Lào Cai: Nâng cao chất lượng chi hội phụ nữ thôn, bản

30/10/2020
Với phương pháp hướng dẫn trực tiếp, cán bộ hội, nhất là các Chi hội trưởng, Chi hội phó nhanh chóng nắm được những kỹ năng, kiến thức cơ bản trong điều hành, sinh hoạt chi hội cũng như kỹ năng tuyên truyền, vận động, nắm tình hình tư tưởng hội viên, phụ nữ
Mô hình nuôi thủy sản của phụ nữ Quang Kim (Bát Xát).

Sau khi có hướng dẫn thực hiện mô hình điểm “Nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở hội” của hội cấp trên, Hội Phụ nữ xã Phúc Khánh (Bảo Yên) đã xây dựng kế hoạch và phối hợp tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ hội trên địa bàn về kinh nghiệm, kỹ năng hoạt động hội.

Với phương pháp hướng dẫn trực tiếp nên cán bộ hội, nhất là các chi hội trưởng, chi hội phó nhanh chóng nắm được những kỹ năng, kiến thức cơ bản trong điều hành, sinh hoạt chi hội cũng như kỹ năng tuyên truyền, vận động, nắm tình hình tư tưởng hội viên, phụ nữ. Sau tập huấn, Hội Phụ nữ xã đã họp, phân công nhiệm vụ cho từng Ủy viên Ban Thường vụ Hội Phụ nữ xã phụ trách các chi hội và lựa chọn Chi hội Phụ nữ bản 8 làm điểm thực hiện nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở hội.

Thực tế, việc duy trì sinh hoạt tại Chi hội bản 8 không thường xuyên, nội dung sinh hoạt không có sự đổi mới, tỷ lệ thu hút hội viên chỉ đạt khoảng 50%... Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Hội Phụ nữ xã đã xuống dự sinh hoạt hằng tháng để hướng dẫn, định hướng về cách chuẩn bị nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức sinh hoạt và từng chủ đề, cách thức gợi ý thảo luận, khuyến khích hội viên phát biểu ý kiến… Sau mỗi buổi sinh hoạt có đánh giá, rút kinh nghiệm.

Sau 1 năm thực hiện điểm tại bản 8, Hội Phụ nữ xã đã đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng tới 7 chi hội còn lại. Qua 2 năm tiếp theo, các chi hội trưởng đã chủ động, mạnh dạn và tự tin hơn trong tuyên truyền, vận động hội viên. Nội dung, hình thức các buổi sinh hoạt được đổi mới, phù hợp, thiết thực nên hội viên luôn hào hứng, nhiệt tình tham gia. Thời gian tổ chức các buổi sinh hoạt được duy trì từ 1 đến 2 tháng/lần, hội viên tham gia sinh hoạt tăng, đạt gần 80%. Các chi hội cũng tổ chức các phong trào phụ nữ tiết kiệm, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, gây dựng quỹ hội, tổ chức cho hội viên đi tham quan, học tập kinh nghiệm.

Hội Phụ nữ huyện Si Ma Cai có 59 chi hội với gần 6.000 hội viên. Địa bàn rộng, dân cư sinh sống không tập trung nên việc triệu tập hội viên sinh hoạt tại các chi hội phụ nữ thôn, bản gặp nhiều khó khăn. Đổi mới nội dung sinh hoạt tại các chi hội, Hội Phụ nữ huyện đã chỉ đạo hội phụ nữ các xã, thị trấn phân công các đồng chí ủy viên ban thường vụ hội phụ nữ xã, thị trấn phụ trách các chi hội để hướng dẫn chi hội trưởng về chuyên môn, nghiệp vụ công tác hội.

Chị Cư Thị Đú, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Mào Sao Chải, xã Sín Chéng là một trong số ít chi hội trưởng phụ nữ thôn, bản trên địa bàn huyện có trình độ chuyên môn bậc cao đẳng. Có trình độ, nhanh nhẹn, trẻ tuổi nên chị tiếp thu nhanh và vận dụng khá tốt các kiến thức, kỹ năng công tác hội được cán bộ hội phụ nữ xã truyền đạt, hướng dẫn. Để tạo thuận lợi cho hội viên, các buổi sinh hoạt chi hội được chị triệu tập, tổ chức vào buổi tối. Trong mỗi buổi sinh hoạt, ngoài tuyên truyền, giới thiệu các chương trình, nội dung công tác hội ngắn gọn, chị tranh thủ thăm hỏi, nắm tâm tư, nguyện vọng hội viên để tổ chức các hoạt động phù hợp.

Chị Cư Thị Đú chia sẻ rằng, phụ nữ vùng cao mong được hướng dẫn, hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình, được chia sẻ kiến thức chăm sóc sức khỏe, nuôi dạy con và được tham gia các hoạt động nhân ngày lễ, kỷ niệm. Vì vậy, các buổi sinh hoạt thường hướng đến nội dung này.

Ngoài việc đổi mới về nội dung, phương pháp sinh hoạt cũng có bước đổi mới. Thay vì “nói suông”, các chi hội trên địa bàn huyện đã có thêm các hình thức mới để tuyên truyền cho hội viên, như phát tờ rơi, trình chiếu các phóng sự tuyên truyền, biểu diễn các tiết mục văn nghệ, tiểu phẩm…

Để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi hội phụ nữ thôn, bản, Hội Phụ nữ tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội kiện toàn tổ chức, bộ máy cơ sở hội, đồng thời tăng cường tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho chi hội trưởng, chi hội phó theo hình thức “cầm tay chỉ việc”.

Riêng trong năm 2019, cấp tỉnh, cấp huyện đã tổ chức 24 lớp tập huấn cho hơn 1.300 lượt cán bộ hội các cấp về nghiệp vụ, hướng dẫn cập nhật thông tin hội viên, bồi dưỡng kỹ năng điều hành sinh hoạt hội… góp phần nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ hội, giúp chị em biết vận dụng kiến thức, kỹ năng vào việc tổ chức, triển khai các hoạt động hội, tổ chức các buổi sinh hoạt chi hội hấp dẫn, hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Trưởng Ban Tổ chức - Kiểm tra (Hội Phụ nữ tỉnh) cho biết: Một trong những giải pháp hiệu quả các cấp hội triển khai là đã duy trì, nhân rộng, thực hiện tốt mô hình điểm “Nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở hội”. Hội cấp trên đã lựa chọn những xã có đội ngũ chi hội trưởng vững về chuyên môn, có năng lực trong tổ chức, điều hành các hoạt động “làm mẫu” và mời chi hội trưởng các xã lân cận đến dự và giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Đến nay, mô hình đã được thực hiện ở 9/9 huyện, thành phố, thị xã, cho kết quả khả quan.

Với phương châm “lấy hội viên phụ nữ làm trung tâm để tổ chức các hoạt động” và “lấy sự hài lòng của hội viên để đánh giá chất lượng hoạt động hội”, các buổi sinh hoạt chi hội chú trọng bàn, tổ chức hoạt động gắn với phong tục, tập quán của mỗi vùng, miền, dân tộc; duy trì và nhân rộng hoạt động “Ngày chị sinh”, đặc biệt là tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp những vấn đề liên quan trực tiếp đến phụ nữ, trẻ em.

Nâng cao chất lượng các buổi sinh hoạt phụ nữ tại thôn, bản đã, đang góp phần thu hút hội viên, phụ nữ tham gia tổ chức hội, đồng hành, chia sẻ với phụ nữ trong cuộc sống.

 

baolaocai.vn

Video