Kinh tế số - Đòn bẩy giúp phụ nữ mở rộng cơ hội sản xuất kinh doanh

15/10/2021
Trong khuôn khổ chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 91 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam, Ngày Phụ nữ khởi nghiệp 2021, diễn đàn “Chuyển đổi số - Cơ hội và thách thức của phụ nữ trong khởi nghiệp, kinh doanh” đã diễn ra vào sáng 15/10/2021 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại Hà Nội và 24 điểm cầu trên cả nước.
Toàn cảnh diễn đàn tại điểm cầu Hà Nội

Tham dự diễn đàn có các Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo, Nguyễn Thị Minh Hương; đại diện các bộ, ngành, tổ chức; các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử, phát triển công nghệ số, nhà quản lý; doanh nghiệp nữ; Hội LHPN các tỉnh, thành

Chuyển đổi số để phát triển kinh tế số quốc gia hiện nay đang được nhiều quốc gia trên thế giới đánh giá là xu thế tất yếu. Vì vậy, Đại hội XIII của Đảng cộng sản Việt Nam đã đề cao ý chí, khát vọng phát triển đất nước, trong đó, chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là một trong những biểu hiện cụ thể thể hiện ý chí, khát vọng phát triển đất nước đó.

Gần đây nhất, Chính phủ đã ban hành “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã xác định tầm nhìn đến năm 2030 thì Việt Nam trở thành một quốc gia số, ổn định và thịnh vượn, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện các hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn rộng khắp, nhằm thực hiện mực tiêu kép vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số vừa hình thành các doanh nghiệp số ở Việt Nam để đẩy kinh tế số chiếm trên 20% tỷ trọng GDP quốc gia vào năm 2025 và 30% vào năm 2030", năng suất lao động hàng năm đạt 7%, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành đạt 10% năm 2020; năng suất lao động hàng năm đạt 8%, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành đạt 20% năm 2030.

Hàng ngàn sản phẩm OCOP, an toàn của phụ nữ Thủ đô được giới thiệu với người tiêu dùng (nguồn ảnh PNVN)

Với tầm nhìn và mục tiêu trên Hội LHPN Việt Nam không đứng ngoài chương trình chuyển đổi số của Quốc gia. Với trên 50% số hộ kinh doanh và 26,5% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, thương mại điện tử, phụ nữ đóng góp quan trọng và trở thành một trong những cấu phần trọng yếu nhất của kinh tế số Việt Nam – một quốc gia với 70% dân số sử dụng internet. Để tạo điều kiện cho phụ nữ trong kỷ nguyên số, Chính phủ đã có những chiến lược, giải pháp để thu hẹp khoảng cách giới trong công nghệ số, được khẳng định tại Hội nghị Nữ nghị sỹ AIPA vào tháng 8/2021 với chủ đề "Thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong tương lai phục hồi sau đại dịch và việc làm thông qua kỹ thuật số và tài chính bao trùm".

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo đánh giá, thế giới đang trải qua những biến động nhanh chóng, sâu sắc chưa từng có, đặc biệt do những tác động của đại dịch Covid-19. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và quá trình chuyển đổi số trên toàn cầu đặt ra cả cơ hội và thách thức đối với các quốc gia. Tuy nhiên, tác động ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng được xem là chất men xúc tác cho chi em phụ nữ ứng dụng công nghệ số, để phát triển kinh tế số, là “đòn bẩy” giúp phụ nữ mở rộng cơ hội sản xuất kinh doanh, góp phần phục hồi kinh tế.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo phát biểu khai mạc Diễn đàn

Phó Chủ tịch hy vọng, với sự góp mặt và trao đổi của các chuyên gia hàng đầu, các nhà quản lý, tổ chức quốc tế tham gia Diễn đàn, Hội LHPN Việt Nam sẽ có được những gợi ý quý báu để các cấp Hội có thêm những hướng đi mới trong đổi mới phương thức hoạt động của tổ chức Hội nói chung; cụ thể là định hướng, xác định được các giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy hoạt động hỗ trợ phụ nữ ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử trong phát triển sản xuất kinh doanh, khởi nghiệp cho chi em ở địa phương mình và chủ động tham gia vào chuyển đổi số của từng địa phương, góp phần phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương; nhằm thúc đẩy các giải pháp rút ngắn khoảng cách giới trong kinh tế nói chung và kinh tế số nói riêng. Đồng thời, giúp Hội LHPN các tỉnh/thành phố tiếp cận kịp thời với những vấn đề kiến thức mới để đủ sức định hướng phụ nữ đi đúng hướng thời đại chuyển đổi số.

Các diễn giả tham dự giao lưu, chia sẻ diễn đàn tại điểm cầu Hà Nội và TP Hồ Chí Minh 

 

Bà Trần Thị Phương Thảo – Giám đốc Hợp tác xã   Thái Minh - đơn vị có sản phẩm trà xanh đạt OCOP 4 sao; là một trong số 24 dự án vào vòng chung kết cấp toàn quốc cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2021 chia sẻ tại diễn đàn

 

Tại Diễn đàn, những vị khách mời là chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử, phát triển công nghệ số, nhà quản lý; doanh nghiệp nữ đã có thành công trong ứng dụng kinh tế số đã chia sẻ, cung cấp nhiều thông tin bổ ích, quý báu về vai trò của công nghệ số trong sản xuất kinh doanh và khởi nghiệp sáng tạo; thực trạng và khả năng tiếp cận, thích ứng với công nghệ số của doanh nghiệp nữ, hộ kinh doanh, phụ nữ khởi nghiệp trong sản xuất kinh doanh và khởi nghiệp hiện nay; Đồng thời phiên thảo luận với chủ đề “Ứng dụng công nghệ số trong khởi nghiệp, giới thiệu quảng bá tiêu thụ sản phẩm” cũng đã giúp phụ nữ có thêm thông tin, kiến thức, kinh nghiệm để tự tin, mạnh dạn tham gia vào “dòng chảy” chuyển đổi số; tiếp tục phát huy tính năng động, sáng tạo, nhạy bén, chủ động nắm bắt cơ hội, chủ động thực hiện chuyển đổi số, tham gia giao dịch thương mại điện tử, tìm ra cơ hội từng bước phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hiện đại, bắt kịp sự phát triển của kinh tế đất nước và nền kinh tế số.

Video