Nam lập nghiệp: "Từ cấp 2, tôi đã kiếm được tiền nhờ may vá. Khi ấy tôi tự hỏi liệu tôi có nên mất 4 năm vào Đại học và mình sẽ làm được gì? Nghĩ thế nên tôi quyết định không đi thi dù đã nộp đơn vào trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội. Tôi muốn đi làm thực tế luôn, va chạm với công việc để biết thế mạnh của mình là gì và sau đó tự phát triển thế mạnh đó".

Con đường lập nghiệp sau đó không dễ dàng như những gì cô gái 18 tuổi mơ mộng: "Những ngày đầu đi làm, có lúc may sai nhiều, bị hỏng đồ và phải làm lại tới lui làm tôi áp lực vô cùng. Đi làm không có ngày nghỉ, không có bạn bè lại xa nhà, nhiều lúc tôi tủi thân gọi điện về nức nở với bố mẹ. Lúc đó, tôi nhớ mãi một câu bố nói " Khó khăn quá thì về quê ở với bố mẹ, tao ăn cơm mày ăn cơm, tao ăn cháo mày ăn cháo…". Câu nói đấy bỗng dưng thức tỉnh tôi, không phải tỉnh để bò về nhà mà là tỉnh để nhận ra rằng mình đã đủ lớn khôn để tự lập, để chịu trách nhiệm về những gì mình làm".

Maya Bùi quyết tâm khẳng định bản thân bằng cách cố bám trụ nơi thành phố và tiếp tục nỗ lực làm việc. Tần suất làm việc của cô từ sau đó vô cùng dày đặc. Ban ngày cô đi làm ở xưởng may, chiều tối lại về vội vàng đi học thêm, đêm về lại tiếp tục ôm máy khâu may vá, rèn luyện đến 2-3h sáng. Cứ may hỏng thì quyết tâm tháo chỉ ra may lại, nhất định không làm ẩu, mẫu càng khó thì càng phải làm nhiều.

Trở thành người đi tiên phong trong lĩnh vực tự may nội y

Năm 2017, Maya Bùi kết hôn và chuyển khẩu ra Hà Nội sinh sống cùng chồng. Anh là một Tiến sĩ làm việc trong lĩnh vực hóa học. Trong suốt khoảng thời gian từ khi quen nhau đến giờ, anh là người động viên Maya cố gắng và luôn ủng hộ mọi quyết định của cô. Anh luôn hỗ trợ cô hết mình từ các việc nhỏ trong gia đình để cô có thể tập trung phát triển sự nghiệp và giới thiệu cho cô những khách hàng đầu tiên tại Hà Nội, chính là những đồng nghiệp nữ tại nơi anh làm việc.

Cô đã trải qua giai đoạn cứ may hỏng thì tháo chỉ ra may lại, nhất định không làm ẩu, mẫu càng khó thì càng phải làm nhiều

Tuy công việc làm về mảng thời trang nữ đang rất tốt, nhưng có một cái khiến bản thân cô luôn lăn tăn đó chính là đồ nội y. Cô là người có vóc dáng nhỏ nhắn lại hay gặp vấn đề vì cơ địa dị ứng, nhiều khi mua nội y để mặc vừa và thoải mái cũng rất khó. Lúc đấy cô chợt nghĩ rằng tại sao quần áo mình có thể may được còn nội y thì không? Thế là từ lúc đó cô bắt đầu sự nghiệp may vá nội y.

Khoảng thời gian đầu đi tìm nguyên liệu vô cùng khó khăn vì ngày đó may nội y chưa phổ biến. Đi đến các chợ tìm nguyên liệu và các trung tâm thương mại để so sánh mẫu mã, kiểu dáng đến nhẵn cả mặt. May thử nghiệm và hỏng biết bao nhiêu cái mới được 1 mẫu ưng ý, mất bao nhiêu thời gian mày mò và tìm hiểu kiến thức trong sách vở tham khảo.

