Lạng Sơn: Nữ chủ hộ vươn lên làm kinh tế giỏi

27/05/2021
Chị Trịnh Thị Cương (sinh năm 1972 trú tại thôn Chi Ma, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình) được biết đến là một phụ nữ có nghị lực vươn lên trong cuộc sống, làm kinh tế giỏi, mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Chị Cương chăm sóc đàn lợn

Đến thăm trang trại nuôi lợn của chị Cương tại khu tái định cư Chi Ma, điều khiến chúng tôi ấn tượng là hình ảnh một người phụ nữ với dáng người nhỏ nhắn, tay thoăn thoắt lấy thức ăn cho đàn lợn hơn 300 con, con nào cũng mập mạp, da dẻ hồng hào. Được biết, trước khi trở thành bà chủ một trang trại lợn, chị Cương gắn bó với đồng ruộng. Năm 1992, chị lập gia đình và lần lượt sinh 3 người con. Hạnh phúc chẳng tày gang, năm 2004, chồng chị mắc bệnh hiểm nghèo rồi qua đời, mọi gánh nặng cơm áo, gạo, tiền đặt lên đôi vai nhỏ của chị.

Nhận thấy việc làm nông không mang lại thu nhập ổn định, chị Cương quyết định đầu tư chăn nuôi lợn. Chị chia sẻ với chúng tôi: Tận dụng diện tích đất rộng ở khu tái định cư, năm 2015, tôi bắt đầu xây chuồng trại và mua lợn giống. Ban đầu, tôi nuôi khoảng 30 con, nhưng “vạn sự khởi đầu nan”, do chưa có nhiều kinh nghiệm chăn nuôi số lượng lớn nên đàn lợn của tôi dần chết hết, buộc tôi phải dừng lại khoảng 2 năm. Năm 2018, tôi quyết định tái đàn, tiếp tục nhập hơn 100 con lợn giống về nuôi. Rút kinh nghiệm từ lần trước, tôi học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi trên mạng và từ những hộ chăn nuôi trên địa bàn xã để áp dụng vào mô hình của mình.

Chị Cương cho biết: Hai năm trước, dịch tả lợn châu Phi hoành hành, để đàn lợn không bị nhiễm bệnh này và các loại bệnh khác,  chị thường xuyên vệ sinh chuồng trại 2 hoặc 3 lần/ngày, rắc vôi bột xung quanh chuồng, cách 10 ngày lại cho lợn uống thuốc phòng, chống các loại bệnh, tiêm vắc-xin đầy đủ cho từng con… Chị chia đàn lợn thành 5 lứa từ nhỏ đến lớn, riêng đối với lợn bé, vào mùa lạnh, chị phải thắp bóng điện xuyên đêm để sưởi ấm…

Nhờ những biện pháp trên, từ giữa năm 2018 đến đầu năm 2021, chị sử dụng gần 1.000/hơn 3.700 m2 chuồng trại để chăn nuôi và duy trì đều đặn hơn 300 con lợn, đều đặn 5 tháng lại xuất chuồng 1 lứa. Trung bình mỗi năm, trừ chi phí (thuê nhân công, mua thức ăn, thuốc và các chi phí khác), chị Cương thu lãi hơn 300 triệu đồng.

Chồng mất, một mình chị Cương gồng gánh mọi việc trong gia đình và nuôi 3 con ăn học. Vừa làm cha, vừa làm mẹ, là trụ cột kinh tế nhưng chị Cương chưa bao giờ chùn bước. Biến cố mới đây có lẽ càng khẳng định bản lĩnh và sự mạnh mẽ của người phụ nữ này. Được biết, vào khoảng 2 giờ sáng ngày 18/1/2021, do nguồn điện bị quá tải, cộng với bạt che, mái tôn xốp dễ bắt lửa, trang trại lợn của chị Cương bốc cháy nghi ngút khiến hơn 300 con lợn đều chết hết. Xót xa khi lợn chết, chuồng trại, các trang thiết bị đều cháy rụi nhưng chị Cương không chùn bước, vẫn quyết tâm làm lại từ đầu. Sau Tết Nguyên đán 2021, chị thuê người cải tạo lại 900 m2 trang trại chưa sử dụng đến trước đó và dùng tiền tiết kiệm, vay mượn anh em họ hàng để tiếp tục nhập lợn giống (từ 30 đến 40 con/tháng). Sau 4 tháng, trang trại của chị đã có gần 200 con lợn, có lứa đã chuẩn bị được xuất chuồng.

Luôn quyết tâm và dám vực dậy sau biến cố là cảm nhận của chúng tôi sau khi nghe câu chuyện của chị. Không chỉ nuôi lợn, chị Cương còn tận dụng không gian đất xung quanh nhà rộng rãi chăn nuôi hơn 100 con gà để tự cung cấp nguồn thực phẩm cho gia đình. Trang trại lợn không chỉ mang lại nguồn thu nhập cho gia đình chị Cương mà còn tạo việc làm cho 2 lao động địa phương với  thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng. Thời gian tới, chị Cương dự định sẽ mở rộng trang trại, làm đầu mối chuyên cung cấp lợn giống và lợn thịt cho bà con địa phương…

Chị Lý Thị Bích, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Yên Khoái cho biết: Chị Cương là tấm gương phụ nữ làm kinh tế giỏi của xã. Không chỉ chăn nuôi lợn hiệu quả, chị Cương còn nhiệt tình tham gia các hoạt động khác của hội. Những tấm gương như chị đã và sẽ tiếp tục góp phần phát triển kinh tế địa phương, tạo động lực cho các hội viên khác phấn đấu vươn lên làm giàu.

baolangson

Video