Những 'bông hồng lửa' trên tuyến đầu chống dịch: “Chạy đua với thời gian’

07/11/2021
Bằng mệnh lệnh của trái tim và tinh thần quả cảm 'lương y như từ mẫu', hàng trăm nữ bác sỹ, nhân viên y tế đã nén gạt những giọt nước mắt, bằng ý chí và quyết tâm lên đường chi viện.
TS. BS Trương Anh Thư (ngồi giữa) trao đổi với các đồng nghiệp trong thời gian chi viện tại TP. Hồ Chí Minh

Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 với sự lây lan mạnh mẽ, phức tạp của biến chủng Delta đã khiến cho TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khu vực phía Nam gặp vô vàn khó khăn, số ca nhiễm mới và tử vong tăng lên nhanh chóng mỗi ngày. Hệ thống y tế địa phương đã quá tải và trước thực tế ấy, Trung ương, các tỉnh, thành đã nhanh chóng chi viện lương thực thực phẩm, trang thiết bị y tế và đặc biệt là nhân lực cho các nơi đang là tâm dịch.

Cùng với các đồng nghiệp nam, những chiến sĩ, những y bác sĩ nữ đã không chần chừ, mau chóng đăng ký xung phong lao vào "trận chiến với kẻ thù vô hình" ấy với mong muốn được chung tay, góp sức, hỗ trợ cho miền Nam ruột thịt sớm khống chế, đẩy lùi dịch bệnh. Một cuộc chiến đầy cam go, khốc liệt, đối diện với không ít hiểm nguy đó, thậm chí có thể đe dọa đến sự an toàn tính mạng của chính họ nữa, nhưng ai cũng quyết tâm, sẵn sàng bằng tinh thần, trách nhiệm, trí tuệ và kỹ năng nghề nghiệp của mình. Những người phụ nữ dịu dàng, nhẹ nhàng nhưng đầy bản lĩnh. Ở họ đều chung khát vọng được cống hiến cho cộng đồng.

TS. BS Trương Anh Thư, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiếm khuẩn, Bệnh viện Bạch Mai là một trong số rất nhiều nữ bác sĩ, nhân viên y tế tham gia tuyến đầu trong công cuộc chạy đua với dịch bệnh COVID-19 giành lại sự sống cho bệnh nhân. Chị thường được nhắc đến với hình ảnh “Chạy đua với thời gian để tạo "rào chắn" an toàn cho nhân viên y tế’’.

Với bề dày kinh nghiệm đã từng trải qua tại các mặt trận nóng nhất như Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, TS.BS Trương Anh Thư đã giắt trong mình một hành trang dày dặn và đủ đầy để "Nam tiến". Tuy nhiên, khi đối mặt với thực tiễn tại điểm nóng, đặt chân tới TP Hồ Chí Minh, sự thiếu thốn nghiêm trọng từ trang thiết bị, phương tiện tới nhân lực ở đây nằm ngoài sức tưởng tượng của chị.

Bệnh viện Bạch Mai được bàn giao 1 bệnh viện dã chiến trên nền nhà kho và thành phố hỗ trợ duy nhất hệ thống ô-xy trung tâm. Gánh trên vai trách nhiệm vô cùng to lớn là phải xây dựng quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, bác sĩ Anh Thư tâm tư: “Đối tượng bệnh nhân được tiếp nhận vào trung tâm là những người ở tình trạng nặng nhất trong điều kiện cơ sở vật chất để điều trị và kiểm soát nhiễm khuẩn là vô cùng hạn chế. Lần đầu tiên, tôi ngổn ngang những lo lắng”.

Công việc đầu tiên đặt chân tới TP Hồ Chí Minh, không phải là tư vấn chuyên môn như chị nghĩ, mà bằng những việc rất nhỏ, lo từ băng dính, túi ni-lông, khăn lau, giẻ lau tới phương tiện lớn hơn như thiết bị xử lý dụng cụ, đồ vải y tế, trang thiết bị phòng hộ. Bác sĩ Anh Thư canh cánh nỗi lo lớn, nếu không đủ thiết bị, phương tiện, nhân viên y tế không thể có môi trường làm việc và thực hành an toàn, nguy cơ lây nhiễm rất cao. Danh mục hàng hóa hơn 100 mặt hàng cần thiết để chống nhiễm khuẩn trong đại dịch mà trong 2-3 tuần đầu gần như có rất nhỏ giọt.

