Lào Cai: Góp phần phúc đẩy phụ nữ mở rộng sản xuất, kinh doanh

25/04/2021
Có niềm đam mê đặc biệt với thổ cẩm của người Mông, chị Sùng Thị Lan (xã Tả Van, thị xã Sa Pa) đã dành nhiều năm để sưu tập, tìm hiểu, ấp ủ dự định biến thổ cẩm trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, hữu dụng, vừa góp phần giữ gìn, quảng bá văn hóa truyền thống, vừa tăng thu nhập cho bản thân và phụ nữ địa phương.
Chị Sùng Thị Lan giới thiệu sản phẩm thổ cẩm.

Năm 2019, chị Lan thành lập Hợp tác xã Mường Hoa với 20 thành viên và 12 lao động thời vụ chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ thổ cẩm và hương thảo mộc. Điểm đặc biệt của hợp tác xã là thu gom vải thổ cẩm hoặc trang phục thổ cẩm đã qua sử dụng để tái chế thủ công, làm mới nhiều sản phẩm như túi, ví, khăn và một số mặt hàng lưu niệm khác phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Hợp tác xã phân công người lao động đảm nhiệm các khâu thu gom thổ cẩm, nhuộm, cắt, may, thêu sản phẩm mới. Trung bình mỗi thành viên trong hợp tác xã có thêm thu nhập khoảng 1 - 3 triệu đồng/tháng.

Hợp tác xã Mường Hoa được Hội Phụ nữ tỉnh lựa chọn tham gia Dự án “Thúc đẩy doanh nghiệp nữ Lào Cai mở rộng sản xuất, kinh doanh”. Chị Sùng Thị Lan được tập huấn về phương pháp, kỹ năng quản trị kinh doanh, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Hợp tác xã cũng nhận hỗ trợ tư vấn thường xuyên, liên tục của đội ngũ chuyên gia trong xây dựng chương trình, kế hoạch về giới thiệu sản phẩm, tiếp cận khách hàng. Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19 tác động tiêu cực tới sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã vẫn duy trì hoạt động. Với sự tư vấn từ chuyên gia, hợp tác xã đã chuyển hướng tiếp cận đến đối tượng khách hàng nội địa và xây dựng tour du lịch khám phá, trải nghiệm nghề thổ cẩm truyền thống, tổ chức tham quan quy trình sản xuất hương thảo mộc tự nhiên…

Khởi nghiệp từ việc tận dụng những lợi thế sẵn có của địa phương khi có vùng nguyên liệu sả, quế dồi dào, tháng 6/2020, chị Lò Thị Liên (thôn Khuổi Phường, xã Vĩnh Yên, huyện Bảo Yên) đã thành lập Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Vĩnh Yên chuyên sản xuất tinh dầu sả và quế. Hợp tác xã ký hợp đồng thu mua tinh dầu thô từ một doanh nghiệp trên địa bàn huyện, sau đó chưng cất để lấy tinh dầu nguyên chất.

Chị Lò Thị Liên cho biết: Không được đào tạo bài bản về sản xuất, kinh doanh nên khi điều hành hợp tác xã, tôi gặp không ít khó khăn. Tham gia dự án “Thúc đẩy doanh nghiệp nữ Lào Cai mở rộng sản xuất, kinh doanh” đã giúp tôi có thêm kiến thức, kinh nghiệm trong xây dựng thương hiệu, nhãn mác, bao bì cho sản phẩm cũng như kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Áp dụng kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh được trang bị qua các lớp tập huấn, học tập thực tế và sự tư vấn từ chuyên gia, bước đầu chị Liên đã điều hành hợp tác xã hoạt động ổn định, hiệu quả. Hằng tháng, hợp tác xã cung cấp cho thị trường khoảng 5.000 sản phẩm tinh dầu sả, quế các loại; thu nhập của lao động thời vụ đạt 1,5 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm tinh dầu của hợp tác xã đã được đăng ký nhãn hiệu, có mã QR giúp việc tiếp thị, giới thiệu sản phẩm thuận lợi hơn. Nhờ sự kết nối của dự án, sản phẩm của hợp tác xã đã được giới thiệu, quảng bá tại thị trường Ấn Độ, mở ra hướng phát triển mới của hợp tác xã trong tương lai.

Dự án “Thúc đẩy doanh nghiệp nữ Lào Cai mở rộng sản xuất, kinh doanh” được Hội Phụ nữ tỉnh triển khai từ tháng 5/2020 đến tháng 9/2021. Bà Hà Thị Khánh Nguyệt, Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh đánh giá: Nằm trong chuỗi hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự sản xuất, kinh doanh, giai đoạn 1 của dự án đã lựa chọn, hỗ trợ 15 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh do phụ nữ làm chủ hoặc lãnh đạo. Kết quả, các cơ sở đã tăng tốc kinh doanh, tăng trưởng thu nhập.

Trên cơ sở kế hoạch, lộ trình dự án đề ra, các doanh nghiệp, cơ sở được tham gia 3 khóa tập huấn tăng cường năng lực kinh doanh, tập trung vào khai thác nội lực của doanh nghiệp, quản trị sản xuất và xây dựng kế hoạch kinh doanh, marketing sản phẩm. Để thúc đẩy tăng cường năng lực, tự tin, mạnh dạn chuyển đổi mô hình kinh doanh cho phù hợp, các cơ sở được tham quan thực tế tại nhiều mô hình kinh doanh tại các địa phương khác, đồng thời tham gia kết nối thị trường, thực hành kỹ năng bán hàng trong các phiên chợ tại Hà Nội. Qua đây, các doanh nghiệp, cơ sở đã tìm được khách hàng mới. Bên cạnh chuỗi hoạt động tập huấn, kết nối, dự án còn tổ chức cuộc thi “Hạt giống thúc đẩy kinh doanh”, trao hỗ trợ 12 đơn vị có ý tưởng kinh doanh khả thi.

Kết quả, giai đoạn 1 của dự án đã có 8/15 cơ sở tăng doanh thu từ sản xuất, kinh doanh với 427 hộ hưởng lợi trực tiếp và hơn 1.700 người hưởng lợi gián tiếp. Các đơn vị trong dự án được hỗ trợ và kết nối với Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam. Nhiều đơn vị nhận hỗ trợ thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh như Hợp tác xã Tả Phìn Xanh được cấp chứng nhận điểm tham quan du lịch; một số sản phẩm đã kết nối thuận lợi với thị trường Hà Nội như miến dong Hưng Hiền - Bát Xát hoặc tương ớt, bánh chưng đen Văn Bàn; một số cơ sở phục vụ du lịch được hỗ trợ cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất…

Hiện các cấp hội đang triển khai tiếp giai đoạn 2 của dự án với mục tiêu hỗ trợ ít nhất 50 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh do phụ nữ làm chủ hoặc tham gia quản lý. Thông qua đó góp phần khích lệ, động viên phụ nữ mạnh dạn khởi nghiệp, mở rộng sản xuất, kinh doanh.

LCĐT

Video