Những kinh nghiệm hay trong hoạt động tín dụng tiết kiệm của Quỹ cơ hội cho phụ nữ làm kinh tế tỉnh Đắk Nông

12/01/2021
Năm 2020, trong bối cảnh kinh tế xã hội chịu nhiều tác động nặng nề từ dịch bệnh Covid -19, bạch hầu, thiên tai... giá cả các mặt hàng nông sản chủ lực xuống thấp, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm phức tạp…, với tinh thần trách nhiệm trong việc hướng mục tiêu đến hỗ trợ phụ nữ nghèo, dân tộc thiểu số khó khăn có vốn vay, Quỹ cơ hội cho phụ nữ làm kinh tế tỉnh Đắk Nông đã có nhiều bài học kinh nghệm trong vận hành hoạt động hệ thống từ tỉnh xuống cơ sở.

Qua đó đã huy động tốt các nguồn lực, tổ chức giúp đỡ ngày công, con giống, kiến thức cho chị em, sát cánh cùng tổ chức Hội thiết thực giúp được nhiều hộ gia đình có “cần câu” phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống.

Song song với hoạt động giải ngân trên 188 tỷ đồng với 9.732 lượt vay cho 3.493 thành viên thuộc 205 nhóm tại địa bàn 5 huyện gồm Đắk G’Long, Đắk Song, Đắk R’Lấp, Tuy Đức, Krông Nô (trong đó, phụ nữ dân tộc thiểu số chiếm 45,7%, phụ nữ nghèo và cận nghèo chiếm 66,8%), Quỹ đã huy động nguồn vốn tiết kiệm bắt buộc lên đến trên 1 tỷ đồng để giúp chị em nâng cao năng lực quản lý kinh tế hộ gia đình, đồng thời là nguồn vốn giúp các thành viên khó khăn khác được hỗ trợ khi có nhu cầu vay vốn.

Năm 2020 cũng là năm đầu tiên Quỹ được Hội LHPN tỉnh ủy thác nguồn vốn quay vòng vệ sinh với tổng trị giá trên 1,3 tỷ đồng giải ngân cho 191 hộ vay để sửa chữa, cải tạo, xây mới nhà vệ sinh, góp phần tích cực trong công tác bảo vệ môi trường gắn với thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Hướng tới các thành viên là phụ nữ nghèo, dân tộc thiểu số làm chủ hộ có hoàn cảnh khó khăn, hạn chế đất canh tác và kiến thức sản xuất, Quỹ cùng với Hội Phụ nữ các cấp đã tích cực tuyên truyền quyền lợi và nghĩa vụ tham gia vốn vay và bám sát các thành viên với phương châm “3 biết” (biết nhà thành viên, biết hoàn cảnh thành viên, biết hiệu quả sử dụng vốn của thành viên), phối hợp tổ chức tập huấn chăn nuôi, trồng trọt, định kỳ tổ chức sinh hoạt nhóm chia sẻ kinh nghiệm sử dụng vốn hiệu quả, kịp thời thăm hỏi, động viên các gia đình khi ốm đau,… Bên cạnh đó, trước vấn đề chiếm đoạt vốn, phát sinh nợ xấu, Quỹ đã cử cán bộ tham dự các lớp tập huấn về quản lý tài chính, tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho các nhóm trưởng tại các điểm giao dịch, rà soát xem xét kỹ hồ sơ đảm bảo đầu vào trước khi thành lập nhóm, phối hợp với chính quyền, ban, ngành địa phương thực hiện công tác thu hồi nợ, tăng cường vận động việc chấp hành đúng chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước về hoạt động tín dụng, đẩy mạnh việc họp giao ban, hội nghị lấy ý kiến đánh giá tình hình hoạt động cho vay vốn tại địa phương, định kỳ khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu …

Mặc dù số vốn không lớn song để giúp chị em có hoàn cảnh khó khăn, dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa biết quản lý, sử dụng trong phát triển kinh tế một cách hiệu quả, đòi hỏi cách vận hành hệ thống quản lý vốn khoa học, có kinh nghiệm, kỹ năng ở các cấp để có ngày càng nhiều hơn đối tượng được hưởng lợi trên địa bàn, tránh các trường hợp rủi ro không đáng có.

Đây là một trong những bài học kinh nghiệm quan trọng cho các cấp Hội trong việc triển khai chương trình hỗ trợ vốn vay thuộc khuôn khổ dự án 8, Chương trình Phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiếu số khó khăn giai đoạn 2021 - 2025 do Hội LHPN tỉnh chủ trì trong thời gian tới.

Phan Thị Minh

Video