Lâm Đồng: Làm giàu từ trái mắc ca nông sản cao nguyên

17/06/2021
Mạnh dạn khởi nghiệp với trái mắc ca, nông sản đặc biệt của cùng đất cao nguyên Di Linh (Lâm Đồng), chị Mai Thị Dược không chỉ tạo dựng được kinh tế gia đình bền vững mà còn mang lại giá trị kinh tế cho các hộ gia đình trồng cây mắc ca, góp phần quảng bá rộng rãi đặc sản địa phương.
Khởi nghiệp với trái mắc ca, chị Mai Thị Dược không chỉ tạo dựng được kinh tế gia đình mà còn góp phần quảng bá rộng rãi đặc sản địa phương

Đi lên từ gian khó

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Hải Hậu, tỉnh Nam Định, năm 1996, chị Mai Thị Dược lập gia đình và cùng người bạn đời lên đường vào mảnh đất cao nguyên Di Linh lập nghiệp. Ban đầu, chị làm kinh tế chăn nuôi và trồng thêm cây mắc ca.

Khởi đầu từ một cơ sở nhỏ, thương hiệu còn mới trong khi thị trường đã có vô số thương hiệu sản phẩm mắc ca nên chị Dược luôn đề cao việc sản xuất ra sản phẩm có chất lượng tốt, giá cả hợp lý để phục vụ người tiêu dùng

Năm 2007, gia đình chị Dược là một trong những hộ gia đình đầu tiên trồng cây mắc ca ở khu vực. Sau 10 năm cây mắc ca cho thu hoạch, nhưng sau khi thu hoạch thì lại không có thương lái thu mua, việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Bỏ nhiều công sức để vun trồng cây mắc ca, nhưng lại không mang lại hiệu quả kinh tế khiến chị Dược trăn trở.

Chị đã suy nghĩ tại sao vùng đất này đã trồng thành công loại cây được mệnh danh là "nữ hoàng của các loại hạt", nhưng lại không tìm cách đưa ra thị trường cho mọi người biết đến nhiều hơn? Nếu hạt mắc ca tiêu thụ được thì sẽ có lợi cho nông sản địa phương, mang lại giá trị kinh tế cho sản phẩm nông nghiệp, vừa tạo công ăn việc làm cho nhiều người, nhất là chị em phụ nữ có kinh tế khó khăn ở Di Linh. Chính vì vậy, chị Dược đã quyết tâm thực hiện hoài bão của mình với mắc ca.

Tuy nhiên, những dự tính ban đầu về đầu tư nhà xưởng, máy móc, nguồn nguyên liệu, thị trường tiêu thụ sản phẩm, gây dựng thương hiệu là một trong những vấn đề nan giải khi cơ sở sản xuất mắc ca Mai Thao mới thành lập. "Thời gian đầu khi kinh doanh tôi gặp khó khăn khi không nhận được sự đồng tình từ gia đình, khó khăn tiếp theo là về nguồn vốn và kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh. Đó là những yếu tố mà tôi phải tìm cách giải quyết", chị Dược chia sẻ.

Từ việc chỉ trồng mắc ca bán cho thương lái, chị Dược đã nghiên cứu quy trình sản xuất ra các sản phẩm mắc ca cũng như tìm hiểu về thị trường tiêu thụ. Với quyết tâm khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương, ban đầu chị mua lò nướng nhỏ, tuy nhiên sản phẩm không đạt chất lượng, mẻ thì cháy, mẻ bị vỡ gần hết, rồi những hạt nhìn ngoài rất đẹp nhưng bên trong bị đốm màu. Hàng gửi đi rồi còn bị khách trả lại. Những lần đó, may thì hòa vốn, còn không thì chịu lỗ, đã có lúc chị thấy nản nhưng rồi cũng rút ra được kinh nghiệm và bí quyết cho riêng mình. Cuối năm 2018, chị bắt tay vào tìm hiểu công nghệ kỹ thuật, thị trường tiêu thụ và mua máy móc chế biến mắc ca thêm lần nữa.

