Làm giàu từ mô hình chăn nuôi

02/12/2021
- Hà Giang: Làm giàu từ chăn nuôi tổng hợp
- Đắc Lắc: Mô hình nuôi dê lai nhốt chuồng
Chị Triệu Mùi Ghến đang chăm sóc đàn gia súc

Hà Giang: Làm giàu từ chăn nuôi tổng hợp

Đó là tấm gương làm giàu từ phát triển chăn nuôi tổng hợp của chị Triệu Mùi Ghến, thôn Bản Khéc, xã Thượng Sơn, huyện Vị Xuyên.

Năm 2015, nhờ biết tận dụng thế mạnh của gia đình có diện tích vườn đồi rộng, chị Ghến đã bàn với gia đình đẩy mạnh trồng cỏ để phát triển chăn nuôi gia súc hàng hóa.

Sau khi phát triển trồng trên 1,0 ha cỏ voi, đến năm 2016, gia đình chị Ghến mua 4 con bê con và 10 con dê giống về nuôi. Vừa phát triển chăn nuôi, chị Ghến vừa tham gia học hổi kinh nghiệm về  vệ sinh chuồng trại và công tác tiêm phòng trừ dịch bệnh cho đàn gia súc qua các tài liệu kỹ thuật và qua kinh nghiệm chăn nuôi của các hộ gia đình đã thành công tại địa phương.

Do làm tốt các qui trình chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh nên đàn gia súc của gia đình chị Ghến phát triển tốt. Sau hơn 01 năm phát triển chăn nuôi bò và đàn dê, đến tháng 4/2017, chị bán 3 con bò và 4 con dê được gần 140 triệu đồng. Thấy chăn nuôi bò và dê có lãi, từ giữa năm 2017, chị Ghến tiếp tục mở rộng diện tích trồng cỏ và diện tích chuồng trại để phát triển nuôi thêm trâu, bò và đàn dê.

Ngoài phát triển chăn nuôi trâu, bò và đàn dê, từ cuối năm 2017, gia đình chị Ghến phát triển chăn nuôi thêm lợn, gà thả đồi và đào trên 1500 m2 mặt nước để nuôi thả cá.

Chị cho biết, mặc dù gia đình sống ở vùng có điều kiện tự nhiên khó khăn nhưng lại có điều kiện đồi núi rộng để phát triển chăn nuôi gia súc gắn với trồng cỏ. Nhờ có diện tích đồi núi rộng nên gia đình thường chăn nuôi gia súc theo hình thức bán chăn thả, tức là trong một tuần gia đình thường cho gia súc lên đồi kiếm thức ăn khoảng 2 – 3 ngày, còn lại là nhốt cho ăn trong chuồng. Chăn thả như vậy sẽ làm cho gia súc phát triển tốt, thích ứng với các điều kiện khí hậu của tự nhiên và giảm thiểu bệnh tật do gia súc được vận động. Bên cạnh đó, phải đảm bảo giữ cho chuồng trại gia súc thoáng mát vào mùa hè và kín gió để giữ ấm vào mùa đông. Khi chuẩn bị vào mùa đông phải có biện pháp chủ động dự trữ nguồn thức ăn cho gia súc, kể cả nguồn thức ăn thô xanh như rơm khô, cỏ ủ chua và thức ăn tinh như bột ngô, cám gạo…

Theo chị, để phát triển chăn nuôi gia súc thành công thì bà con phải không ngừng học hỏi các kiến thức về chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh qua cả sách báo hướng dẫn kỹ thuật và kinh nghiệm chăn nuôi của đồng bào tại địa phương. Riêng về kỹ thuật chăn nuôi gà thả đồi, chị Ghến sử dụng phân trâu, bò để nuôi giun quế làm nguồn thức ăn động vật bổ sung dinh dưỡng cho đàn gà. Chính vì vậy, gà thả đồi của gia đình chị lớn nhanh, có chất lượng thịt thơm ngon và bán được giá cao.

Khi được hỏi về thu nhập, chị Ghến cho biết: Từ năm 2019 đến nay, trong một năm gia đình thường xuất bán gia súc, gia cầm thành nhiều lứa sau đó mua thêm giống mới nuôi bổ sung. Bình quân thu nhập từ chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn, gà và cá mỗi năm vào khoảng trên 550 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí như giống, thức ăn, thuốc thú y chị còn lãi khoảng 300 triệu đồng mỗi năm. Ngoài phát triển chăn nuôi tổng hợp cho thu nhập cao, gia đình chị Ghến còn trồng trên 1,5 ha ngô ruộng và ngô nương, gieo cấy gần 1,0 ha lúa. Lượng lương thực thu được từ trồng trọt được chị Ghến dùng cho sinh hoạt gia đình và phục vụ cho phát triển chăn nuôi.

