Lai Châu: Chị Xuân làm kinh tế từ nông nghiệp

22/12/2019
Chị Nguyễn Thị Xuân (bản Sùng Chô, xã Nậm Loỏng, thành phố Lai Châu) - hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nậm Loỏng nỗ lực phát triển kinh tế bằng mô hình chăn nuôi, trồng trọt tổng hợp. Trung bình mỗi năm gia đình chị thu về từ 100 - 120 triệu đồng.

Chị Xuân chuẩn bị các loại thức ăn cho gia súc, gia cầm và thuỷ sản.

Dáng người nhỏ nhắn, gương mặt đen sạm vì nắng mưa, chị Xuân dẫn chúng tôi thăm mô hình chăn nuôi, trồng trọt tổng hợp của gia đình. Được biết, cách đây hơn chục năm, chị từ quê hương Thái Bình lên Lai Châu làm trang trại thuê cho người chú họ, sau đó một năm tách ra làm riêng. Khi mới làm trang trại, được anh em, họ hàng cho mượn đất để tìm hướng phát triển phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình, chị Xuân tham khảo trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt từ kinh nghiệm của người thân và vay vốn từ người thân đầu tư mua lợn sinh sản về nuôi.

Chị Xuân chia sẻ: “Ban đầu từ một con lợn giống sinh sản tôi nuôi lợn nái, sau đó từ tiền bán lợn con đầu tư nuôi thêm ngan, gà, vịt... Để đảm bảo nguồn thức ăn tôi mở đại lý bán các loại thức ăn cho gia súc, gia cầm và thuỷ sản của Công ty Cổ phần Tập đoàn Rtd Hưng Yên để tăng thu nhập cho gia đình”.

Đặc biệt, thời gian qua bệnh dịch tả lợn Châu Phi bùng phát ở các địa phương trong tỉnh, nhưng đàn lợn của gia đình chị Xuân không bị dịch bệnh, phát triển tốt do làm tốt phòng, trừ dịch bệnh; giữ gìn vệ sinh chuồng trại đúng cách. Để phòng trừ dịch bệnh cho đàn lợn và gia cầm, trung bình 1 tháng chị Xuân rắc vôi khử trùng 1 - 2 lần; rửa chuồng trại thường xuyên 1 - 2 lần/ngày; mặc quần áo lao động, đi ủng tránh để đồ dùng, quần áo đã mặc ra ngoài và sử dụng trong khu vực chuồng trại; tích cực theo dõi chăm sóc đàn lợn để tiêm phòng bệnh khi cần thiết. Nhờ đó, đàn lợn không bị mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi hay các loại bệnh dịch khác; gà, vịt, ngan phát triển tốt. Lợn và gia cầm của gia đình chị được các thương lái chọn mua với giá thành ổn định và lâu dài. Ngoài ra, chị trồng thêm gần 100 gốc chuối, hơn 1.000m2 đất trồng các loại rau như: cải; su su; rau muống... và bán phân chuồng cho người dân có nhu cầu mua về trồng rau hoặc làm phân sinh học.

Từ đầu năm đến nay, gia đình chị đã bán 3 lứa lợn, khoảng 50 con; trên 100 con gà, vịt, ngan... thu về trên 100 triệu đồng. Hiện, gia đình chị Xuân duy trì nuôi trung bình 30 con lợn thịt, 3 con lợn sinh sản; hơn 400 con gà, vịt, ngan; từ mô hình chăn nuôi, trồng trọt tổng hợp, mỗi năm thu lãi trên 150 triệu đồng. Với số tiền đó, chị đầu tư chuồng trại kiên cố; mua con giống tái đàn; có tiền mua thêm đất trồng trọt, chăn nuôi, nâng tổng diện tích đất từ 1.000m2 lên 3.000m2; có tiền nuôi 2 con học đại học.

Chị Sùng Thị Dính - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nậm Loỏng cho biết: “Chị Xuân là một trong những tấm gương điển hình dám nghĩ, dám làm, có ý chí, nghị lực vươn lên. Đến nay, mô hình phát triển kinh tế của chị Xuân mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chị là hội viên phụ nữ tiêu biểu trong sản xuất, tham gia tốt công tác Hội, góp phần cùng với địa phương thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo, tăng hộ khá, giàu”.

 

baolaichau

Video