Lan tỏa đặc sản ngon, sạch của Cao Bằng

19/07/2022
Lựa chọn các món đặc sản của quê hương Cao Bằng để khởi nghiệp kinh doanh, chị Chu Thanh Tú đã tìm cho mình cơ hội phát triển và thực hiện mục tiêu mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm ngon, sạch, có lợi cho sức khỏe, quảng bá giá trị sản phẩm nông nghiệp vùng miền.
Chị Chu Thanh Tú - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp 3 sạch Hưng Đạo Cao Bằng

Sinh ra tại Hà Nội và lớn lên ở Thái Nguyên, chị Chu Thanh Tú lại bén duyên với đất Cao Bằng. Chia sẻ về "cuộc hành trình" này, Chu Thanh Tú cho rằng, có lẽ Cao Bằng là điểm đến định mệnh của chị.

Tốt nghiệp ngành Kế toán, Học viện Tài chính, Tú trở về Cao Bằng bởi yêu quê hương, yêu sự chất phác, vất vả của người nông dân bản địa và muốn làm giàu trên chính mảnh đất nhiều "đặc sản" này.

Chị Tú chia sẻ: "Cao Bằng có nhiều sản phẩm ngon, sạch do chính bàn tay của người dân bản địa làm ra mà bị hạn chế đầu ra, không phổ biến đến người tiêu dùng. Trong khi đó, nông dân còn nhiều khó khăn, mới chỉ tập chung kiếm sống bằng nông nghiệp mà chưa nghĩ đến làm giàu. Vì thế, tôi mong muốn phát huy giá trị sản phẩm bản địa, tạo cơ hội cho những người dân nơi đây phát triển kinh tế".

Nung nấu ý định làm kinh tế từ sản phẩm bản địa, chị Tú nghiên cứu và nhận thấy Cao Bằng có nguồn nông sản được thiên nhiên ưu đãi như miến dong, thạch đen, nấm hương rừng, đỗ, lạc… mang hương vị đặc trưng mà chẳng nơi nào có được.

Tuy nhiên, địa hình nơi đây cũng rất khó khăn, đường xá xa xôi, gập ghềnh đồi núi, giao thông không thuận tiện nên lúc cung ứng sản phẩm sẽ gặp khó khăn. Trước tình hình ấy, chị Tú vẫn quyết tâm tìm hướng đi cho sản phẩm nông nghiệp Cao Bằng.

"Chất" Cao Bằng thấm đẫm trong mỗi sản phẩm, khiến người tiêu dùng yêu phẩm nông nghiệp sạch tin tưởng và ủng hộ

Chị mạnh dạn thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp 3 sạch Hưng Đạo Cao Bằng để khởi nghiệp. Khi bắt tay vào việc, khó khăn lại chồng chất khó khăn bởi nguồn nguyên liệu chuẩn khan hiếm do bà con chỉ trồng nông nghiệp để giải quyết bữa ăn hàng ngày mà chưa sản xuất đại trà. Chính vì vậy, chị đi từ bước đầu tiên là cấp giống cây trồng cho bà con.

Thời tiết vùng cao vốn khắc nghiệt, lúc thì mưa kéo dài, sản phẩm thu hoạch về không phơi được, khiến cho hàng bị hỏng, mì, miến, đỗ, lạc không có nắng, đóng túi chuyển đi bị mọt, mốc, phải trả về, hủy bỏ. Cùng với đó, hàng nông sản vẫn sản xuất theo cách truyền thống và thô sơ…

Không nản lòng, chị Tú vẫn sát cánh cùng bà con nông dân trên từng mảnh ruộng. Có những hôm mày mò ngoài đồng cùng bà con, dầm mưa cả ngày, trượt chân ngã. Có những lúc máy móc hỏng không kịp tìm thợ sửa, phải chờ đợi trong lo âu. Rồi những ngày chi phí sản xuất tăng cao, hàng lại không tăng giá khiến cho nợ đọng càng nhiều. Cùng với đó là những khó khăn do cây giống thuần chủng cho năng suất thấp, chi không đủ bù chi. Giao thông bất cập nhiều khi đợi cả ngày mà vẫn lỡ xe, hàng bị hỏng phải đổ đi… Khó khăn chồng chất khó khăn, vốn vay ngân hàng mỗi lúc một nhiều.

Thế nhưng chị Tú vẫn quyết tâm vượt qua hết khó khăn, đưa Hợp tác xã vươn lên từ lỗ đến có lãi ít, từ lãi ít đến lãi nhiều. Sản phẩm ngày càng đa dạng, chất lượng, có sức lan tỏa lớn. Những sản phẩm như miến phia đén Nguyên Bình, miến dong đỏ, bún gạo lứt huyết rồng, nấm hương rừng, nấm hương khô, mộc nhĩ, măng khô, gạo các loại... mang đậm hương vị Cao Bằng cứ ùn ùn ra lò được người tiêu dùng đón nhận.

Chị Tú khẳng định, để có sức lan tỏa như ngày hôm nay, chị đã kiên định với chủ trương kích cầu hàng tiêu dùng chất lượng, không để sản phẩm biến tướng theo hình thức thương mại quá đà. Chính vì vậy, "chất" Cao Bằng vẫn thấm đẫm trong mỗi sản phẩm, khiến người tiêu dùng yêu phẩm nông nghiệp sạch tin tưởng và ủng hộ.

Để phát triển rộng rãi sản phẩm trên thị trường, ngoài hình thức bán hàng trực tiếp, chị Tú nhanh chóng tiếp cận với phương thức kinh doanh công nghệ số, kết nối sản phẩm theo nhiều kênh mạng xã hội và sàn thương mại điện tử. Chị cho biết, trong thời gian tới chị sẽ mở rộng thị trường và đa dạng sản phẩm, đảm bảo chất lượng, uy tín, sự hài lòng cho khách hàng.

PNVN

Video