Bác sĩ Anh Thư đã hoàn thành nhiệm vụ sau hơn 2 tháng chi viện cho TP. HCM 

Mỗi ngày, chị và đồng nghiệp cùng huy động tình nguyện viên, góp nhặt từng phương tiện một để làm dầy lên danh mục. Song song đó, chị phải tập trung hoàn thiện quy trình làm việc trong tình trạng nhân lực mới, mạng lưới cộng tác viên lần đầu tham gia chống dịch. “Chúng tôi vừa lo hoàn thiện danh mục, vừa đào tạo tập huấn theo hình thức cầm tay chỉ việc để nhân lực mới, chưa nhiều kinh nghiệm có thể bắt kịp nhanh chóng công việc”.

Lo lắng từ hậu cần, tới trang thiết bị, giờ phải làm đồng đội hiểu và cùng phối hợp vượt qua khó khăn cũng là thách thức không kém. Các nhân viên y tế vào đây tuần đầu áp lực rất lớn. Mệt mỏi, người bệnh quá tải, phải làm trong điều kiện nhà mái tôn, trang phục bảo hộ kín mít... làm họ nhanh mệt, dễ xuống sức hơn.

Gần như bắt tay xây dựng quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn từ con số 0, bằng tất cả kinh nghiệm tích lũy từ những làn sóng dịch trước đó tại Đà Nẵng, Hải Dương, Bắc Giang, bác sĩ Anh Thư đã rất quyết liệt với tất cả lãnh đạo và nhân viên các đơn vị tham gia chăm sóc, điều trị người bệnh COVID-19 để họ quan tâm và tuân thủ đúng quy định, hướng dẫn kiểm soát nhiễm khuẩn nhằm bảo vệ nhân viên y tế tuyến đầu tránh nguy cơ phơi nhiễm. Nếu tập huấn, nhắc nhở mà không thay đổi, chị lại tức tốc xuống tận địa bàn làm việc, trực tiếp gặp lãnh đạo trao đổi về việc có cần thiết phải đào tạo tập huấn lại toàn bộ bệnh viện hay không, những nội dung cần ưu tiên đào tạo, phương tiện đã bố trí phù hợp chưa và sắp xếp, tổ chức công kiểm soát nhiễm khuẩn tới đâu, còn những lỗ hổng nào cần khắc phục? “Đôi khi tôi cũng không kiểm soát được cảm xúc của mình, thậm chí còn to tiếng với cả đồng nghiệp”, bác sĩ Anh Thư phân trần. Cuộc chiến với biến chủng Delta tại TP Hồ Chí Minh quá khốc liệt, tôi phải kiềm chế tính nóng nảy, kiểm soát cảm xúc của mình trước nhiều tình huống. Khi mọi người đều quá áp lực, căng thẳng, nếu tranh luận kịch liệt sẽ phản tác dụng. Tôi phải dần dần từng bước thuyết phục, động viên, giải thích cho đồng đội hiểu để họ tự ý thức được bảo vệ an toàn cho bản thân” – BS Thư nói.

Bác sĩ Anh Thư mô tả, công việc của nhóm chị giống như những camera giám sát “di đông” để kiểm tra, phát hiện những tồn tại khó khăn của đồng nghiệp để giúp họ bảo đảm tuân thủ các bước thực hành, bảo đảm an toàn của bản thân và người bệnh.

Thực hành chống dịch không quá phức tạp hay tốn kém, chủ yếu duy trì tuân thủ 5K trong bệnh viện, tuân thủ nghiêm ngặt thực hành phòng ngừa cơ bản như vệ sinh tay, vệ sinh bề mặt môi trường tiếp xúc thường xuyên, sử dụng đúng phương tiện phòng hộ cá nhân. Nhưng điều khó nhất là làm sao tất cả mọi người có ý thức tuân thủ. Chỉ một vài người không tuân thủ tốt, đồng nghiệp và người bệnh sẽ không an toàn.

Mỗi ngày, bác sĩ Anh Thư đi lại như con thoi giữa các bệnh viện dã chiến, vừa đi khảo sát cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị cho công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, chị vừa tìm hiểu khó khăn, vướng mắc để tìm cách phối hợp, triển khai giải quyết theo tình huống thực tế. Đào tạo kiểm soát nhiễm khuẩn trong bối cảnh bệnh dịch cần phải hướng tới những thực hành phòng, chống dịch an toàn, có thể thực hiện trong điều kiện thiếu thốn theo hình thức cầm tay chỉ việc.

Tình thế chung lúc này của các bệnh viện dã chiến là không có người làm chuyên trách nhiễm khuẩn, không có trang thiết bị, thậm chí trong tình trạng quá tải tới mức không thể triển khai công tác kiểm soát nhiễm khuẩn theo như các Quy định, Hướng dẫn hiện hành. Có những ngày chị rơi vào trạng thái rất mệt mỏi vì phải bắt tay làm mọi thứ từ đầu ở những cơ sở dã chiến khác nhau. Trong đó, điều mà chị đau đáu đặt lên bàn lãnh đạo các bệnh viện dã chiến là cần phải có nhân viên chuyên trách kiểm soát nhiễm khuẩn. Nếu không triển khai công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, nhân viên y tế sẽ không được bảo vệ trước nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 trong chăm sóc, điều trị người bệnh COVID-19.

