Khởi nghiệp len móc ở nơi không có mùa đông

28/08/2021
Lê Thanh Ái Nhi sở hữu một ý tưởng khởi nghiệp độc đáo: Kinh doanh các sản phẩm bắt nguồn từ chất liệu len tại vùng đất Tây Đô - nơi không bao giờ có mùa đông.
Khách đến cửa hàng tìm mua những món đồ yêu thích.

Cơ duyên bất ngờ

Trong lễ tuyên dương khen thưởng “Ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tiêu biểu” năm 2020 do UBND thành phố Cần Thơ tổ chức, khi cái tên Lê Thanh Ái Nhi được xướng lên đã gây nhiều ấn tượng cho người tham dự. Ấn tượng đến từ một cô gái bé nhỏ nhưng ý chí lớn. Cô gái sinh năm 1990 chính thức bén duyên với sợi len năm 2013, khi vô tình xem được một đoạn clip trên mạng hướng dẫn móc len. Tình yêu với những sợi len nhiều màu như được thổi bùng lên, cộng với đôi bàn tay khéo léo, Ái Nhi chính thức “liều mạng” khởi nghiệp cùng sản phẩm handmade móc len đầu tiên với số tiền vỏn vẹn 1 triệu đồng.

Ái Nhi chia sẻ: Những ngày đầu khởi nghiệp, như bao người trẻ khác, khó khăn chồng chất khó khăn. Một mặt, bản thân mới chỉ biết làm những sản phẩm đơn giản, chủ yếu là quần áo, nón, giày trẻ em; mặt khác, chưa ai biết đến mình trong thế giới đồ handmade. Tuy nhiên, với lợi thế rành về internet, Ái Nhi đã tập trung kinh doanh trực tuyến bằng xây dựng fanpage, trang cá nhân riêng với thông tin cập nhật về sản phẩm hằng ngày. Khi mảng trực tuyến thuận lợi cũng là lúc người tiêu dùng lần lượt tìm đến với chị. Năm 2015, chị mở cửa hàng nhỏ đầu tiên tại đường 30/4 (TP Cần Thơ) với tên gọi “Len Thỏ”, sau 2 năm, sản phẩm của chị làm ra đã phong phú hơn, cập nhật xu hướng mới phù hợp thị hiếu của khách hàng.

Một số sản phẩm độc đáo tại cửa hàng Len Thỏ

Khi được hỏi “bí quyết” nào để chị liên tục phát triển sản phẩm tưởng như rất khó tiêu thụ này, Ái Nhi chia sẻ: Bí quyết duy nhất của bản thân là đam mê với nghề. Bắt tay vào làm một sản phẩm, chị luôn hình dung đến khuôn mặt hạnh phúc, sự hài lòng của khách hàng khi nhận được món đồ, từ đó dốc hết tâm sức vào từng mũi móc. Bên cạnh đó, Ái Nhi luôn ý thức đổi mới, không lặp lại chính mình. Chị tìm tòi học hỏi các sản phẩm độc đáo từ nhiều kênh khác nhau, đồng thời mở rộng loại hình sản phẩm.

Chắp cánh ước mơ

Tạo được thành công bước đầu nhưng mô hình khởi nghiệp của Ái Nhi còn gặp khó khăn về vốn, do vậy, năm 2018, Ái Nhi đã mạnh dạn tham gia Câu lạc bộ “Phụ nữ khởi sự kinh doanh” của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Thới Bình, quận Ninh Kiều. Tại đây, chị đã được hỗ trợ vay vốn 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, có điều kiện đầu tư thêm vào việc kinh doanh của mình.

Các bạn trẻ thích thú với sản phẩm Len Tho tại một cuộc triển lãm trưng bài sản phẩm.

Chị Nguyễn Hoài Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN phường Thới Bình cho biết, Hội biết đến Ái Nhi thông qua các sản phẩm thủ công đầy sáng tạo, ngoài việc giúp vay vốn từ khởi điểm 20 triệu đồng đến nay là 50 triệu đồng, Hội còn đưa sản phẩm của Ái Nhi tham gia phiên chợ hàng Việt Nam chất lượng cao, triển lãm hàng thủ công… Qua mỗi lần tham dự giới thiệu sản phẩm, Hội thấy được sự yêu thích của khách hàng dành cho mặt hàng thủ công do “Len Thỏ” sản xuất. Có thể nói, Ái Nhi là một trong những tấm gương phụ nữ vươn lên khởi nghiệp thành công. “Nhi là nhân tố tài năng trẻ truyền lửa để niềm đam mê của các bạn trẻ muốn khởi nghiệp tự tin hơn, định hướng cho mình trong tương lai” - chị Hương nhấn mạnh.