Anh Lý Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã cho biết: Gia đình chị Triệu Mùi Ghến là hộ có nguồn thu nhập cao từ phát triển chăn nuôi tổng hợp. Ngoài ra, chị còn tận tình giúp đỡ các hộ gia đình trong thôn Bản Khéc cùng phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Đắk Lắk: Mô hình nuôi dê lai nhốt chuồng

Những năm qua, nhiều hội viên trên địa bàn xã Ea H’Đing, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phát triển kinh tế gia đình. Mô hình chăn nuôi dê lai nhốt chuồng của chị Nguyễn Thị Bình ở buôn Drang là một điển hình.

Chị Bình (bên phải) đang giới thiệu mô hình nuôi dê của gia đình

Sau khi tìm hiểu những vật nuôi hiệu quả để phát triển kinh tế gia đình, nhận thấy việc nuôi dê có nhiều lợi ích, vừa có thể tận dụng được cây cỏ trong vườn làm thức ăn, vừa bán dê thịt và có phân dê làm nguồn phân bón cho cây trồng, chị Bình đã đầu tư làm chuồng và mua vài cặp dê về chăm sóc.

Thời gian đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng nên đàn dê của gia đình sinh trưởng và phát triển chậm, hay bị bệnh… Tuy nhiên, với đức tính cần cù, chịu khó chị đã tìm đến các hộ chăn nuôi dê để học hỏi kinh nghiệm. Đồng thời, tìm hiểu thêm kỹ thuật chăn nuôi dê qua sách, báo và các phương tiện thông tin đại chúng nên chỉ sau đợt nuôi đầu, chị đã từng bước nắm vững kỹ thuật chăm sóc, từ đó, đàn dê của gia đình lớn nhanh, không ngừng tăng về số lượng.

Hiện tại, chị Bình có 01 đàn dê với quy mô khá lên đến 30 con lớn nhỏ, trong đó có 14 con dê mẹ, chủ yếu là giống dê Boer và dê bách thảo. Khác với những hộ dân khác là nuôi theo phương thức bán chăn thả, chị nuôi dê nhốt chuồng hoàn toàn. Chuồng nuôi được chị làm công phu, sạch sẽ, đảm bảo ấm áp về mùa đông, thoáng mát về mùa hè. Ngoài việc tận dụng các loại lá cây có sẵn trong rẫy, vườn, chị còn dành khoảng 01 sào đất để trồng cỏ đảm bảo cung cấp nguồn thức ăn cho đàn dê.

Theo chị Bình, mỗi con dê cái sinh sản nếu chọn được giống tốt và chăm sóc đầy đủ thì sau 10 tháng là bắt đầu sinh sản, trung bình mỗi năm đẻ khoảng 02 lứa, mỗi lứa từ 02 đến 03 con. Dê con sau khi chăm sóc, đạt trọng lượng từ 20 đến 25 kg là có thể cho xuất chuồng, hay bán làm dê giống, với giá bán giao động từ 70.000 đến 100.000 đồng/kg, đặc biệt có những thời điểm lên đến 140.000 đồng/kg hơi. Với mức giá trên thị trường như hiện nay, bình quân mỗi con dê gia đình cũng thu được 2,5 triệu đồng, sau khi trừ hết chi phí đầu tư vẫn mang lại nguồn thu nhập khoảng 60 triệu đồng cho gia đình. Không những thế, chị cũng có được nguồn thu nhập đáng kể từ nguồn phân dê…

Lấy bó lá keo vừa cắt cho đàn dê ăn, chị Bình cho biết, dê là loài động vật ăn tạp, dễ nuôi không khó như nuôi các con vật khác, giống Boer, dê bách thảo có sức đề kháng cao, ít bệnh và có tầm vóc to hơn rất nhiều so với giống dê cỏ ở địa phương. Để nuôi dê đạt hiệu quả cao và bền vững, người chăn nuôi cần phải nắm được các đặc tính của loài dê để phòng ngừa dịch bệnh, chuồng nuôi phải thông thoáng, sạch sẽ, tránh ánh nắng, sàn chuồng làm bằng gỗ cách mặt đất khoảng 1m vì loài dê không ưa độ ẩm cao.

Đặc biệt, nuôi dê chi phí đầu tư không nhiều, thời gian sinh trưởng và phát triển nhanh nên hiệu quả mang lại cao, người nuôi nhanh thu hồi được vốn đầu tư.

hoinongdan

Video