Nam Định: Các mô hình khởi nghiệp hiệu quả của hội viên phụ nữ

01/11/2020
Những năm gần đây, nhiều hội viên phụ nữ tỉnh Nam Định đã mạnh dạn tìm những hướng đi mới để khởi nghiệp, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Thành công của họ không chỉ đóng góp nhiều hơn cho kinh tế địa phương, nâng cao vị thế trong gia đình, xã hội mà còn là nguồn cảm hứng tích cực lan tỏa đến nhiều hội viên khác.
Chị Trần Ngân Hà, phường Cửa Nam (thành phố Nam Định) sơ chế tổ yến.

Bà chủ của những dự án cây cảnh công trình tiền tỷ

Đến xã Nam Toàn (Nam Trực), hỏi thăm chị Hoàng Thị Phượng rất nhiều người tỏ ra “ngưỡng mộ” thành quả mà chị đạt được. Trên “cơ ngơi” rộng mênh mông, bề thế của mình, chị Phượng chia nhà vườn thành những khu vực riêng biệt để trồng các loại cây cảnh lâu năm, cây công trình, cây bon sai, cây cảnh mi-ni… Vốn sinh ra ở làng nghề trồng cây cảnh nên “máu” trồng và kinh doanh cây đến với chị Phượng rất tự nhiên. Đến nay chị đã có thâm niên vài chục năm làm nghề. Những năm đầu mới làm cây, chị tập trung chủ yếu vào mảng cây cảnh mini, bonsai.

Năm 2003, khi xã Nam Toàn có chủ trương chuyển đổi đất nông nghiệp kém hiệu quả, chị Phượng chủ động bàn với chồng nhận đấu thầu diện tích đất lớn để có chỗ trồng các loại cây cảnh lâu năm, cây công trình. “Bước ngoặt để tôi chuyển đổi hình thức làm cây ngoài có đất ra còn đến từ việc chồng tôi được một người bạn nhờ đặt mua số lượng lớn cây công trình cho một dự án xây dựng. Từ đó, tôi nảy ra ý tưởng trồng và kinh doanh loại cây này”, chị Phượng chia sẻ. Theo đó, chị mạnh dạn đầu tư vốn, tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây cảnh công trình, nghiên cứu thêm về xu hướng, nhu cầu thị trường để kinh doanh. Làm cây công trình, theo chị có rất nhiều lợi thế: tốn ít công chăm sóc, vốn đầu tư ít hơn trồng cây cảnh lâu năm, phù hợp với nhiều không gian trưng bày, đối tượng khách hàng nên thị trường rất rộng mở. Tuy vậy, việc chuyển hướng kinh doanh vẫn khiến chị Phượng nửa mừng nửa lo. Lo nhất là đầu ra cho sản phẩm còn tương đối lạ lẫm với nhiều người. “Tôi cũng không dám chắc cây công trình làm ra có bán chạy hay không. Nhưng nếu không mạnh dạn tìm hướng đi mới thì cũng không có cơ hội đưa nhà vườn phát triển”, chị Phượng tâm sự.

Để làm cây cảnh công trình, chị chọn mua các cây thô như long não, cây xanh, cây ăn quả, xa la… từ các tỉnh miền Trung, miền Nam về tiếp tục nuôi dưỡng,  lên tán, tạo thế. Thời điểm hiện tại, với trên 2 mẫu nhà vườn, chị Phượng có khoảng trên 300 cây sanh, si hàng tán; vài nghìn cây công trình vừa và nhỏ, số lượng cây cảnh mi-ni, cây bon sai lên đến hàng vạn. Tùy từng loại, chị chào bán với mức giá khác nhau. Cây sanh trong vườn có giá trị nhất đang được khách trả tới trên 200 triệu đồng. Các loại cây cảnh vừa và nhỏ có giá dao động từ 10-20 triệu đồng/cây. Còn các loại bon sai như khế, ổi, chanh, duối, mai chiếu thủy, linh san, ngũ gia bì… có giá dao động từ 100-300 nghìn đồng/cây. “Tuy nhiên nguồn thu chủ yếu của gia đình tôi vẫn là từ việc nhận thầu làm cây công trình. Chúng tôi kết hợp với một số doanh nghiệp như: Xuân Trường, Quang Giáp nhận làm cây cho các công trình xây dựng quy mô lớn gồm: Tam Chúc (Hà Nam), Bái Đính, Tràng An (Ninh Bình)”… chị Phượng cho biết thêm. Nhà vườn của chị hiện tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương cùng hàng trăm lao động thời vụ với mức lương 300-500 nghìn đồng/người/ngày.

Hàng năm, trừ chi phí chị thu về từ 200-300 triệu đồng. Thời gian tới, chị còn ấp ủ rất nhiều dự định mới để phát triển nhà vườn “Tôi muốn mở rộng quy mô vườn hơn nữa, muốn đưa nhiều giống cây công trình mới về trồng và kinh doanh, giới thiệu các mặt hàng cây cảnh của tỉnh đến với nhiều địa phương khác. Tôi tự hào về nghề làm cây cảnh của quê hương, chính nghề làm cây đã cho tôi có được cuộc sống ngày hôm nay”.