“TP Hồ Chí Minh đã có nhiều kịch bản nhưng mọi thứ diễn biến đã vượt qua dự báo. Những ngày cuối tháng 7, các bệnh viện dã chiến rơi vào tình trạng thiếu thốn nặng nề, không đủ nhân lực, phương tiện bảo hộ. Tại một số bệnh viện, nhân viên y tế chỉ được trang bị duy nhất khẩu trang y tế, thậm chí quần áo bảo hộ cũng không đầy đủ. Người nhà F0 cũng vào bệnh viện để chăm người bệnh, không còn ranh giới giữa nhân viên y tế với người bệnh, người nhà, lây nhiễm chéo là tất yếu”, bác sĩ Anh Thư nói.

“Trong những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8, số người bệnh COVID-19 nặng tăng rất cao. Các nhân viên y tế chịu nhiều sức ép, bênh nhân nằm ngổn ngang, không thể làm và cũng không có người làm chuyên trách được công tác kiểm soát nhiễm khuẩn. Nhân viên y tế gần như bất lực và không ít người cũng bị nhiễm SARS-CoV-2. Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 của bệnh viện Bạch Mai còn phải cần thời gian để đi vào ổn định công tác này, thì các bệnh viện vệ tinh vốn trống cả về bác sĩ hồi sức cấp cứu tới nhân viên chuyên trách kiểm soát nhiễm khuẩn, nên rất khó tránh được nguy cơ nhiễm”, bác sĩ Anh Thư tâm sự.

Số lượng người bệnh tử vong lớn trong vài tuần đầu. Có những gia đình cả 3 người vào trung tâm vào cấp cứu và lần lượt tử vong khiến ai cũng stress nặng nề. Bác sĩ trong trung tâm thẫn thờ nhìn người bệnh ra đi. Đau đớn hơn, khi có không ít người bệnh đã được điều trị ổn định suy hô hấp do COVID-19 nhưng lại mắc nhiễm khuẩn bệnh viện. Các người bệnh nặng, suy giảm miễn dịch phải can thiệp nội khí quản, sử dụng nhiều máy móc hỗ trợ khó tránh được việc nhiễm những loại vi khuẩn đa kháng.

Dù cố gắng dùng những loại kháng sinh mạnh nhất, hiện đại nhất trên thế giới để điều trị, nhưng các bác sĩ vẫn không thể đánh bại được vi khuẩn đa kháng kháng sinh. “Tưởng chừng họ qua khỏi bệnh do COVID-19 nhưng tử vong liên quan tới nhiễm trùng bệnh viện do vi khuẩn đa kháng. Đây là điều đau đớn và bất lực”, bác sĩ Anh Thư xót xa nói.

Ngoài công việc chuyên môn, nhắc đến BS Thư, người ta còn nói đến hình ảnh của một “người đứng sau đám cưới online nhiều cảm xúc”. Chẳng là, “một nữ điều dưỡng trong nhóm tôi đến ngày cưới không dám về, không dám nói với ai vì sợ ảnh hưởng công việc. Cô ấy hy sinh hạnh phúc riêng để lặng lẽ hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi đã cố gắng tặng cho bạn ấy một lễ cưới online đặc biệt. Đó là cảm xúc rất mạnh để khích lệ chúng tôi cần phải cố gắng hơn nữa để thành phố sớm bình yên”, bác sĩ Anh Thư xúc động kể. Quả thực, đám cưới online của nữ điều dưỡng đã mang lại nhiều cảm xúc cho đồng đội về sự hy sinh thầm lặng...

Cùng các đồng nghiệp của mình, BS Anh Thư đã kiên trì bám trụ tại TP Hồ Chí Minh hơn 2 tháng qua và đã xây dựng được 80% quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện dã chiến. Trước khi kết thúc chi viện, bác sĩ Anh Thư và các đồng nghiệp vẫn tiếp tục tăng cường đào tạo để giúp các bệnh viện vệ tinh có kiến thức, kỹ năng kiểm soát nhiễm khuẩn tốt hơn, sắp xếp, bố trí được nhân lực chuyên trách để duy trì triển khai công tác kiểm soát nhiễm khuẩn. Nhìn lại thành quả mình và các đồng nghiệp đã làm được thời gian ngắn qua, bác sĩ Anh Thư chia sẻ: TP Hồ Chí Minh đã có những khởi sắc, đầu tư về nhân lực và nguồn lực cho công tác kiểm soát nhiễm khuẩn.

ĐCSVN

Video