Ngành nghề tiểu thủ công nghiệp Chiêm Hóa lấy lại đà phát triển

23/05/2020
Huyện Chiêm Hóa hiện có hơn 30 ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm cho nhiều lao động. Sau giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp của huyện bắt đầu hồi phục sản xuất với những tín hiệu khả quan.
Người dân thôn Bó Củng, xã Kim Bình (Chiêm Hóa) duy trì nghề đan cót truyền thống

Nghề đan lát mang lại khoản thu nhập thêm cho khoảng 50 hộ dân trong xã Hùng Mỹ, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thời gian qua hàng hóa không tiêu thụ được. Bà Nguyễn Thị Hoan, Tổ trưởng Tổ hợp tác mây tre đan xã Hùng Mỹ chia sẻ, lao động làm mây tre đan trong tổ hợp tác đều là phụ nữ, ngoài công việc đồng áng, lúc nông nhàn các chị em đan lát những sản phẩm theo đơn đặt hàng. Cũng từ nghề đan lát, mỗi tháng các chị em cũng có thêm khoản thu từ 3 - 4 triệu đồng mỗi người. Nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 không có đơn đặt hàng, các thành viên trong tổ tạm thời dừng hoạt động, chuyển sang thu hoạch, chuẩn bị sẵn các nguyên vật liệu như guột, giang, tre, nứa... để chủ động sản xuất sau này. Từ đầu tháng 5 khi giãn cách xã hội được nới lỏng, các đối tác đã đặt hàng trở lại, các thành viên trong tổ lại bắt tay ngay vào sản xuất. Theo bà Hoan, để tạo việc làm thường xuyên, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các thành viên, tổ liên tục cập nhật những mẫu hàng mới để mở rộng thị trường tiêu thụ đem lại thu nhập cao cho người dân.

Cơ sở sản xuất bánh gai Quân Hoa của chị Nguyễn Thị Thanh Hoa, tổ dân phố Vĩnh Giang, thị trấn Vĩnh Lộc hàng tháng xuất ra thị trường 5.000 - 6.000 cặp bánh gai, tạo việc làm cho 2 lao động địa phương với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm bánh gai của chị được chuyển về các tỉnh miền xuôi tiêu thụ, nhưng 1 tháng vừa qua do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hàng hóa không lưu thông được, cơ sở sản xuất phải tạm dừng hoạt động. Chị Hoa cho biết, thời gian dừng hoạt động chị có điều kiện tu sửa, bảo dưỡng máy móc, công cụ sản xuất, chuẩn bị thêm những nguyên vật liệu đảm bảo sản xuất. Đồng thời, tổ chức  quảng cáo, giới thiệu sản phẩm bánh gai gia truyền của gia đình lên mạng xã hội để tìm kiếm thêm thị trường tiêu thụ. Ngay khi giãn cách xã hội được nới lỏng, cơ sở sản xuất bánh gai của gia đình chị hoạt động trở lại, khách đặt hàng nhiều hơn.

Xưởng chế biến lâm sản của anh Phạm Văn Khánh, xã Minh Quang chuyên bóc ván gỗ xuất khẩu, nhưng do dịch bệnh, các nước hạn chế nhập khẩu, cấm biên, xưởng phải chuyển hướng hoạt động. Để không phụ thuộc vào trị trường nước ngoài, anh đã đầu tư thêm dây chuyền băm dăm gỗ bán cho nhà máy giấy. Nhờ đó xưởng sản xuất của anh vẫn hoạt động bình thường, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương.

Theo Bà Đặng Thị Mai, Phó Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Chiêm Hóa, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện không bị ảnh hưởng nhiều bởi giãn cách xã hội do dịch Covid-19 vì phần lớn có quy mô nhỏ; các sản phẩm được tiêu thụ tại chỗ hoặc tiêu thụ trong nước, số ít được xuất khẩu như gỗ ván bóc. Trong 4 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện đạt 302,9 tỷ đồng, bằng 30,1% kế hoạch năm, trong đó tháng 4 thực hiện được 50,7 tỷ đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp vẫn giữ được đà tăng trưởng do một số doanh nghiệp thành lập mới, trong đó từ đầu năm đến nay có 2 doanh nghiệp khai thác đá và 3 doanh nghiệp chế biến lâm sản mới đi vào hoạt động. Trên địa bàn có một số nghề truyền thống như đan lát, chế biến lâm sản, gia công cơ khí, các cơ sở làm bánh, bún, phở, nghề đục đá truyền thống... Đến nay hầu hết đã hoạt động trở lại.

Hiện huyện Chiêm Hóa đang tiến hành rà soát các hộ kinh doanh, trong đó có cơ sở thủ công nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để phối hợp với các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ; phối hợp với ngành thuế xem xét miễn tiền chậm nộp thuế cho các hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tạo điều kiện để các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp phục hồi sản xuất.

baotuyenquang

Video