Làm giàu từ nuôi yến

Đến số nhà 121, đường Đặng Xuân Bảng (thành phố Nam Định), chúng tôi lấy làm lạ bởi có những đàn chim nhỏ bay lượn rất nhiều xung quanh một ngôi nhà cao tầng. Nhìn qua, ngôi nhà này có thiết kế khá đặc biệt bởi không có cửa lớn, cửa sổ hay ban công... mà chỉ có vô vàn những lỗ thông gió nhỏ li ti. Hỏi người dân quanh đó, chúng tôi mới vỡ lẽ, đó chính là nhà nuôi yến của gia đình chị Trần Ngân Hà, gương phụ nữ điển hình được vinh danh sản phẩm khởi nghiệp tiêu biểu trong “Ngày phụ nữ khởi nghiệp năm 2020” của Hội LHPN tỉnh.

Chị Hà kể lại lý do bén duyên với nghề nuôi chim yến là do trong những lần cùng gia đình đi du lịch vào Khánh Hòa thấy người ta nuôi nhiều nên cũng tò mò muốn tìm hiểu. Và càng tìm hiểu chị càng thấy “mê” loại chim này. Mê chim yến nên có lần trong lúc nói chuyện vui với chồng, chị buột miệng, nhà mình nuôi được thì hay. “Chỉ là câu chuyện nói cho vui thôi, không ngờ ông xã tôi cũng cùng ý tưởng. Từ đó, ngoài tìm hiểu về cách nuôi, chế biến các sản phẩm từ chim yến ở Khánh Hòa, chồng tôi còn hỏi kinh nghiệm từ một vài người bạn đang làm nghề nuôi chim yến tại Malaixia. Chúng tôi cũng thường xuyên lên mạng đọc các tài liệu về chim yến, chuẩn bị những kiến thức tốt nhất để có thể bắt tay vào nuôi. Một buổi chiều tháng 4-2019, chồng tôi “gọi” thử chim yến. Không ngờ tối hôm đó có 5 con về tổ thật. Chúng tôi quá vui mừng, hạ quyết tâm xây nhà gọi yến”, chị Hà kể. Để theo đuổi nghề nuôi chim yến, chị Hà đã phải chạy vạy khắp nơi vay tiền xây nhà nuôi yến.

Theo đó, chị đã đầu tư hơn 4 tỷ đồng để xây dựng nhà nuôi, mua thiết bị cân bằng độ ẩm và chiếu sáng… Trong đó, chi phí để xây dựng nhà nuôi là tốn kém nhất, nguyên nhân là do thiết kế của nhà nuôi chim yến khá đặc biệt, độ kiên cố còn hơn nhiều lần so với nhà ở thông thường. Giữa hai lớp tường gạch còn có những lớp xốp giữ nhiệt để đảm bảo mùa đông ấm, mùa hè vẫn mát, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chim yến sinh sống. Để dẫn dụ được chim yến đến làm tổ, ngoài việc đầu tư vốn xây dựng nhà nuôi, tạo không gian cho yến trú ngụ, chị Hà còn phải đầu tư hệ thống âm thanh để dẫn dụ chim yến. Mặc dù chi phí ban đầu khá cao nhưng theo chị Hà, nghề nuôi chim yến có nhiều thuận lợi, triển vọng. Theo đó, nuôi chim yến không tốn công chăm sóc. Chim yến là loài chim hoang dã, thức ăn chúng sử dụng là các loại côn trùng, sâu bọ tự kiếm; nhu cầu thị trường về sản phẩm rất lớn; chỉ phải bỏ vốn đầu tư 1 lần… Và rồi tâm huyết của chị đã được đền đáp xứng đáng. Đến nay, sau hơn 1 năm, ngôi nhà nuôi yến của chị đã thu hút được khoảng 4.000 con chim yến với trên 1.000 tổ chim.

Tính đến thời điểm hiện tại, chị Hà mới thu hoạch tổ yến được 2 đợt với tổng trọng lượng là 7kg. Theo tính toán của chị Hà, từ lần thu hoạch thứ 2 trở đi, mô hình của chị sẽ đi vào ổn định và đều đặn, hàng tháng sẽ cho thu hoạch từ 5-7kg tổ yến. Với giá bán sản phẩm tổ yến thô là 29 triệu đồng/kg, tổ yến đã qua xử lý là 35 triệu đồng/kg, chị Hà đặt niềm tin rất lớn vào thành công của mô hình. Hiệu quả bước đầu của nhà nuôi chim yến đã tiếp thêm động lực cho chị mở rộng quy mô con nuôi; tạo việc làm cho 10 lao động địa phương. Hiện chị đang triển khai xây dựng thêm 2 nhà nuôi yến có diện tích lên đến hàng nghìn m2 ở huyện Giao Thủy. “Chính việc nuôi chim yến trong nhà đã góp phần giảm giá thành và đa dạng các sản phẩm chế biến từ yến sào. Mong muốn lớn nhất của tôi là mang được sản phẩm giàu giá trị dinh dưỡng, chất lượng tốt với giá thành phù hợp đến đông đảo người tiêu dùng. Tôi cũng luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với những người có nhu cầu nuôi”, chị Hà cho biết thêm.

Mạnh dạn khởi nghiệp chị Phượng và chị Hà đã gặt hái được những “quả ngọt” xứng đáng. Thời gian tới, đồng hành cùng hội viên phụ nữ khởi nghiệp, Hội LHPN các cấp cũng có những chính sách để hỗ trợ như: tăng cường tập huấn, nâng cao kiến thức, năng lực và trình độ, giúp hội viên có khả năng xây dựng, hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp; hỗ trợ hội viên xây dựng mô hình phát triển kinh tế phù hợp, khuyến khích xây dựng mô hình phụ nữ tham gia sản xuất sạch, an toàn; giúp hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay... Tin tưởng rằng, từ trong phong trào sẽ ngày càng có nhiều những “nữ triệu phú”, khẳng định vai trò, vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội.

baonamdinh

Video