Lâm Đồng: Chị Nai Đơn mạnh dạn chuyển đổi cây trồng cho năng suất cao

06/07/2021
10 năm trước, khi mà nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số khác vẫn còn loay hoay với cây lúa một vụ kém hiệu quả thì chị Nai Đơn - hội viên chi hội phụ nữ thôn Mơ Lọn, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng đã mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng rau màu.
Chị Nai Đơn - gương phụ nữ dân tộc thiểu số vươn lên làm kinh tế giỏi

Trên diện tích 9000m2 đất, chị đã đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tiêu tự động để phục vụ sản xuất rau màu. Trong đó, một số diện tích được làm nhà lưới để trồng các loại rau như bắp cải, xà lách, cải thảo…, mỗi vụ chị đều luân canh cây trồng khác nhau để tránh sâu bệnh gây hại và thu được năng suất cao hơn, mỗi tháng từ trồng rau màu, thu nhập của chị Nai Đơn đạt trên 20 triệu đồng.

Chị Đơn cho biết, do quản lý bằng công nghệ nên đã giảm được rất nhiều thời gian và công sức chăm sóc (chỉ khoảng 15 ngày/tháng) nên chị có nhiều thời gian hỗ trợ hướng dẫn bà con quanh vùng cùng chuyển đổi cây trồng, tăng hiệu quả kinh tế, cùng nhau làm giàu. Từ công việc này cũng giúp chị có thêm thu nhập khoảng 4 triệu đồng/tháng.

Hiện nay, thị trấn Thạnh Mỹ có 11 chi hội phụ nữ với 1.390 hội viên, trong đó có hơn 165 hội viên, phụ nữ là đồng bào dân tộc thiểu số chuyển đổi trồng rau hiệu quả. Với sự tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương và Hội phụ nữ, các chị em ngày càng thay đổi trong cách nghĩ, cách làm để nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế hộ gia đình.

Hiện nay, diện tích trồng rau màu hàng năm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số Đơn Dương là hơn 3 nghìn ha. Trong đó, có khoảng 1 nghìn ha được sử dụng để sản xuất trong nhà lưới, nhà kính, phủ bạt với hệ thống tưới phun tự động theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Chị Nai Đơn và nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn đã áp dụng cơ giới hóa trong các khâu sản xuất nông nghiệp, để giảm bớt sức người và tăng hiệu quả sản xuất. Việc thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, nâng cao khả năng tiếp thu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp của nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện giúp giá trị sản xuất nông nghiệp ngày một tăng lên. Từ đó, đời sống vật chất, tinh thần của bà con cũng ngày càng khởi sắc hơn, có một cuộc sống ấm no và ổn định.

Chị Nai Đơn là tấm gương điển hình về tính cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, biết vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương; được mọi người trong thôn quý mến, tin yêu và là tấm gương tiêu biểu trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Bích Hồng

Video