Tại cửa hàng “Len Thỏ” ở địa chỉ 68/8/A1 đường Cách mạng Tháng 8, quận Ninh Kiều, bạn trẻ Thanh Trúc đang lựa chọn món quà lưu niệm để tặng bạn mình nhân dịp tốt nghiệp đại học. Thanh Trúc hồ hởi: Em đã chọn được sản phẩm là búp bê cử nhân, được đan bằng len rất sắc sảo và độc đáo. Em hy vọng món quà sẽ góp phần giúp ngày vui của bạn mình thêm trọn vẹn và ý nghĩa…

Trong mùa dịch Covid-19, việc kinh doanh trực tiếp tại cửa hàng gặp ít nhiều khó khăn. Do đó, Ái Nhi đã đẩy mạnh hình thức kinh doanh, đặt hàng trực tuyến. Ái Nhi cho biết, với ưu thế đây là mặt hàng không hư hao, hỏng hóc khi để lâu hay vận chuyển nên rất thuận lợi cho việc đặt và giao hàng online. Dù chịu ảnh hưởng chung trong đại dịch nhưng việc kinh doanh của “Len Thỏ” vẫn không đến mức khó khăn như một số ngành hàng khác.

Đồng vợ đồng chồng

Để có được thành công, bên cạnh sự nỗ lực của bản thân, Ái Nhi còn có “cộng sự” hết sức tin cậy là ông xã của mình. Hiện nay, cả hai vợ chồng Ái Nhi đều theo đuổi sự nghiệp kinh doanh len handmade. Hai vợ chồng không ngừng tìm tòi, học hỏi để nâng cao tay nghề, chất lượng sản phẩm, nghiên cứu và cho ra mắt nhiều mẫu độc đáo từ len sợi, như: túi xách thời trang, túi đựng bình giữ nhiệt, búp bê, áo dài, giày dép,… Trong đó, phải kể đến sản phẩm túi ly giữ nhiệt độc quyền của “Len Thỏ” - một trong những sản phẩm được khách hàng trong và ngoài nước yêu thích nhất, đã được đặt hàng hơn 200 mẫu.

Vợ chồng Ái Nhi đồng lòng tạo nên thương hiệu Len Thỏ.

Tiếp tục sáng tạo, đầu năm 2020, Ái Nhi còn cho ra thị trường sản phẩm búp bê công an Việt Nam và búp bê mang hình ảnh những nhân vật cải lương. Sản phẩm này nhận được nhiều đơn đặt hàng, nhất là làm quà tặng trong ngày cưới, phù hợp nhu cầu thị trường ngày một thay đổi.

Không chỉ khởi nghiệp làm giàu cho gia đình, Nhi còn hướng dẫn dạy nghề và tạo việc làm cho nhiều bạn trẻ thông qua những lớp dạy học online, trực tiếp từ cơ bản đến nâng cao. Những bạn có tay nghề tương đối tốt, được Ái Nhi giao đơn hàng, tạo thêm thu nhập mỗi người từ 5 - 8 triệu đồng/tháng.

Ước mơ vươn ra biển lớn

Quá trình khởi nghiệp thành công của Lê Thanh Ái Nhi là minh chứng cho con đường hiện thực hóa ước mơ khởi nghiệp, khẳng định vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Song song đó là trách nhiệm của người trẻ với xã hội, thông qua những hoạt động hỗ trợ đội, nhóm, người lao động khác cùng có công việc và thu nhập ổn định như mình…

Theo bà Lê Thị Thúy Hằng, Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố Cần Thơ: Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khởi nghiệp luôn được Hội xác định là nhiệm vụ ưu tiên. Hội viên Lê Thanh Ái Nhi đã tiếp cận và sử dụng vốn vay một cách hiệu quả, nhiều sản phẩm còn được xách tay sang các nước như: Hàn Quốc, Nga, Úc, Mỹ, Đài Loan… góp phần cùng thành phố thực hiện thành công Đề án 939 về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”; đồng thời, khuyến khích mạnh mẽ chị em ở các cấp hội cơ sở tự tin, dám nghĩ, dám làm, ý tưởng dù nhỏ hay lớn đều đáng quý. “Trong thời gian tới, Hội sẽ tập trung hỗ trợ, đẩy mạnh các mô hình, hỗ trợ hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp cho chị em, nâng cao năng lực khởi nghiệp. Đây là định hướng chính để chúng tôi tập trung hỗ trợ cho phụ nữ trên địa bàn thành phố” - bà Thúy Hằng nói.

Từ dự án 1 triệu đồng khởi nghiệp năm 2013, sau gần 8 năm, Lê Thanh Ái Nhi đã có thương hiệu riêng “Len Thỏ”, với doanh thu trung bình hằng tháng trên dưới 10 triệu đồng và giải quyết việc làm cho 5 - 6 lao động phụ nữ địa phương. Niềm đam mê sáng tạo cùng cách tiếp cận công nghệ 4.0 thông minh, chắc rằng, mô hình đan móc len thủ công của Lê Thanh Ái Nhi sẽ tiếp tục phát triển, xây dựng được thương hiệu riêng trên thị trường handmade nhiều tiềm năng tại Việt Nam./.

Chia sẻ về hướng hoạt động kinh doanh trong thời gian tới, Lê Thanh Ái Nhi cho biết: “Mình sẽ làm cái gì đó đặc sắc nhất, cái gì ít người làm được nhất. Đó là tôn chỉ và định hướng phát triển của “Len Thỏ”. Mình mong muốn năm 2022 sẽ có một showroom ở Cần Thơ, Nhi muốn khẳng định rằng, Cần Thơ không có mùa đông vẫn có một showroom kinh doanh các sản phẩm từ len rất tốt”.

 

baophapluat.vn

Video