Người giữ lửa nghề dệt thổ cẩm Tà Riềng

08/01/2022
Trong một lần về vùng biên Đắc Tôi, một xã giáp với nước bạn Lào, chúng tôi may mắn đã gặp được bà Zơrâm Vứr, 62 tuổi, người dân tộc Tà Riềng, ở thôn Đắc Ro đang miệt mài bên khung dệt tại góc nhà sàn của mình tỉ mỉ dệt tấm thổ cẩm để kịp giao cho bà con Tà Riềng ở xã La Dê…
Bà Zơrâm Vứr miệt mài bên khung dệt.

Vừa dệt, bà Zơrâm Vứr cho biết: “Tôi sinh ra và lớn lên trong làng có nhiều gia đình làm nghề dệt thổ cẩm. Riêng gia đình tôi thì có mẹ, bà ngoại là tay nghề dệt giỏi, nên từ những năm lên 10, nghe lời mẹ và những phụ nữ lớn tuổi khuyên bảo, tôi đã sớm được tiếp xúc với nghề dệt thổ cẩm. Tôi đã được mẹ, bà ngoại dạy từ cách se chỉ đến nhuộm màu. Để thành thạo với tay nghề dệt như ngày hôm nay, tôi đã phải học hỏi rất nhiều”.

Như minh chứng cho lòng yêu nghề, bà Vứr vào trong nhà và mang chiếc ta man (gùi đựng thổ cẩm), rồi lấy ra từ trong đó các tấm thổ cẩm với đủ loại hoa văn khác nhau mà bà đã dệt để giới thiệu cho chúng tôi xem. Rồi bà Vứr cho biết thêm: Trước đây, mỗi lần muốn dệt thổ cẩm, người dệt phải chuẩn bị nguyên vật liệu rất công phu. Giờ đây, nguyên liệu để dệt hầu hết đều mua sẵn ngoài chợ về.

Dệt thổ cẩm phải trải qua nhiều công đoạn. Khó nhất, là công đoạn lắp ghép các bộ phận của khung dệt. Thứ hai là giăng sợi vào khung cho đúng trình tự các sợi màu. Từ đó, giúp cho quá trình dệt thổ cẩm không bị rối chỉ, mà bố cục các hoa văn đúng theo ý đồ của người dệt.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dệt thổ cẩm là nghề thủ công truyền thống gắn bó với đời sống đồng bào dân tộc Tà Riềng trên vùng Trường Sơn này từ bao đời ở thôn Đắc Ro, xã Đắc Tôi, huyện Nam Giang với đầy đủ những váy ngắn (kalê pếch), áo ngắn tay (ka lê), tấm choàng (kalê pớ) của phụ nữ, váy dài (kalê pẹhs) của thiếu nữ, đến tấm khố của đàn ông, thanh niên Tà Riềng.

Với niềm đam mê dệt thổ cẩm, ngoài công việc trên nương rẫy, nếu rảnh ngày nào là bà Vứr đem khung dệt ra ngồi dệt. Ngày nào không ngồi bên khung dệt thì bà cảm thấy trống vắng. Hầu hết, những trang phục truyền thống này luôn được bà Zơrâm Vứr phối trên nền chủ đạo màu đen với các họa tiết kết hợp giữa màu đỏ, vàng, xanh và màu trắng.

Bởi từ lâu, người Tà Riềng quan niệm, màu đen tượng trưng cho đất rừng trù phú, màu vàng thể hiện khát vọng và tình yêu, màu xanh thể hiện cây cỏ, cây cối xanh tốt, màu đỏ là màu của mặt trời, màu của sự sống và màu trắng là màu tinh khôi như chính tấm lòng và con người Tà Riềng. Để tạo nên tấm thổ cẩm truyền thống, luôn có ấn tượng mạnh mẽ và phong cách riêng là việc không đơn giản, tốn rất nhiều thời gian và công sức. Mỗi tấm thổ cẩm khi dệt xong, không nằm ở chất liệu vải mà là ở nét tinh tế ở từng sợi chỉ và họa tiết hoa văn của chúng mang hồn dân tộc Tà Riềng.

Nhiều năm qua, bà Vứr là một trong những người đi đầu trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm của người Tà Riềng ở vùng biên Đắc Tôi. Sản phẩm mà bà làm ra luôn được bà con trong thôn Đắc Ro mua hoặc trao đổi về sử dụng và mặc vào những đêm hội Choóc đăil truyền thống, lễ ăn mừng được mùa, ăn mừng nhà mới, đám cưới… Chính những người phụ nữ lớn tuổi, đàn ông Tà Riềng trong thôn Đắc Ro còn giữ được thói quen mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình đã đem lại cho bà Zơrâm Vứr rất nhiều niềm vui.

Bà Zơrâm Vứr trao đổi với phụ nữ Tà Riềng trong thôn Đắc Ro về cách phối chỉ trên nền thổ cẩm.

Từ bao đời nay, nghề dệt thổ cẩm đã ăn sâu vào tiềm thức của người phụ nữ và là nét đẹp trong văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Tà Riềng. Ở xã Đắc Tôi hiện nay, vẫn có không ít các bà, các mẹ và cả những cô gái trẻ hằng ngày miệt mài truyền dạy, dệt nên các sản phẩm truyền thống.

Tuy nhiên, bà Vứr luôn trăn trở rằng, hiện nay, trong cuộc sống hiện đại, có nhiều loại vải đa dạng về chất liệu nên thường được các thanh niên trẻ tuổi trong thôn sử dụng. Trong khi đó, sản phẩm dệt bị thu hẹp nguồn tiêu thụ nên nhiều phụ nữ Tà Riềng trong thôn đã dần bỏ nghề để đi làm rẫy hoặc chọn nghề khác để mưu sinh. Vì vậy, theo thời gian, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Tà Riềng đang ngày càng bị mai một. Đó là lý do mà bà Vứr luôn suy nghĩ, phải làm sao để gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống trong thôn Đắc Ro.

Theo anh Zơrâm Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Đắc Tôi, hiện nay, tại các thôn trên địa bàn xã có hàng chục người biết dệt thổ cẩm, trong đó, thôn Đắc Ro có khoảng 20 chị em biết dệt. Có thể nói, chính ngọn lửa yêu nghề từ bao nhiêu năm nay của bà Zơrâm Vứr đã tiếp tục lan tỏa.

Để bảo tồn nghề dệt truyền thống của đồng bào dân tộc Tà Riềng, đồng thời, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân, chính quyền địa phương đã thành lập Tổ dệt thổ cẩm, đến nay, đã có 15 người tham gia. Bước đầu, các sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống của người Tà Riềng đã được nhiều người đón nhận nhưng đầu ra vẫn còn hạn chế. Tuy vậy, phụ nữ ở địa phương vẫn gắn bó với nghề dệt bằng tâm niệm góp một chút công sức nhỏ bé của mình để lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

bienphong.com.vn

Video