Lào Cai: Sáng tạo sản phẩm làm đẹp từ cây tía tô

23/06/2022
Hào hứng giới thiệu gần 20 sản phẩm chăm sóc sức khỏe và làm đẹp từ thảo dược bản địa, chị Trần Anh Xuân (Đội 4, thôn Sả Séng, xã Tả Phìn, Sa Pa, Lào Cai) chia sẻ, chị đến với Sa Pa như một mối duyên. Tình yêu với mảnh đất này đã ngấm vào máu, thôi thúc chị cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với người dân vùng cao.
Chị Trần Anh Xuân giới thiệu các sản phẩm

Quê ở Thái Bình, trong những năm là sinh viên trường Đại học Nông nghiệp Việt Nam, chị Trần Anh Xuân đã có thời gian được cử đi thực tập tại Sa Pa. Thảo dược bản địa đã ngay lập tức thu hút chị. Sau khi tốt nghiệp đại học,chị quyết định lập nghiệp tại đây. Năm 2018, chị Anh Xuân thành lập hợp tác xã với mục tiêu khai thác các loại dược liệu tiềm năng của Sa Pa, sản xuất theo hướng chuyên sâu, giúp người tiêu dùng sử dụng tiện lợi hơn và tạo việc làm cho phụ nữ dân tộc thiểu số.

Lúc đầu, hợp tác xã nghiên cứu, sản xuất sản phẩm từ nhiều loại thảo dược khác nhau như nghệ đỏ, hoa hồng cổ Sa Pa. Sau thời gian sàng lọc, tìm hiểu nhu cầu thị trường, chị Anh Xuân nhận thấy tiềm năng của cây tía tô và sử dụng loại cây này để làm sản phẩm. Sau một thời gian nghiên cứu, kiểm nghiệm và nhờ sự tư vấn của các chuyên gia, các dòng sản phẩm chăm sóc sức khỏe, làm đẹp từ tía tô như trà cao, tinh dầu, sữa tắm, sữa rửa mặt, xà bông... đã được giới thiệu đến người tiêu dùng và nhận được phản hồi tốt. Hợp tác xã cũng tự chủ được vùng nguyên liệu rộng khoảng 10ha và liên kết vùng nguyên liệu khoảng 17ha với người dân địa phương.

Cây tía tô là loại thuốc quý

"Chọn mảnh đất Sa Pa để lập nghiệp, được sống và lao động cùng bà con vùng cao nhiều niềm vui nhưng cũng vất vả không kém. Trước hết, đó là những khó khăn về nguồn lực. Lao động phổ thông thì nhiều nhưng lao động có trình độ tay nghề cao rất khó tìm. Bởi cuộc sống ở bản làng khá vất vả, chỉ có những ai thật sự đam mê mới có thể dành thời gian cống hiến cho công việc", Trần Anh Xuân tâm sự. Ngoài ra, khởi nghiệp ở vùng sâu, vùng xa, chị em cũng không có nhiều lợi thế trong tiếp cận thị trường, quảng bá sản phẩm... như tại các thành phố lớn.

Nắm rõ được những hạn chế đó, Anh Xuân đã dành thời gian để tự học hỏi, nâng cấp từ bao bì, mẫu mã sản phẩm đến tìm hiểu các hình thức bán hàng, phát triển kinh doanh online để đưa sản phẩm đi xa hơn, đặc biệt trong mùa dịch Covid-19. Giám đốc hợp tác xã 33 tuổi này phấn khởi khoe: "Mình đã biết làm Tiktok, đã có video triệu view và bán hàng trên mạng xã hội này rồi". Cùng với sự phát triển của hệ thống bán hàng online, sản phẩm của hợp tác xã đã đi xa hơn, đến với người tiêu dùng cả nước. Hợp tác xã cũng tạo việc làm cho 10 lao động chính thức và thuê người làm công nhật, lương trả theo ngày, giúp họ có thêm thu nhập.

"Vất vả, khó khăn nhưng công việc chính là chất keo gắn kết các thành viên trong gia đình", Anh Xuân cho biết. Cùng với sự lớn mạnh của thương hiệu, Xuân cũng nhận được sự hỗ trợ của gia đình nhiều hơn, đặc biệt là từ chồng. Họ cùng nhau làm việc, chăm sóc con cái. Đó là niềm hạnh phúc ngọt ngào để vượt qua những khó khăn khi khởi nghiệp. Sắp tới Trần Anh Xuân sẽ tiếp tục hoàn thiện sản phẩm, phát triển nguồn thảo dược tiềm năng của địa phương.

PNVN

Video