Nhiều kết quả, ý tưởng sáng tạo hỗ trợ phụ nữ An Giang khởi nghiệp

22/12/2019
Thực hiện đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, năm 2019, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã thực hiện tốt việc vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế. Các cấp hội chủ động xây dựng kế hoạch, đồng thời tổ chức triển khai sát với tình hình thực tế, qua đó xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo trong hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế.

Trưng bày, quảng bá các sản phẩm do phụ nữ khởi nghiệp sản xuất

Trưng bày, quảng bá các sản phẩm do phụ nữ khởi nghiệp sản xuất

Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Hồng Hạnh, hội đã tổ chức nhiều hoạt động tập huấn cho cán bộ Hội LHPN các cấp như: truyền thông trực tiếp tại cộng đồng 33 cuộc, trên 1.000 người tham dự; phối hợp tuyên truyền, hỗ trợ nâng cao năng lực cho đội ngũ ban quản lý tổ liên kết, tổ hợp tác, hợp tác xã do phụ nữ quản lý, điều hành; hỗ trợ kết nối doanh nghiệp (DN), giới thiệu trưng bày sản phẩm do phụ nữ sản xuất - kinh doanh khởi nghiệp ra thị trường trong và ngoài tỉnh; tổ chức Ngày hội “Phụ nữ An Giang khởi nghiệp - sáng tạo” gắn với biểu dương gương phụ nữ khởi sự, khởi nghiệp thành công; trưng bày, giới thiệu, kết nối sản phẩm phụ nữ khởi nghiệp...

Phối hợp đơn vị được google ủy quyền là Công ty Cổ phần RSVP tổ chức lớp tập huấn chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về khởi nghiệp và chương trình “Việt Nam Digital 4.0” cho 80 cán bộ Hội Phụ nữ chuyên trách, thành viên hội đồng quản trị hợp tác xã, thành viên ban quản lý tổ hợp tác, phụ nữ đang kinh doanh theo hình thức hộ gia đình và DN nhỏ. Nhiều mô hình sáng tạo hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp trong hỗ trợ kiến thức, dạy nghề,  hỗ trợ vốn... Hội LHPN cơ sở đã hướng dẫn, hỗ trợ vốn gần 3,1 tỷ đồng cho 252 chị khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.

Năm 2019, các cấp hội phối hợp vận động thành lập mới Hợp tác xã sản xuất đường thốt nốt Nhơn Hưng (tại xã Nhơn Hưng, Tịnh Biên) với 36 thành viên do chị Lê Thị Hiền làm Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị và Hợp tác xã nông nghiệp Phú Lâm (xã Lương An Trà, Tri Tôn) với 27 thành viên. Để nâng cao năng lực quản lý, điều hành, kiến thức về kinh tế tập thể cho các thành viên ban quản lý các mô hình kinh tế tập thể, Hội LHPN tỉnh tổ chức tập huấn chương trình “Khởi nghiệp từ hợp tác xã” cho 25 thành viên. Từ đó giúp nâng cao chất lượng hoạt động và thực hiện có hiệu quả đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp.

 

Tại các huyện, thị xã, thành phố, Hội LHPN tổ chức nhiều hoạt động thiết thực: hội thi cán bộ, hội viên tìm hiểu đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giai đoạn 2017-2025” năm 2019, có 14 đội dự thi và thu hút hơn 100 cán bộ, hội viên tham gia. Từ đó, giúp nâng cao nhận thức về chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật nhà nước về khởi nghiệp cho cán bộ, hội viên trong vận động phụ nữ khởi nghiệp. 11/11 đơn vị tổ chức Ngày phụ nữ khởi nghiệp với hình thức trưng bày và giới thiệu sản phẩm do phụ nữ sản xuất, với 195 gian hàng tham gia trưng bày. Thông qua đó giúp phụ nữ khởi nghiệp, các cơ sở sản xuất quảng bá, giới thiệu sản phẩm của mình đến tay người tiêu dùng.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Chợ Mới Trần Thị Ngọc Hà cho biết, hội đã giới thiệu và giúp 654 hộ vay vốn 18,2 tỷ đồng từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội; tranh thủ kêu gọi các ngân hàng thương mại hỗ trợ giúp vốn hơn 39,3 tỷ đồng cho chị em khởi nghiệp, phát triển kinh doanh. Tổ chức 12 lớp nghề may công nghiệp, nuôi thủy sản, mộc, các sản phẩm làm từ lục bình và tre nứa; giới thiệu 276 chị có việc làm ổn định. Hội LHPN huyện giúp 82 chị vay vốn khởi nghiệp với số tiền hơn 1,9 tỷ đồng. Tổ chức Ngày hội “Phụ nữ khởi nghiệp- sáng tạo” năm 2019 có 18 gian hàng trưng bày các sản phẩm do chính phụ nữ làm ra như: bánh, mứt, lạp xưởng, khô, bì các loại trái cây sạch (cam, ổi, sơri, nhãn...), túi xách móc bằng len, bằng chỉ cotton và các sản phẩm làm từ các làng nghề như: rổ, rế, thúng, mẹt... làm bằng tre, nứa.

Mới đây, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 14 gian hàng trưng bày sản phẩm đặc trưng của các tổ, mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ sáng tạo, khởi nghiệp để giới thiệu, quảng bá. Tạo điều kiện, cơ hội cho phụ nữ làm kinh tế có dịp giao lưu, kết nối, giới thiệu sản phẩm do chính tay mình làm ra, những sản phẩm, hàng hóa đặc trưng của địa phương, của DN. Hoạt động này giúp chị em có điều kiện kinh doanh, liên kết phát triển, giới thiệu sản phẩm, nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình, DN do phụ nữ làm chủ. Tại đây, nhiều sản phẩm đặc sản đặc trưng của 11 địa phương do phụ nữ khởi nghiệp sản xuất được khách hàng rất thích, như: bột huyền Hồng Vân, rượu hồng quân, đường thốt nốt, bánh bò thốt nốt, rượt cà na Hòa Kiều (Tịnh Biên), bánh phồng Hồng Điệp (Phú Tân), bánh kàtum (Tri Tôn), các sản phẩm dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm Châu Giang (TX. Tân Châu) và huyện An Phú, khô mắm (TP. Châu Đốc), tinh dầu chúc, giỏ lục bình (Tri Tôn), mùng mền, thú nhồi bông (Châu Thành), các sản phẩm móc từ chỉ len (Thoại Sơn)...

 

baoangiang

Video