Nam Định: Nữ giáo dân thu nhập 1,5 tỷ đồng mỗi năm từ sản xuất nông nghiệp

04/01/2020
Chị Nguyễn Thị Tỵ giáo dân tiêu biểu xã Xuân Ninh, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định vươn lên làm giàu trên cơ sở chuyển đổi từ 1,5 mẫu đất chân ruộng 2 vụ lúa sang áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh trồng dưa leo trong nhà lưới các loại hoa…

Theo lời giới thiệu của Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Ninh, chúng tôi tìm đến gia đình Chị Nguyễn Thị Tỵ và được chị chia sẻ: Sau 3 chuyển đổi hướng phát triển kinh tế gia đình, năm 2016  được sự giúp đỡ của các cấp Hội, gia đình chị mạnh dạn thực hiện mô hình trồng dưa trong nhà lưới theo mô hình VietGAP.

Mô hình của chị được Hội Nông dân hỗ trợ nhân viên kỹ thuật và 50% kinh phí để xây dựng hệ thống kho lạnh. Bên cạnh đó gia đình chị đầu tư dựng nhà lưới, hệ thống phun nước tự động nhỏ giọt với tổng kinh phí hơn nửa tỷ đồng.

Vừa làm vừa học hỏi, chị mạnh dạn đầu tư mua giống dưa của Nhật trồng thử nghiệm trong bầu đất ải trộn mùn giun. Sau 3 tháng, diện tích dưa phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 100%. Tuy nhiên, diện tích 1.000m2 với gần 200 gốc dưa vụ đầu đã đến thời điểm ngắt nước chuẩn bị thu hoạch nhưng trái dưa hầu hết đểu bị thối nửa quả, gần như mất trắng.

Rất buồn nhưng không nản lòng, chị Tỵ kiên trì tiếp tục học hỏi, nghiên cứu tài liệu bám sát vào kỹ thuật hướng dẫn tiếp tục trồng vụ dưa thứ 2. Lần này chị áp dụng nghiêm ngặt quy chuẩn kỹ thuật và rút kinh nghiệm trong quá trình chăm sóc dưa. Kết quả, vụ dưa thứ 2 cho chị thu hoạch khoảng 50% sản lượng.

Chị Tỵ cho biết, 50% sản lượng cũng là tín hiệu đáng mừng. Từ đó làm động lực để chị tự tin đưa giống dưa Nhật vào trồng gối vụ, tiếp tục rút kinh nghiệm, tích lũy thêm kiến thức trong cách chăm sóc cũng như phòng trừ sâu bệnh.

Bên cạnh đó, gối giữa hai vụ dưa, chị Tỵ trồng thêm nhiều loài hoa, tạo nguồn thu nhập thường xuyên trên dưới 100 triệu đồng mỗi tháng, bình quân mỗi năm đạt 1,5 tỷ đồng.

Hiện nay, gia đình chị đã mở rộng thêm được 2 địa điểm trồng hoa và dưa lưới tại thị trấn Xuân Trường, cung cấp cho thị trường Hà Nội.

Mô hình kinh tế của gia đình chị đã tạo việc làm thường xuyên cho từ 5- 10 lao động nữ là giáo dân tại địa phương, với mức thu nhập từ 4 đến 4,5 triệu đồng/1 tháng. Đặc biệt vào dịp tết, số lao động tăng gấp 4 đến 5 lần đáp ứng cho việc  vận chuyển hàng lên các chuyến mang nông sản sạch đến các vùng trong và ngoài tỉnh.

Chăm chỉ, kiên trì, quyết tâm, chị Tỵ đã thành công trong phát triển kinh tế nông nghiệp, gia đình chị đã xây dựng được cơ ngơi khang trang, nuôi dạy các con ngoan và trưởng thành. Nhiều năm liền gia đình chị được bầu là gia đình công giáo tiêu biểu, gia đình văn hóa, được bà con lối xóm tin yêu, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và Hội ghi nhận đánh giá cao trong phong trào yêu nước và phát triển kinh tế gia đình của đồng bào Công giáo.                                             

Lê Thi

Video