Lúc này, cô nhận ra tình yêu dành cho nội y và thực sự chìm đắm vào thế giới này: "Trong khi ở Việt Nam, đồ lót vẫn còn là thứ tế nhị, ít khi được nhắc tới thì tại các nước phát triển, nội y có vai trò vô cùng quan trọng trong tủ đồ của một người phụ nữ. Đó là thứ đầu tiên bạn mặc vào người, cũng là thứ cuối cùng bạn cởi bỏ, bởi vậy nó cần đầy đủ sự thoải mái, tinh tế và vừa vặn. Cộng đồng may vá nội y ở nước ngoài đã có từ rất lâu rồi mà nước mình thì vẫn còn quá xa lạ. Bởi vậy, tôi muốn là người tạo nên một cộng đồng tự thiết kế và may nội y tại Việt Nam và truyền cảm hứng cho nhiều chị em biết tới may vá nội y" – Maya chia sẻ.

Có kinh nghiệm và thế mạnh về kỹ thuật làm đồ thời trang nhiều năm, đến khi làm về nội y thì cô đã phát triển rất nhanh và khách hàng nhanh chóng giới thiệu nhau vào đặt đồ. Sau đó 1 thời gian thì có nhiều chị em biết tới và xin học may nội y.

Từ năm 2019 tới nay, Maya Bùi đã hướng dẫn, hỗ trợ cho rất nhiều chị em phụ nữ yêu thích may vá nội y

"Sự đón nhận nhanh chóng của chị em phụ nữ ở khắp mọi miền khiến chính bản thân tôi cũng bất ngờ. Ban đầu, tôi định mở một thương hiệu nội y thiết kế nhưng sau khi lập một group nhỏ và kênh youtube Maya DIY để chia sẻ kinh nghiệm may vá nội y cho nhiều chị em, tôi nhận ra nhu cầu các chị em muốn học quá lớn nên quyết định mở lớp dạy may nội y. Từ đó tôi tập trung vào dạy học và nghiên cứu các mẫu mã mới chứ không kinh doanh nội y nữa, tôi nghĩ rằng có khách lẻ hay các đơn hàng lớn nhỏ tôi sẽ giới thiệu cho các chị em học viên để có thêm thu nhập từ việc may vá. Trước đó, khoảng thời gian hơn 2 năm với vai trò là Giảng viên các môn "kỹ thuật may" và "thiết kế nội y cơ bản" tại Học viện thiết kế thời trang F.A.C.E Academy, tôi cũng đã quen và rất yêu thích công việc dạy học này".

Ở 29 tuổi, Maya quyết định lập công ty chuyên tư vấn và đào tạo may nội y đầu tiên tại Việt Nam với tên thương hiệu Maya DIY để giúp đỡ được nhiều chị em phụ nữ hơn. Cô chia sẻ: "Tôi biết tất cả mọi thứ mới chỉ đang bắt đầu, còn nhiều kiến thức phải học tập, còn rất nhiều khó khăn và thử thách ở phía trước. Thế nhưng tôi hạnh phúc khi được chia sẻ và lan tỏa niềm đam mê của mình cho những người phụ nữ khác và cùng họ tận hưởng đam mê ấy. Tôi tin, nội y tự thiết kế rồi sẽ trở thành xu hướng tất yếu trong lĩnh vực thời trang may mặc".

Từ năm 2019 tới nay, Maya Bùi đã hướng dẫn, hỗ trợ cho rất nhiều chị em phụ nữ yêu thích may vá nội y. Nhờ có cô, nhiều chị em đã giải quyết được nỗi lo khi bị dị ứng với đồ lót, đồ lót không vừa vặn, phù hợp với vóc dáng cơ thể, đặc biệt các chị em sau sinh hoặc qua phẫu thuật vòng một. Không chỉ thế, nhiều học viên sau khi tham gia khóa học đã trở thành bà chủ thương hiệu hoặc tiệm may nội y thiết kế, những mẹ bỉm sữa cũng đã có những khách hàng cho riêng mình.

PNVN

Video