Kiên Giang: Trồng lung tung, kiếm bộn tiền

04/08/2021
Về lại khu phố mang tên nữ anh hùng ở huyện Giồng Riềng, Kiên Giang, nhiều người thực sự ngỡ ngàng nhờ mô hình trồng nhiều loại cây, nuôi nhiều loại con. Đời sống của bà con ngày thêm khấm khá nhờ những những mô hình sản xuất đa cây đa con.
Ông Đoàn Văn Công (giữa) – Bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố Hồng Hạnh, thị trấn Giồng Riềng (huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) thăm mô hình trồng quýt tiều đặc sản của gia đình chị Lê Kim Phương

Thu nhập khỏe nhờ vườn "trồng lung tung"

Khu phố Hồng Hạnh (thị trấn Giồng Riềng, huyện Giồng Riềng, Kiên Giang) ngày nay đã nhiều đổi mới, thay da đổi thịt từng ngày với những ruộng lúa chín vàng, vườn cây ăn trái trái trĩu quả, những con đường bê tông chạy dài, nhà tường mọc lên khang trang.

"Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm", nhưng với phụ nữ khu phố Hồng Hạnh thì họ không chỉ giỏi quán xuyến gia đình mà còn chịu khó cùng chồng làm kinh tế. Chị Lê Kim Phương còn là một trong những điển hình làm kinh tế giỏi.

Hơn 3 năm nay, mảnh vườn 2.000m2 với 250 gốc quýt tiều đặc sản của gia đình chị Phương cho lợi nhuận bình quân 40-50 triệu đồng/năm. "Tôi ở gần chợ thị trấn, chịu khó bán lẻ quýt đặc sản nên được giá 50.000-60.000 đồng/kg. Hôm nào hái quýt nhiều thì tôi bán cho mối với giá 30.000-40.000 ngàn đồng/kg. Quýt 15 ngày đầu thu hoạch từ 500-700kg/lần", chị Phương cho hay.

Vợ chồng chị Phương sử dụng phân chuồng hoai mục để bón cho cây quýt là chủ yếu. Nhờ vậy, chi phí đầu tư cho vườn rất thấp, quýt cho trái quanh năm lại có vị ngọt thanh. Ngoài quýt, chị Phương còn trồng 100 gốc ổi lê, ổi nữ hoàng cũng đang kỳ cho thu hoạch trái. Tận dụng đất trống trong vườn, chị Phương còn trồng thêm 50 gốc sầu riêng.

Theo ông Đoàn Văn Công - Bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố Hồng Hạnh, trước đây người dân khu phố còn nghèo, hầu hết do thiếu vốn, kiến kiến thức kỹ thuật, kinh nghiệm làm ăn. Để gỡ cái khó này, chi bộ, các đoàn thể một mặt vận động người dân tự lực vươn lên, mặt khác đề nghị ngân hàng hỗ trợ vốn sản xuất, kinh doanh, xây dựng, sửa chữa nhà ở, công trình vệ sinh, với tổng số vốn vay hơn 411 triệu đồng. Nhờ vậy, đến năm 2020, khu phố chỉ còn 4 hộ nghèo, chiếm 1,63%, giảm 13 hộ so năm 2015.

Mô hình đa cây đa con-hiệu quả kinh tế cao, phân tán rủi ro

Nhờ sự đồng hành của ông Công, chúng tôi dễ dàng tìm gặp nhà anh Danh Kiệt (dân tộc Kh'mer), một "địa chỉ" cung cấp con giống ốc bươu tại khu phố Hồng Hạnh. Đưa chúng tôi tham quan bể ương ốc bươu giống được anh tận dụng từ chuồng nuôi heo bỏ hoang, anh Kiệt nói: "Ốc bươu đẻ trứng nhiều vào mùa nắng. Hiện trứng ốc bươu tôi bán cho bà con đem về tự ấp có giá 1 triệu đồng/kg nhưng không có đủ để bán". Mát tay với nghề nuôi ốc  bươu sinh sản, anh Kiệt không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm nuôi ốc bươu với những bà con đến học hỏi.

Theo anh Kiệt, ốc bươu đẻ quanh năm. Sau khi trứng nở, ốc bươu con vỏ cứng dần và tự bò xuống nước kiếm các chất hữu cơ phân hủy trong nước để ăn và lớn dần. Để tỷ lệ ốc con nở đạt cao hơn, anh thu trứng ốc đẻ ngoài ao để vào thùng xốp ấp, tạo độ ẩm thích hợp giống như bên ngoài thiên nhiên và thành công khi cho trứng ốc nở theo ý muốn. Anh Kiệt chia sẻ: "Để ốc bươu con sinh trưởng tốt đòi hỏi nguồn nước cấp vào ao phải nuôi phải được khử khuẩn, nhằm tránh các loài sinh vật gây hại cho ốc. Ốc bươu đẻ trứng trên bờ nên khi trứng vừa cứng vỏ là nhặt vô liền để tránh kiến hoặc chuột ăn".

Sở hữu 1,5 công đất ruộng nhưng cứ thiếu trước hụt sau vì ruộng gần vườn tạp, chuột cắn phá lúa liên tục. Quyết tâm cải thiện kinh tế gia đình, anh Kiệt chuyển đổi đất ruộng, lập vườn trồng xoài và cà na Thái, dưới mương anh thả ốc bươu đặc sản nhằm lấy ngắn nuôi dài.

Men theo con đường bê tông nằm dọc theo kênh Ba Tường, chúng tôi nhận ra khu phố Hồng Hạnh khác nhiều so với 5 năm trước. Nhà tường mọc lên san sát, hàng rào cây xanh, bê tông được đầu tư kiên cố, những trụ đèn thắp sáng đường quê được dân xây dựng đồng bộ phần nào nói lên sự sung túc của đời sống người dân nơi đây. Những vườn trầu xanh là nguồn thu nhập chính của bà con vẫn xanh mướt như ngày nào, nhưng khác hơn trước bởi cạnh đó có thêm những liếp rau màu, nhưng vèo nuôi trồng thủy sản.

Có thể nói, chủ trương khuyến khích người dân đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi của cấp ủy, chính quyền khu phố Hồng Hạnh đã mở ra hướng đi mới để dân thêm cơ hội vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

hoinongdan

Video