Quy trình chế biến hạt mắc ca không khó như nhiều loại hạt dinh dưỡng khác, nhưng lại đòi hỏi sự công phu trong từng công đoạn. Khi thu mua hạt về phải tiến hành phân loại để chọn hạt có độ đồng đều, sau đó cất trong kho lạnh để bảo quản rồi mới đem ra rang sấy.  Đến đầu năm 2019, lô sản phẩm mắc ca sấy mang thương hiệu mắc ca Mai Thao lần đầu tiên được tung ra thị trường.

Nâng cao giá trị nông sản cao nguyên

Khởi đầu từ một cơ sở nhỏ, thương hiệu còn mới trong khi thị trường đã có vô số thương hiệu sản phẩm mắc ca, nên chị Dược luôn đề cao việc sản xuất ra sản phẩm có chất lượng tốt, giá cả hợp lý để phục vụ người tiêu dùng. Sản phẩm mắc ca của cơ sở được sấy trong nhiệt độ 55 độ C, kéo dài trong 80 tiếng, nhờ đó, sản phẩm giữ nguyên được hàm lượng dinh dưỡng, chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn châu Âu.

Quy trình chế biến hạt mắc ca không khó như nhiều loại hạt dinh dưỡng khác nhưng lại đòi hỏi sự công phu trong từng công đoạn

Trong năm đầu tiên, chị Dược đã đi khắp các vùng miền để tìm kiếm thị trường cho mắc ca như Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh… và may mắn đã đến với chị khi Hội LHPN huyện Di Linh mời chị tham gia chương trình "Phụ nữ khởi nghiệp". Chị cũng được Hội phụ nữ tạo điều kiện để tham gia giới thiệu, trưng bày sản phẩm ở các chương trình, hội chợ trong và ngoài tỉnh.

Được sự hỗ trợ và cấp phép của các cơ quan chức năng, đầu tháng 11/2020, chị Dược đã mạnh dạn  thành lập Công ty TNHH Mắc ca Mai Thao và là "Điểm bán hàng Việt" duy nhất nằm trong khu vực huyện Di Linh. Ngoài việc sản xuất chế biến các sản phẩm từ hạt mắc ca thì "Điểm bán hàng Việt" của Công ty TNHH Mắc ca Mai Thao còn là nơi cung cấp và bán ra các đặc sản đặc trưng của các vùng miền khác trong cả nước như: Dừa sấy Bến Tre, trâu gác bếp Yên Bái, hồng treo gió, rau củ quả sấy Đà Lạt; rượu ca cao Đắk Lắk, trà mãng cầu Cần Thơ...

Với uy tín và kinh nghiệm đã tích lũy, Công ty Mai Thao đã cho ra đời các sản phẩm làm từ trái mắc ca như: Mắc ca sấy nguyên hạt đóng túi, đóng hũ, mắc ca tách nhân, dầu mắc ca, sữa mắc ca…được đóng gói đẹp mắt, hương vị thơm ngon, chất lượng tốt nhất đến quý khách hàng. Ngoài ra vỏ cứng mắc ca không làm ô nhiễm môi xung quanh mà còn có thể dùng làm phân bón cho cây trồng.

Hiện nay các sản phẩm mắc ca của công ty được quảng bá rộng rãi trên trang web của công ty, bán hàng trực tiếp tại cửa hàng, bán online qua facbook và zalo. Công ty nhận đơn hàng từ khách hàng theo thỏa thuận, giao hàng tận nhà nếu khách hàng yêu cầu.

"Mai Thao mong muốn mang đến cho quý khách hàng các sản phẩm tốt nhất, đảm bảo nhất khi không sử dụng chất bảo quản hay phụ gia trong sản phẩm. Công ty cũng cam kết sản phẩm sạch, tự nhiên, với giá trị dinh dưỡng cao, đảm bảo sức khỏe cho mọi người", chị Mai Thị Dược cho biết.

Với giá trị vốn có của mình, hạt mắc ca Mai Thao đã mang lại giá trị kinh tế cho các hộ gia đình tại địa phương, tạo công ăn việc làm ổn định cho bà con, góp phần quảng bá rộng rãi sản phẩm của địa phương ra khắp cả nước và trong tương lai là xuất khẩu ra nước ngoài.

pnvnnuocngoai.vn

Video